Cúng lễ tiết Thanh Minh tiến hành hai nơi là tại gia đình và tại các ngôi mộ, lễ cúng tiết Thanh minh gồm lễ gia thần, gia tiên tại nhà và lễ âm phần long mạch tại nơi đặt phần mộ. Sau đây là cách chuẩn bị mâm cúng tiết Thanh minh và hành lễ cúng tiết Thanh Minh chuẩn nhất, đầy đủ nhất.
Theo Đại đức Thích Quảng Định trong sách Văn khấn nôm tại nhà- tập văn cúng gia tiên, lễ vật trong lễ tảo mộ tiết Thanh minh có thể là lễ chay hoặc lễ mặn. Lễ mặn trong mâm cúng tiết Thanh minh bao gồm: hương đèn, trầu cau, tiền vàng, rượu thịt (chân giò, gà luộc hoặc một khoanh giò nạc độ vài lạng), hoa quả.
Lễ chay trong mâm cúng tiết Thanh minh gồm: Xôi chè, oản chuối, bánh trái, chai nước, gạo muối, bỏng, bơ, chén mật ong.
Khi đi tảo mộ tiết Thanh minh, khi đến nghĩa trang hay khu vực có để mộ phần của gia đình mình thì gia chủ đặt lễ vào chỗ thờ chung. Bắt đầu vào lễ, gia chủ thắp hương, đèn và khấn theo bài cúng lễ Thanh minh. Sau đó, trong lúc chờ hương tàn thì gia chủ đi đến phần mộ của gia tiên thắp hương và khấn gia tiên để xin phép tu sửa, dọn dẹp cho phần mộ.
Lễ vật đặt trên bàn có thể chung nhưng nếu có nhiều bát hương thì bát nào cũng phải thắp hương cả. Số hương thắp trong lễ cúng tiết Thanh minh là số lẻ (1 hoặc 3 nén) vì số lẻ tượng trưng cho cõi âm, còn đèn và nến là 2 vì 2 ngọn đèn tượng trưng cho 2 vầng nhật nguyệt.
Sau khi hoàn tất, gia chủ chờ cho hương cháy được khoảng 2/3 thì lễ tạ, hóa vàng và xin lộc về nhà để làm lễ gia thần và gia tiên ở nhà. Nếu gia chủ viết bài cúng ra giấy thì đọc xong đem hóa cùng tờ tiền giấy vàng. Việc cúng gia tiên trong tiết thanh minh cũng tuân theo thể thức cúng gia tiên thông thường theo nguyên tắc chung là: dâng hương lễ gia thần trước, gia tiên sau.
Số hương khi cúng cũng là số lẻ (1-3), sau khi hương cháy gần hết thì gia chủ lại thắp thêm một tuần hương nữa rồi xin phép tổ tiên hóa vàng. Tiền vàng khi đã cháy thành tro thì lấy một chén rượu cúng rẩy vào đám tro đó.
Trong khi hành lễ cúng gia thần, gia tiên đều có hai hình thức là vái và lễ. Vái thì các ngón tay đan vào nhau còn lễ thì hai bàn tay áp vào nhau và đều đặt ở ngang trước ngực. Vái hay lễ đều chỉ được thực hiện sau khi lễ vật đã đặt lên bàn thờ và đèn nhang đã thắp. Người làm lễ sau khi đã châm lửa, kính cẩn dùng hai tay dâng các nén hương ở vị trí ngang chán, vái ba vái rồi mới cắm hương vào bát hương. Sau đó người lễ khấn theo bài cúng gia tiên (xem thêm tại đây). Khấn xong vái ba vái rồi chờ hương cháy gần hết mới hóa vàng.
Ông bà ta xưa chọn Tiết Thanh Minh là ngày cắt cỏ trên mộ và đắp đất lên mộ (tảo mộ). Vì ngày này thời tiết chuyển sang ấm dần, mưa nhiều hơn, cây cỏ tốt hơn trùm lên mộ, có thể làm mộ sụt lở nên cần phải cắt cỏ, đắp thêm đất lên mộ. Nhân lúc đi Thanh Minh tảo mộ, để tưởng nhớ tổ tiên, người thân đã khuất, mọi người có thể dạo chơi ngắm cảnh cỏ cây tươi tốt, nên còn gọi là Đạp Thanh.
Ngày Tết thanh minh được xem là dịp để con cháu bày tỏ lòng biết ơn với công lao sinh thành, dưỡng dục của ông bà tổ tiên. Và với văn hóa Việt Nam thì Tết thanh minh cũng được coi là ngày giỗ tổ chung để mọi người đền đáp phần nào ơn sinh thành, tạo dựng của các bậc tiền nhân.
Tết Thanh minh năm 2018 sẽ bắt đầu từ ngày 5/4 dương lịch tức ngày 20/3 âm lịch và kết thúc vào ngày 20/4 khi tiết Cốc Vũ bắt đầu. Ngoài ra, người ta thường lấy ngày đầu tiên của tiết Thanh minh để làm ngày Tết thanh minh. Vì thế, ngày Tết thanh minh 2018 sẽ là ngày 5/4 (dương lịch) tức 20/3 (âm lịch).
Giờ tốt trong ngày Tết thanh minh 2018 là: Giờ Tý (23 - 1); giờ Dần (3 - 5); giờ Mão (5 - 7); giờ Ngọ (11 - 13); giờ Mùi (13 - 15); giờ Dậu (17 - 19).
Xem thêm: