Chữa viêm loét dạ dày – tá tràng bằng Đông y như thế nào cho hiệu quả?

Khi bị viêm loét dạ dày – tá tràng nhiều người tìm đến thuốc tây để chữa bệnh mà không biết rằng các phương pháp điều trị của Đông y cũng đem lại hiệu quả điều trị bệnh tích cực.

Tây y điều trị viêm loét dạ dày – tá tràng thế nào?

Theo chia sẻ của PGS.TS.BS Trịnh Thị Diệu Thường, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM, có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng viêm loét dạ dày - tá tràng.

Trong đó phải kể đến một số nguyên nhân thường gặp như: Nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori), căng thẳng, lo âu, stress; chế độ ăn uống sinh hoạt không đúng giờ giấc, uống nhiều rượu bia; lạm dụng thuốc giảm đau kháng viêm như corticoid, NSAIDs; ngoài ra, hút thuốc lá và yếu tố di truyền cũng cũng góp phần gây ra bệnh…

Nhiễm vi khuẩn HP là một trong những nguyên nhân phổ biến gây viêm loét dạ dày - tá tràng. Ảnh minh họa

Để điều trị bệnh, trước hết cần phải loại bỏ các nguyên nhân gây ra viêm loét dạ dày – tá tràng:

- Nếu nhiễm vi khuẩn Hp, sau nhiều lần điều trị viêm loét không thành công cần dùng kháng sinh để diệt vi khuẩn.

- Đối với nguyên nhân do căng thẳng lo âu, stress hoặc ăn uống sinh hoạt không đúng giờ giấc, thường xuyên uống rượu bia thì cần giảm căng thẳng, cân bằng giữa làm việc và giải trí, thư giãn đầu óc, chơi thể thao, tâm sự chia sẻ tránh dồn nén, xây dựng chế độ ăn uống sinh hoạt lành mạnh đúng giờ giấc. Tuy nhiên trên thực tế người bệnh thường gặp khó khăn trong việc này.

- Đối với nguyên nhân do dùng thuốc kháng viêm giảm đau, người bệnh cần tuân theo các chỉ dẫn của bác sĩ để có được phương án tối ưu nhất

- Ngoài ra người bệnh cũng cần cai thuốc lá để giảm các nguy cơ viêm loét dạ dày – tá tràng.

- Để giảm đau và làm lành vết loét, người bệnh sẽ dùng các thuốc kháng tiết acid, các thuốc tráng bề mặt bảo vệ niêm mạc dạ dày tá tràng trong thời gian từ 1 đến 2 tháng. Tuy nhiên, nhược điểm khi dùng các loại thuốc này là bệnh rất dễ tái phát.

Việc dùng các thuốc giảm đau, thuốc làm lành vết loét dễ gây tình trạng tái phát viêm loét dạ dày - tá tràng. Ảnh minh họa

Điều trị viêm loét dạ dày – tá tràng theo Đông y có gì đặc biệt?

Chia sẻ về việc điều trị viêm loét dạ dày – tá tràng theo các phương pháp của y học cổ truyền, bác sĩ Diệu Thường thông tin, y học cổ truyền mô tả chứng vị quản thống, trong đó tinh thần lo lắng, suy nghĩ quá độ, giận dữ, ăn uống thất thường sẽ làm khí huyết uất trệ gây ra đau.

Thường liên quan đến các tạng phủ như Can, Tỳ, Vị. Trên từng người bệnh cụ thể, dựa vào thăm khám các bác sĩ sẽ chẩn đoán thể bệnh từ đó đưa ra các phương pháp điều trị thích hợp như châm cứu, xoa bóp hoặc dùng thuốc y học cổ truyền.

- Châm cứu các huyệt như: Trung quản, Thượng quản, Hạ quản, Túc tam lý, Hành gian, Thái xung, Lãi câu, Thần môn… tùy thuộc vào tình trạng hiện tại và thể bệnh mà đưa ra thủ pháp thích hợp.

- Dưỡng sinh, xoa bóp: sử dụng các thao tác xoa trung tiêu, phình thóp bụng…

- Thuốc: Tùy vào từng thể bệnh cụ thể mà bác sĩ sẽ lựa chọn bài thuốc và gia giảm hợp lý. Trong đó, các bài thuốc thường được sử dụng và có hiệu quả điều trị tốt như: Hương cúc bồ đề nghệ, Hương sa lục quân, Tiêu dao tán…

Điều trị viêm loét dạ dày – tá tràng bằng các phương pháp y học cổ truyền đã cho nhiều kết quả tốt và dự phòng lâu dài. Ảnh minh họa

Bác sĩ Thường cho biết thêm, thực tế lâm sàng và qua các công trình nghiên cứu tại Việt Nam và trên thế giới cho thấy việc điều trị viêm loét dạ dày – tá tràng bằng các phương pháp y học cổ truyền đã cho nhiều kết quả tốt và dự phòng lâu dài.

Đặc biệt, việc điều trị kết hợp Đông - Tây y là một xu thế của thời đại, nếu kết hợp đúng cách sẽ tăng hiệu quả điều trị, giảm thiểu tác dụng phụ.

Và để được chẩn đoán đúng, tìm ra nguyên nhân cũng như tiếp cận được các phương pháp điều trị có hiệu quả bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng, người bệnh nên đến khám tại các cơ sở y tế có uy tín.

Làm thế nào để phòng ngừa viêm loét dạ dày – tá tràng?

Viêm dạ dày – tá tràng nếu không tuân thủ điều trị sẽ dẫn đến biến chứng loét, xuất huyết, thủng dạ dày tá tràng.

Do đó cần thay đổi thói quen sinh hoạt, thói quen ăn uống, tránh các yếu tố có hại cho dạ dày để phòng bệnh và điều trị bệnh tốt hơn, cải thiện triệu chứng và tránh các biến chứng có hại.

Tránh các chất kích thích như rượu, bia... để phòng ngừa bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng. Ảnh minh họa

Một số lưu ý để phòng ngừa bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng gồm:

  • Hình thành thói quen ăn uống lành mạnh, khoa học: ăn chậm, nhai kĩ, ăn uống đúng giờ, tránh bỏ bữa, không để quá đói hoặc ăn quá no, tránh ăn các thức ăn quá chua, quá cay, quá nóng, quá lạnh, quá mặn, quá ngọt, quá khô, hạn chế thức ăn nhanh, đồ hộp, nhiều dầu mỡ,…không nên ăn khuya (không ăn trễ hơn 8 giờ tối), ăn sáng đầy đủ, thường trong vòng 1 giờ sau ngủ dậy, không vận động ngay sau khi ăn,…
  • Cần bổ sung vitamin A, D, K, B12, acid folic, canxi, Fe, Zn,..trứng, sữa giúp trung hòa acid dạ dày tốt hơn,..
  • Tránh các chất kích thích: rượu, bia, thuốc lá, trà, cà phê,…
  • Hạn chế kháng sinh, kháng viêm, các thuốc giảm đau, khi dùng cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được sử dụng các thuốc thích hợp ít ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày hoặc thêm các loại thuốc hỗ trợ dạ dày…
  • Khám bác sĩ khi có tình trạng viêm nhiễm: răng, tai – mũi – họng…
  • Vận động phù hợp, tập thể dục đều đặn và hợp lí, khoảng 30 phút/ngày, 5 lần/tuần để có sức khỏe tốt.
  • Nghỉ ngơi hợp lí, ngủ đủ.
  • Tránh stress.
Xem thêm
An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan