Chết đuối trên cạn - Kẻ giết người thầm lặng
Lacey Grace, một bà mẹ của 2 cô con gái ở Florida, Mỹ, gần đây đã chia sẻ về câu chuyện con gái út của mình, cô bé Elianna – 4 tuổi, đã suýt mất mạng chỉ vì chứng “chết đuối trên cạn”. Bài cảnh báo của cô đã nhanh chóng được share với tốc độ chóng mặt trên mạng và là câu chuyện cảnh giác cần lưu tâm cho mọi gia đình.
Trả lời báo Washington Post, chị Lacey nhớ lại ngày gia đình tụ tập tại nhà của ông bà chị. Cô bé Elianna chơi đùa vui vẻ với những người họ hàng ở bể bơi. Trò chơi yêu thích của cô là xịt nước vào những người họ hàng, nhưng trong một lúc không chú ý, cô bé hít phải một lượng khá nhiều nước bể bơi. Bé bắt đầu nôn mửa không thể kiểm soát.
Nhưng mọi chuyện nhanh chóng qua đi. Bố mẹ bé không hề nghĩ đến một hậu quả nghiêm trọng đang đợi phía trước.
Hơn 1 tuần sau, chị Lacey phát hiện thấy con gái mình bắt đầu bị sốt. Cô bé sốt cao rồi lại hạ nhiệt, rồi lại sốt, 2 lần trong 3 ngày liên tục. Như bình thường, chị nghĩ là bé chỉ bị viêm nhiễm gì đó, sẽ nhanh chóng có thể khỏi bệnh trong vòng vài ngày.
Tuy nhiên, chị Lacey nhớ lại một câu chuyện đau lòng về bé Frankie Delgado, một cậu bé 4 tuổi đã qua đời vì “chết đuối trên cạn”. Câu chuyện này được cha bé chia sẻ trên mạng xã hội từ hơn 1 năm trước, chị Lacey vô tình đọc được. Giờ đây, lời cảnh báo về “chết đuối trên cạn” trở nên thật gần.
Bị viêm phổi do hít phải nước bể bơi
Chị Lacey nhanh chóng đưa con đi cấp cứu. Đưa một đứa trẻ bị sốt không cao đi cấp cứu là một điều gì đó khác thường, tuy nhiên chị Lacey đã quyết định làm như vậy sau khi nhớ lại những gì con mình gặp phải ở bể bơi.
Bé Elianna được đưa đi chụp X quang, ngay sau đó bác sĩ ra chỉ định “cần tìm một phòng cấp cứu gần nhất”.
Kết quả chẩn đoán cho thấy phổi cô bé đã nhiễm một loại vi khuẩn hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, cô đang phải vật lộn để có đủ oxy trong máu. Nguyên nhân khởi đầu là do cô bé hít phải nước ở bể bơi.
Bác sĩ cho biết họ không thể làm gì để loại bỏ chất lỏng trong phổi Elianna. Vào thời điểm này, điều quan trọng nhất là chống lại tình trạng nhiễm khuẩn và viêm do chất lỏng trong phổi gây ra.
Cô bé trải qua những giây phút sinh tử trong phòng cấp cứu. Mức oxy hiển thị trên màn hình theo dõi có lúc đã sụt xuống mức nguy hiểm, khiến các bác sĩ phải dồn đến để cứu bé.
Sau 2 ngày điều trị với kháng sinh liều cao, cô bé 4 tuổi đã có thể thở mà không cần mặt nạ oxy. Sau 4 ngày thì bé gần như bình phục.
Thông tin gần đây nhất, tờ Washington Post cho hay bé Elianna đã hồi phục tương đối tốt. Ca bệnh của bé được kết luận là trường hợp “chết đuối trên cạn” và “chết đuối thứ cấp”. Bé phải chiến đấu với tình trạng nhiễm khuẩn thứ cấp do tai nạn trên gây ra.
Chết đuối có thể xảy ra khi trẻ đã ra khỏi bể bơi
Các chuyên gia y tế xác định đuối nước là khó thở sau khi bạn hít phải nước vào đường hô hấp. Điều này có thể xảy ra khi đang bơi hoặc tắm, nhưng cũng có thể xảy ra sau đó hàng giờ liền.
Bạn có thể đã nghe nói về các thuật ngữ “chết đuối trên cạn” và “chết đuối thứ cấp” - cả hai chỉ ra những biến chứng hiếm gặp và chủ yếu xuất hiện ở trẻ em.
Chết đuối trên cạn
Với hiện tượng này, nước không vào đến phổi. Thay vào đó, hít thở dưới nước khiến dây thanh quản của con bị co thắt và đóng lại.
Điều này làm tắc đường hô hấp của con, khiến cho việc thở khó khăn. Bạn sẽ bắt đầu nhận thấy những dấu hiệu đó ngay lập tức.
Chết đuối thứ cấp
Chết đuối thứ cấp là một thuật ngữ sử dụng để mô tả một biến chứng khác. Hiện tượng này sẽ xảy ra nếu nước chảy vào phổi. Ở đó, nước có thể kích thích niêm mạc của phổi và chất lỏng có thể tích tụ, gây ra tình trạng được gọi là phù phổi. Bạn có thể nhận thấy con bạn gặp khó khăn khi thở ngay lập tức, và nó có thể trở nên tồi tệ hơn trong 24 giờ tới.
Phương PhươngBạn đang xem bài viết Mẹ giật mình vì con đi bơi, mấy ngày sau 'chết đuối trên cạn' tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].