Quen biết, trao gửi tình yêu trong 6 năm, về chung sống với nhau hơn 30 năm, ông Quang Ánh và bà Lan Tiêu chưa một lần trong đời được nghe thấy tiếng yêu thương của đối phương.
5 giờ sáng, Hà Nội trở mình đón những tia nắng mùa thu dịu nhẹ.
Trên con phố Khâm Thiên, ông cụ bị điếc lần lượt xếp mấy chiếc ghế xanh, đỏ, vài chai nước ngọt, phích nước ấm, âu nước vối, bình trà ra, chuẩn bị một ngày lao động cùng người vợ mất khả năng nghe, nói của mình.
Tình yêu trong im lặng
Ông Ánh kể lại, năm 1979, máu kinh doanh nổi lên, ông rủ 2 người cháu của mình chung vốn buôn bán quần áo bò ở ngoài chợ.
Thấy cô gái xinh xắn, nhanh nhẹn làm thuê cho tiệm kế bên, có điều gì đó trong ông cứ thôi thúc nghĩ bà Tiêu chính là người phụ nữ ông cần.
Rồi ông lân la làm quen và thổ lộ tình cảm của mình. Người phụ nữ có cái tên rất đẹp Lan Tiêu đó cũng đem lòng cảm mến ông.
Mặc dù ông Ánh hơn bà Tiêu 18 tuổi nhưng dường như sự thương mến và cảm thông của hai con người cùng chung số phận đã đưa họ đến gần với nhau.
Sau mỗi lần trò chuyện bằng ngôn ngữ của riêng hai người, tình yêu trong im lặng đó lớn dần lên mỗi ngày.
Tình yêu ấy được dệt bền chặt từng cử chỉ ngọt ngào, quan tâm mà ông bà dành cho nhau.
Ông Ánh đánh liều tới nhà bà Tiêu xin phép bố mẹ bà cho cưới người con gái ông thương về làm vợ. Ngay lập tức, hai cụ phản đối kịch liệt vì cả ông Ánh và bà Tiêu đều không nghe, nói được như người bình thường.
Bố bà Tiêu sợ hai người không lo được cho nhau, không chăm sóc được gia đình, con cái sau này lại khổ.
Bằng sự chân thành và cố gắng của mình, ông Ánh đã kiên trì thuyết phục bố mẹ bà Tiêu chấp thuận tình yêu của ông và đồng ý để hai người đến với nhau và có được cái kết đẹp như muôn và tình yêu khác.
Khi đó, bố bà Tiêu gọi ông Ánh đến nói chuyện: Nếu cảm thấy hợp nhau thì phải tốt với nhau, không được đánh vợ, phải chịu khó làm ăn, bảo ban nhau và chung sống hạnh phúc.
Nghe xong những lời căn dặn đó, biết bố bà Tiêu đã đồng ý để mình gọi tiếng ‘bố vợ’, ông Ánh càng thêm tự tin với quyết định tiến tới với bà Tiêu.
6 năm sau lần gặp gỡ tình cờ đầy duyên nợ ở chợ đó, ông Ánh và bà Tiêu tổ chức hôn lễ trong sự vui mừng, chúc phúc của hai bên gia đình, bạn bè.
Sóng gió qua đi, ông bà bên nhau bình yên. 2 đứa con trai kháu khỉnh, khoẻ mạnh bình thường lần lượt ra đời chính là câu trả lời cho sự tự tin năm nào của ông Ánh trước bố vợ của mình.
Nhìn đứa con trai đầu của ông bà, bố vợ nhẹ nhàng vỗ vai khen ông ‘giỏi quá’. Vậy là ông Ánh biết mình có thêm ‘đồng minh’ trên hành trình tìm kiếm hạnh phúc.
Ông thừa nhận, ông từng yêu rất nhiều người phụ nữ, có cả một mối tình đẹp với cô sinh viên xinh nhất trường múa thời ấy.
Cái tên Quang Ánh cũng được mọi người biết tới là người đàn ông đẹp trai, ăn chơi có tiếng ở đất Hà Thành.
Hồi đó, ông không để mình vướng bận vào tình yêu mà chỉ tập trung rèn luyện thể lực để tham gia các giải đua xe đạp trên cả nước.
Trước kia hiển hách trong sự nghiệp thi đấu đua xe đạp bao nhiêu thì từ khi gặp bà Tiêu, ông hoàn toàn gục ngã trước tình yêu của mình.
Những vấn đề trong cuộc sống, ông nhẹ nhàng chỉ bảo cho bà hiểu chứ sợ nặng lời lại khiến bà tủi thân, tự ti về việc mình không biết chữ.
Những khi vắng khách, hai ông bà ngồi bên nhau, ông lật dở những mẩu giấy ghi cuộc trò chuyện, trao đổi với khách, kể cho bà nghe bằng ký hiệu.
Suốt quãng thời gian bên nhau, ông Quang Ánh và bà Lan Tiêu không ai thì thầm với ai những câu nhung nhớ, yêu thương nhưng đối phương vẫn thấu lòng người còn lại.
Dường như giữa hai con người này luôn có một sợi dây xuyên suốt, không cần nói ra bằng lời nhưng họ đều nghe thấy tiếng lòng của nhau.
Hai ông bà đến với nhau bằng sự đồng cảm, chân thành, chung sống bao nhiêu năm trời cũng bởi một chữ ‘thương’ và bên nhau hoà thuận đến tận bây giờ.
