Ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất và gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ. Một phần nguyên nhân của căn bệnh này đến từ chính lối sống của chúng ta.
Theo nghiên cứu, tỷ lệ người trẻ mắc bệnh ung thư vú ở Trung Quốc cao hơn nhiều so với các nước phương Tây, độ tuổi trung bình mắc bệnh này ở Trung Quốc sớm hơn 10 năm so với các nước phương Tây, thậm chí có những người mắc bệnh khi mới chỉ 25~35 tuổi.
Điều này chịu ảnh hưởng rất nhiều từ lối sống sinh hoạt và làm việc hàng ngày.
Thói quen ăn uống chứa nhiều calo
Thực phẩm nhiều calo và protein làm tăng cường hormone trong cơ thể, khiến phụ nữ hiện đại có kinh nguyệt sớm hơn, mãn kinh cũng chậm hơn.
Khi đó, cơ thể của họ sản sinh lượng estrogen trong thời gian lâu hơn, làm tăng nguy cơ ung thư vú.
Tình trạng thừa cân hoặc béo phì sau khi mãn kinh cũng làm tăng nguy cơ ung thư vú. Trước khi mãn kinh, buồng trứng sản xuất hầu hết các estrogen trong cơ thể, và mô mỡ sản xuất ra một lượng nhỏ estrogen.
Sau khi mãn kinh (khi buồng trứng ngừng sản xuất estrogen), hầu hết các estrogen của phụ nữ đến từ các mô mỡ. Có quá nhiều mô mỡ sau khi mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư vú do tăng mức estrogen.
Áp lực cuộc sống và ít vận động
Việc gia tăng số lượng người mắc bệnh ung thư vú cũng có liên quan mật thiết đến sự gia tăng áp lực cuộc sống (công việc, gia đình, xã hội...) và tình trạng thiếu vận động thể thao trong cuộc sống hiện đại.
Đặc biệt là tình trạng thức khuya, dậy muộn, sinh hoạt không hợp lý của nhiều bạn trẻ làm phá vỡ đồng hồ sinh học, khiến cơ thể mất đi sự cân bằng hormone, giảm chức năng miễn dịch và có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn.
Trong một nghiên cứu từ Sáng kiến sức khỏe phụ nữ, việc đi bộ nhanh thường xuyên sẽ giảm nguy cơ ung thư vú của một người phụ nữ đến 18%.
Để giảm nguy cơ ung thư vú, Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến cáo rằng người lớn tập ít nhất 150 phút với cường độ vừa phải hoặc 75 phút cường độ mạnh mỗi tuần.
Chúng ta có thể thay đổi chế độ ăn uống, lối sống hàng ngày của mình để có thể góp phần giúp phòng và giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.
Chế độ ăn nhiều rau xanh, trái cây, ít chất béo nên được chú trọng. Ngoài ra, có thể bổ sung sữa uống lên men và các sản phẩm từ đậu nành.