Khi yêu ai cũng kỳ vọng ở người mình yêu. Nhưng kỳ vọng càng nhiều thì thất vọng càng lớn khi người ấy không được như mình kỳ vọng.
Càng thất vọng, chúng ta lại càng hy vọng. Hy vọng một ngày người ấy sẽ thay đổi, sẽ ổn lên và sẽ đáp ứng được một phần nào đó những kỳ vọng của mình.
Nhưng càng hy vọng thì lại càng hụt hẫng. Cái vòng luẩn quẩn đó sẽ mãi mãi là như vậy.
Cho đến lúc tình yêu đó chết đi.
Chúng ta lại bắt đầu một tình yêu mới với những kỳ vọng mới. Mãi mãi…
Tại sao vậy? Không lẽ yêu thì đừng nên kỳ vọng ư? Chúng ta kỳ vọng để tốt hơn mà? Chúng ta đâu cần nhiều lắm đâu? Chúng ta chỉ mong muốn một xíu thế này này, tí tí thế kia kìa nào có nhiều nhặn gì cho cam? Vậy mà sao khó thế?
Chúng ta chỉ ước ao anh ấy đừng vô tâm mà hãy quan tâm đến ta hơn một chút xíu thôi. Chúng ta chỉ mong muốn cô ấy sẽ dịu dàng với chúng ta một cái móng tay thôi.
Chúng ta chỉ kỳ vọng những thứ mà lẽ ra anh ấy có thể làm được nếu anh ấy để ý một chút. Chúng ta chỉ hy vọng những thứ mà mọi phụ nữ khác đều có thể làm được thôi mà? Vậy mà…
Một khi ta dốc hết cuộc đời mình cho một ai đó thì ta vẫn mong mỏi rằng người đó cũng phải đáp lại thế nào cho chúng ta chứ?
Kỳ vọng điều đó không lẽ là sai? Không sai đâu! Nhưng muốn điều đó là đúng thì cần phải xem chúng ta kỳ vọng điều gì?
Chúng ta kỳ vọng anh ấy (cô ấy) sẽ phải thế này hay sẽ phải thế kia nhưng thế này hay thế kia sẽ là kỳ vọng đúng nếu như nó phục vụ lợi ích sát sườn cho cuộc sống chung. Nó sẽ là sự đòi hỏi vô lý nếu như nó chỉ phục vụ cho sở thích cá nhân của ta.
Ai cũng biết điều đấy song ai cũng hay cảm tính với điều ấy. Bởi đôi khi chúng ta đặt yêu cầu cho bản thân ta cao hơn yêu cầu cho cuộc sống chung này.
Và đôi khi, cách người kia dốc lòng vì ta khác với cách ta định nghĩa về dốc lòng cũng khiến ta không nhận ra nngười kia đã vì ta thế nào?
Không! Khi chúng ta kỳ vọng vào một ai đó thì đừng gán cho nó hai chữ: Vì yêu.
Kỳ vọng một ai đó hãy vì chính cuộc sống của chúng ta chứ đừng vì họ là người ta yêu mến.
Kỳ vọng những điều vì cuộc sống chung của hai người chứ đừng kỳ vọng những điều cho cảm xúc của ta.
Thay vì yêu bằng cảm xúc bản thân, hãy yêu bằng con đường xa phía trước. Nghĩ về việc chúng ta có thể làm gì thay vì nghĩ về việc anh ta (cô ta) đã không làm gì.
Nghĩ về việc làm thế nào để tình yêu bền vững và đi xa nhất có thể thay vì nghĩ về việc anh ta (cô ta) đã chưa ổn ở điểm nào.
Bởi mục đích cuối cùng của hai con người đang yêu nhau là hôn nhân, là mái ấm, là cuộc sống chung chứ không phải là một tình yêu đẹp.
Một tình yêu đẹp chưa chắc đã thành một mái ấm. Nhưng một mái ấm thì có thể tạo ra vô vàn khoảnh khắc đẹp cho tình yêu ấy.
Đừng nghĩ về tình yêu, hãy nghĩ về cuộc sống chung này. Một khi bạn nghĩ xa hơn cái vòng luẩn quẩn, bạn sẽ rời khỏi vòng luẩn quẩn.
Một cuộc hôn nhân mà cả hai chỉ chăm chăm lo lắng cho cảm xúc của bản thân thì sẽ chẳng khi nào bền vững cho được. Học cách chấp nhận nhau chính là để cảm xúc bản thân không vượt qua cảm xúc dành cho đối phương.
Học cách chấp nhận nhau là để hiểu đối phương muốn gì, cần gì ở bản thân mình chứ không phải là để vo tròn bản thân hoặc đánh mất bản thân.
Anh ta (cô ta) yêu ta vì con người thật của ta song để anh ta (cô ta) chấp nhận con người thật ấy thì chúng ta còn phải làm rất nhiều điều.
Mà đầu tiên vẫn luôn là phải hiểu nhau. Một khi bạn đã hiểu anh chàng (cô nàng) của bạn rồi, bạn sẽ thấy nhiều kỳ vọng của mình là vô lý. Chừng nào chưa nhận ra thì chừng đó, ta vẫn mới chỉ yêu chiều cảm xúc của ta mà thôi.
Bởi con đường phía trước xa lắm!
Bởi tình yêu là thứ cần nhiều cảm thông và bao dung hơn những kỳ vọng.
Bởi hạnh phúc nào phải đâu dễ kiếm.
Và bởi mái ấm nào cũng khó giữ như nhau cả.
Nhà văn Hoàng Anh Tú