Khi cho con đi học bơi, hầu hết các cha mẹ đều tự tin con sẽ an toàn khi tắm ở bế bơi hay tắm biển. Tuy nhiên, thực tế việc biết bơi không phải khi nào cũng chống được đuối nước.
Nhận thức sai lệch của cha mẹ về sự an toàn dưới nước khi cho con học bơi
Hầu hết các cha mẹ thường sẽ yên tâm khi con đi tắm bể bơi, tắm sông, tắm biển nếu con biết bơi. Nhưng đây là một nhận thức sai lệch.
Tiến sĩ Linda Quan, giáo sư nhi khoa tại Trường Y Khoa thuộc Đại học Washington phát biểu trên trang The New York Times (11/6/2018) rằng: “Các bậc phụ huynh không nên chủ quan trẻ sẽ không bị đuối nước ngay cả khi trẻ là thành viên của đội bơi lội”.
Vị tiến sĩ này cũng cho hay, những bài học bơi chỉ là một phần trong những kỹ năng dưới nước. Hiểu về nước, biết cách tiếp cận với nước cũng là những kỹ năng cần có để có phòng chống đuối nước.
Theo bà, lý tưởng là những bài học bơi cho mọi trẻ em nên tập trung vào việc hướng dẫn an toàn dưới nước thay vì chỉ giới hạn trong việc dạy trẻ các kiểu bơi và tư thế cơ thể khi bơi.
Trong những khóa học tập bơi, huấn luyện viên có thể yêu cầu trẻ luyện tập bơi khi đang mặc quần áo bình thường, hoặc mặc áo phao và vận động dưới nước. Bởi sự cố dưới nước không phải chỉ xảy ra khi bạn đang ở bể bơi với bộ đồ bơi gọn nhẹ.
Hiểu về nước nghĩa là hiểu mọi thứ từ nhiệt độ nước đến việc đánh giá được khả năng gặp nguy hiểm dưới nước. Tiến sĩ Quan cho biết, học bơi trong bể bơi không giúp bạn sẵn sàng đối mặt với sóng hay dòng biển, hay khi bơi trong môi trường nước quá lạnh.
Theo nữ tiến sĩ, kỹ năng dưới nước là “một vấn đề gia đình”. Các bậc phụ huynh khi ra biển cần phải biết rõ phải có bao nhiêu trẻ em đi cùng, liệu số người lớn có đủ để giám sát trẻ hay không và phải phân chia trách nhiệm rõ ràngbởi tai nạn có thể xảy ra nếu “họ nghĩ có người đang trông chừng trẻ nhưng thực ra người ấy lại đang mải sử dụng điện thoại hoặc đang đọc sách”.
Đồng thời, cần thiết phải dạy trẻ xin phép trước khi xuống nước và phải luôn đảm bảo trông chừng trẻ khi trẻ đến gần vùng nước, phòng khi chúng đi quá xa bờ.
“Việc cha mẹ cùng xuống nước với trẻ là một trải nghiệm tuyệt vời để gắn kết với trẻ. Bạn đang quan sát trẻ, bạn không thể chăm chăm với điện thoại di động, bạn phải kết nối với trẻ”, tiến sĩ Quan đưa ra ý kiến.
“Dạy con tập bơi” – Cuốn sách hướng dẫn kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ
Cuốn sách được viết bởi Susan Meredith cùng với Carol Hicks và Jackie Stephens - Hai huấn luyện viên Hiệp hội Bơis lội Nghiệp dư, Trung tâm Thể thao Quốc gia Crystal Palace (Vương quốc Anh), với sự cố vấn từ các thành viên Hiệp hội bơi lội Nghiệp dư.
Dạy con tập bơi chỉ ra rằng, đối với trẻ nhỏ, giai đoạn 4 – 5 tháng tuổi có thể là độ tuổi lý tưởng để bắt đầu đến bể bơi. Bởi khi 6 tháng tuổi, bé thường bắt đầu tập ngồi và có xu hướng làm như thế cả trong và ngoài môi trường nước. Nếu trẻ 8 -9 tháng tuổi, thường sẽ dễ sợ nước.
Cuốn sách gợi ý những hoạt động nhẹ nhàng giúp bé thư giãn và thích thú trong những trải nghiệm đầu tiên ở bể bơi như chìm xuống nước và nhún nhảy… Việc hát những bài hát vận động sẽ khuyến khích trẻ làm những hoạt động dưới nước như làm ướt mặt, giúp trẻ dần tư tin để bơi.
Khi trẻ vui vẻ, thoái mái trong nước cha mẹ có thể dạy trẻ tập nổi. Đồng thời, các chuyên viên bơi lội hướng dẫn chi tiết từng bước các cách bơi như bơi sải, bơi ngửa và bơi ếch,…
Tuy nhiên, biết bơi không phải là kỹ năng duy nhất để đảm bảo an toàn cho trẻ ở dưới nước. Vì vậy, cuốn sách hướng dẫn chi tiết nhiều kỹ năng dưới nước khác như đi dưới nước, chèo thuyền, nhảy, lặn, nổi,… Trong đó, đi dưới nước là một phương pháp hay để đứng thẳng ở một chỗ trong nước mà cần ít năng lượng nhất có thể.
Dạy con tập bơi cũng đưa ra những biện pháp giúp trẻ đối phó với các trường hợp khẩn cấp. Hãy dạy trẻ trong trường hợp gặp nạn, cố gắng giữ bình tĩnh. Nếu gần bờ, cố gắng bơi về đó và ra khỏi nước. “Nếu không thể, hãy tìm xem có thứ gì để bạn có thể bám vào trong lúc kêu cứu và vẫy tay thu hút sự chú ý”.
Trong trường hợp người khác gặp nạn, hãy hét lên hoặc cử người đi tìm sự trợ giúp. Và tuyệt đối, đừng lao xuống nước nếu có thể cứu người mà không cần phải làm thế. Bởi “họ có thể hoảng sợ và kéo bạn xuống cùng. Bình tĩnh nói chuyện với họ và đưa ra những hướng dẫn một cách rõ ràng và đơn giản”.
Ngoài ra, cuốn sách còn mang đến những kiến thức bổ ích về các biện pháp hồi sức cấp cứu cho người bị nạn như: Hồi sức cấp cứu tim, hô hấp nhân tạo, hô hấp nhân tạo trong nước, ép tim
Có thể nói, Dạy con tập bơi trang bị toàn diện các kỹ năng dưới nước đảm bảo an toàn cho trẻ ở bể bơi, ở biển hay môi trường nước nói chung. Nhưng trước tiên, cha mẹ hãy tạo điều kiện cho trẻ xuống nước thường xuyên, chăm chỉ vận và cần phải chú ý để trẻ trong tầm quan sát.