Trẻ con luôn là tâm điểm của sự chú ý trong các buổi họp mặt gia đình - ai cũng muốn bế và ôm hôn trẻ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cha mẹ không nên bắt trẻ ôm hôn họ hàng vì nhiều lý do.
Đôi khi những người thân như ông, bà, cô, dì, chú, bác, v.v. muốn ôm hôn trẻ để thể hiện tình cảm.
Vì không muốn khó xử và làm mất lòng mọi người nên bố mẹ thường khuyến khích con thực hiện hành động đó dù có thể trẻ không thích.
Phản đối điều này, TS Deborah Gilboa, một chuyên gia về nghệ thuật làm cha mẹ cho biết: ‘Tuyệt đối không nên cưỡng ép trẻ ôm hôn người khác.
Khi bạn dạy con rằng cơ thể trẻ là riêng tư, không ai được tự ý chạm vào người con, sau đó lại bắt con có cử chỉ thân mật với một ai đó, trẻ sẽ cảm thấy bối rối’.
Trẻ không biết phải làm gì khi người lớn, kể cả ông bà hay chú bác muốn thực hiện cử chỉ thân mật với chúng - chúng có được từ chối không hay lúc nào cũng phải nghe lời.
TS Gilboa nói thêm: ‘Đây là vấn đề thuộc quyền tự quyết của trẻ. Trẻ cần hiểu chúng có thể từ chối và mọi người cần tôn trọng điều đó’.
Cha mẹ thường bảo con cảnh giác với người lạ nhưng không nhắc con một điều: không một ai, kể cả những người con quen biết được phép chạm vào cơ thể con nếu con không đồng ý.
Kết quả là, hầu hết những kẻ lạm dụng trẻ em đều là họ hàng hoặc người trẻ quen và ngay cả khi điều này xảy ra, trẻ cũng không biết mình bị xâm hại nên không kể với bố mẹ.
Theo bà Karen Days, Giám đốc Trung tâm An toàn và Chữa lành Gia đình tại Bệnh viện Nationwide: ‘Các bậc phụ huynh cần giúp con hiểu rằng, con không phải làm những việc khiến con không thoải mái. Kể cả khi người đó là ông nội, ông ngoại, chú bác hoặc anh họ’.
Để việc này không gây bất hòa và tổn thương những người trong gia đình, cha mẹ cần thể hiện rõ quan điểm với họ hàng.
Đừng quên giải thích trẻ đang được dạy cách bảo vệ thân thể cũng như có quyền tự quyết với cơ thể mình, đó là lý do trẻ không ôm hôn người khác nếu chúng không muốn.
Nhưng có một điều các chuyên gia đều đồng ý, đó là bố mẹ nên trò chuyện cùng con trước các buổi gặp mặt gia đình để hiểu suy nghĩ của trẻ.
Cha mẹ cần hỏi con lý do con cảm thấy không thoải mái: Là do con xấu hổ hay thấy ‘lạ’ người đó? Con có trải nghiệm không hay nào với người đó không?
Các bậc phụ huynh nên giúp con tạo ranh giới an toàn và tìm cách để trẻ thể hiện tình cảm với mọi người mà vẫn thấy thoải mái.
Thay vì ôm hôn, trẻ hoàn toàn có thể đập tay hoặc bắt tay với người lớn – điều này vẫn thể hiện sự thân thiết và kết nối với mọi người.
Hoặc, bố mẹ có thể khuyến khích con khoe bức tranh mình vẽ hay thể hiện khả năng hát, múa, đọc thơ.
Thật vậy, cha mẹ cần vô cùng khéo léo và tâm lý trong cách ứng xử để có thể bảo vệ con, dạy con cách tránh khỏi bị xâm hại mà không làm con tách biệt với những người thân trong gia đình.