Những điều giản dị
Sáng sớm, bà Tiêu xách chiếc cặp lồng nhôm bên trong đựng bữa sáng, đi qua khoảng sân tối, ẩm thấp, tiến về góc vỉa hè bán trà đá quen thuộc của ông bà.
Nơi đó, ông Ánh đang rót cốc nhân trần cho người khách đầu tiên trong ngày. Nhìn thấy ông, bà cười ra dấu ký hiệu ông về nhà ăn sáng đi, tôi mang đồ ăn ra đây vừa trông hàng vừa ăn.
Mọi ngày, ông bà mang cả đứa cháu nhỏ ra quán để vừa trông cháu vừa bán hàng. Nhưng hôm nay, sau đợt ốm nặng của bà, ông xua tay ý chỉ bà về nhà nghỉ.
Ánh mắt của ông Ánh cứ nhìn mãi tấm lưng bà Tiêu đang khuất dạng sau con ngõ nhỏ.
Ông Ánh từ tốn ngồi lại cùng mấy người khách đến từ trước, cất chút tiền họ trả vào hòm và pha nước mời những người khách mới.
Cứ thế, một buổi sáng của ông Ánh qua đi theo từng cốc nhân trần, trà đá và những câu cười nhận lại từ khách mỗi lần ông ú ớ vài lời với họ.
Cũng buổi sáng đó, bà Tiêu đặt vội chiếc cặp lồng còn lưng chỗ bún ăn sáng xuống nền nhà bếp chật hẹp.
Bà uống vốc thuốc rồi nằm xuống chiếc giường là cái đệm gấp ½. Bên cạnh bà, đứa cháu nhỏ đang nằm ngủ ngoan.
Ngồi bán trà đá tại vỉa hè ngoài kia, ông Ánh cũng vừa uống xong vài viên thuốc có ghi tác dụng thuốc hỗ trợ cho người cao huyết áp và mỡ máu.
Ông Ánh ‘viện cớ’ về nhà cất túi đá người ta vừa giao tới, nhờ mấy người xung quanh nhìn hộ hàng quán, ông nhanh chân tạt qua nhà thăm người vợ vẫn còn đang mệt của mình.
Bước vào nhà, ông khẽ lay bà đang nằm quay lưng ra cửa, kế bên bà là những vỉ thuốc chưa cất. Bà chỉ ông nhìn sang đứa cháu đang ngủ ngon ở giường bên cạnh. Ông Ánh yên tâm, quay lại bán hàng tiếp.
Căn phòng 17 m2 với 3 thế hệ gia đình
Từ khi chuyển về căn phòng trong khu tập thể Khâm Thiên, ông bà chuyển bán trà đá vỉa hè. Căn phòng rộng chừng 17m2 trên căn gác tập thể đó là nơi trú ngụ của 9 người thuộc 3 thế hệ gia đình ông bà.
Nằm nép trên con phố Khâm Thiên 25 năm nay, quán trà đá này là nơi nuôi dưỡng ông bà về cả tâm hồn và vật chất. Trong khốn khó, vợ chồng lại càng thấy trân trọng và thương nhau nhiều hơn.
Gia đình khó khăn nhưng không lúc nào ông bà buông tay nhau, cho dù bây giờ, mức sống của ông bà chỉ phụ thuộc vào tiền trợ cấp tuổi già 80 của ông và khoản thu nhập từ việc bán trà đá.
Con trai lớn của ông bà từng đi lao động ở Trung Đông nhưng sức khoẻ không tốt nên phải quay về dở dang. Còn công việc của con trai và con dâu thứ 2 bấp bênh nên mức sống cũng eo hẹp.
Thương con cái, ông bà không cậy nhờ chúng bao giờ mà cố gắng hết sức có thể để tự bươn bả kiếm đồng ra đồng vào, hỗ trợ các con.
Bằng chút sức lực tuổi già của mình, ông bà Tiêu hằng ngày vẫn trông đứa cháu nhỏ để bố mẹ chúng tiết kiệm được chút tiền gửi lớp.
Những ngày khoẻ, bà Tiêu đi chợ, nấu cơm cho cả gia đình. Đến trưa chặt, bà mang cặp lồng cơm trưa cho ông ăn.
Những chiếc cặp lồng chan chứa tình thương của bà dành cho ông cứ thế đầy ăm ắp mỗi ngày. Với ông Ánh, đó là những chiếc cặp lồng hạnh phúc.
Rồi ông về nhà nghỉ, bà ngồi lại trông quán. Cả ngày dài, ngoài thời gian ít ỏi cùng trông quán, ông bà chỉ được ngồi ăn với nhau bữa cơm tối.
Bữa cơm khép lại một ngày lao động kết thúc khoảng 7-8 giờ tối và mở ra sự gần gũi, thân thiết giữa tất cả các thành viên trong gia đình.
Những khoảnh khắc được ủ ấm bởi tình thương của cả hai giúp ông bà luôn tìm thấy niềm vui và hạnh phúc khi ở bên nhau.
Tình yêu ấy được đều đặn mỗi ngày gói ghém trong từng bữa ăn, thức uống, những sự quan tâm rất dung dị đời thường cùng những câu cười hiền từ.
Nó được ông bà bồi đắp mỗi ngày và dặt dìu trường tồn cùng thời gian.