Trong sáng nay 10/12, đã có hơn 30 tình nguyện viên tới Học viện Quân Y để đăng ký tiêm thử nghiệm vắc-xin COVID-19.
Sáng nay, Học viện Quân Y chính thức thu tuyển các tình nguyện viên tham gia đăng ký tiêm thử nghiệm vắc-xin COVID-19. Theo ghi nhận, trong buổi sáng đầu tiên đã có hơn 30 người tình nguyện đăng ký.
Là 1 trong những người đến sớm, có mặt tại bàn đăng ký, N.T.T (25 tuổi, ở Bắc Ninh), là sinh viên Học viện Quân Y cho biết, bản thân học ngành Y, đọc và tìm hiểu về virus SARS-CoV-2 cũng như quá trình sản xuất vắc-xin COVID-19 nên T rất mừng khi Việt Nam đã có đơn vị sản xuất ra vắc-xin phòng chống loại virus này.
"Trước khi đăng ký, tôi cũng đã tìm hiểu và mong muốn có thể góp một phần nhỏ để có thể đẩy lùi dịch COVID-19. Hôm nay đến đăng ký, chưa biết có đủ điều kiện để tiêm thử nghiệm không nhưng tôi cũng cảm thấy rất hồi hộp.
Khi đăng ký, tôi quan tâm tới việc mình sẽ được tiêm cái gì, mức độ rủi ro đến đâu. Tôi nghe kỹ những thông tin tư vấn từ cán bộ Học viện về quá trình tiêm thử nghiệm, trước và sau khi tiêm phải làm gì" - T chia sẻ.
N.P.Q (21 tuổi, sinh viên Học viện Quân Y) cũng đến đăng ký tham gia tiêm thử nghiệm. Q cho biết, trước khi quyết định đăng ký có hỏi ý kiến của gia đình và được gia đình ủng hộ.
"Cũng còn những băn khoăn nhất định nhưng em tin tưởng vào vắc-xin ngừa COVID-19 của Việt Nam có độ an toàn cao sau khi vắc-xin đã có kết quả tốt trong thử nghiệm với chuột, khỉ. Hy vọng là sẽ thành công để sớm cung cấp vắc-xin đẩy lùi dịch bệnh COVID-19".
Sáng nay 10/12, GS.TS Đỗ Quyết – Giám đốc Học viện Quân y cho biết, Học viện và công ty NANOGEN chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho giai đoạn thử nghiệm trên người.
"Chúng tôi đặt sự an toàn của người tiêm thử nghiệm lên hàng đầu. Nếu không an toàn, Học viện Quân Y sẵn sàng đứng ra độc lập để dừng thử nghiệm. Chúng tôi không đánh đổi sự an toàn của người dân Việt Nam với bất cứ điều gì khác. Chúng ta quyết không để tai biến xảy ra trong quá trình thử nghiệm".
Tất cả các tình nguyện viên tham gia nghiên cứu sẽ được tiêm bắp 2 liều vắc xin Nanocovax. Khoảng cách giữa 2 liều là 28 ngày. Thời gian nghiên cứu cho mỗi đối tượng là khoảng 56 ngày, để đánh giá mục tiêu nghiên cứu.
Về các tác dụng phụ không mong muốn, lãnh đạo công ty NANOGEN cho biết cũng đã có những tính toán. Đơn vị đã phối hợp với Học viện Quân y để chuẩn bị các bước và ê kíp sẵn sàng xử trí nếu có.
Ngoài ra, NANOGEN cũng chuẩn bị cho tình nguyện viên 2 phương án xử trí. Đầu tiên đơn vị sẽ ký hợp đồng với hãng bảo hiểm để mua bảo hiểm cho các tình nguyện viên phòng những tình huống xấu nhất. Thứ hai, NANOGEN cũng ký với ngân hàng để có những chính sách bồi thường cho họ trong trường hợp xảy ra những sự cố không mong muốn mà bảo hiểm không chi trả.
3 giai đoạn tiêm thử nghiệm vắc-xin COVID-19 tại Việt Nam:
Giai đoạn 1 sẽ có 60 người tình nguyện khỏe mạnh từ 18 đến 50 tuổi tham gia và được phân ngẫu nhiên vào 3 nhóm, bao gồm nhóm 1a với 20 người dùng mức liều 25 mcg sẽ được thu tuyển đầu tiên, tiếp theo là nhóm 1b gồm 20 người dùng mức liều 50 mcg và sau đó là nhóm 1c gồm 20 người dùng mức liều 75 mcg.
Tất cả các đối tượng tham gia nghiên cứu giai đoạn 1 sẽ được tiêm bắp 2 mũi vắc-xin, khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 28 ngày.
Giai đoạn 2 (từ tháng 2-tháng 8-2021) sẽ thử nghiệm trên 400 - 600 người tình nguyện từ 12-75 tuổi.
Giai đoạn 3 (từ tháng 8-tháng 2-2022) thử nghiệm từ 1.500 - 3.000 người ở độ tuổi 12-75.