Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

100% tử vong nếu phát bệnh dại sau khi bị chó cắn, tuân thủ 4 cách sau để phòng tránh

Trên thực tế vẫn còn nhiều người chủ quan và thiếu kiến thức xử lý sau khi bị chó cắn dẫn tới những hậu quả khôn lường.

  Bị chó cắn cực kỳ nguy hiểm, người dân cần đặc biệt lưu ý những cách xử lý để tránh bệnh dại.

Bị chó cắn cực kỳ nguy hiểm, người dân cần đặc biệt lưu ý những cách xử lý để tránh bệnh dại.

Phát bệnh dại sau khi chó cắn, gần 100% tử vong

Như Gia Đình Mới đã đưa tin, tại Hòa Bình, một gia đình 4 người bị chó nhà cắn, song chủ quan không đi tiêm phòng dại, sau 2 tháng, 2 bố con phát bệnh dại rồi tử vong. Sự việc đau lòng dấy lên hồi chuông báo động về tình trạng người dân còn chủ quan sau khi bị chó cắn.

Ít ai biết rằng, tại Việt Nam, chó là ổ chứa virus dại lớn nhất chiếm tới 96 - 97%, sau đó là mèo 3 -4%.

Theo thống kê, mỗi năm nước ta có tới 50 - 60 ca mắc bệnh dại, phần lớn trong đó là do bị chó cắn và không có cách xử lý sau khi bị chó cắn.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng, người bị động vật như chó, mèo tấn công bên cạnh tổn thương ngoài da còn phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh dại.

Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh, có tỷ lệ tử vong gần 100%.

  Chó là ổ chứa virus dại lớn tới 96 -97%.

Chó là ổ chứa virus dại lớn tới 96 -97%.

Bệnh dại có 2 thể bệnh: Thể viêm não và thể liệt.

Với thể viêm não, người bệnh sẽ bồn chồn, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng nên hay chui vào chỗ tối. Càng về sau, bệnh càng nặng, bệnh nhân xuất hiện những cơn co thắt hầu họng nặng, không thể uống nước. Bệnh nhân có tăng tiết nước bọt và không nuốt được nên thường xuyên khạc nhổ.

Ngoài ra đồng tử sẽ giãn nên nhìn mắt bệnh nhân sáng long sòng sọc. Sau đó xuất hiện co thắt hầu họng tự nhiên, có bệnh nhân lên cơn cường dương, xuất tinh liên tục đến lúc chết. Ở thể viêm não, bệnh nhân thường tử vong sau 1 tuần từ khi phát bệnh.

Với thể liệt, người bệnh sẽ liệt lan dần từ chân đến liệt cơ tròn làm rối loạn tiểu, đại tiện, lan lên liệt tay đến khi lan lên liệt cơ hô hấp thì bệnh nhân tử vong.

Đến nay, trên thế giới cũng chưa có phương cách nào để điều trị cho các bệnh nhân dại. Các cơ sở y tế cũng không thể làm được gì ngoài việc giữ cho bệnh nhân cảm thấy thoải mái, giảm đau đớn và giảm lo lắng, bồn chồn.

Cách xử lý sau khi bị chó cắn để phòng bệnh dại

Hiện nay có tình trạng nhiều người dân chủ quan sau khi bị chó cắn không chịu đi tiêm phòng vì nghĩ “chó nhà nuôi cắn không sao” hoặc tìm đến các thầy lang điều trị.

Đây là điều sai lầm bởi mắt thường chúng ta không thể phân biệt được con chó cắn người có mang virus dại hay không. Và việc điều trị bằng thuốc nam đến nay chưa có biện pháp nào khẳng định được hiệu quả trong phòng, chữa bệnh dại.

Theo bác sĩ Cấp, không phải tất cả trường hợp chó cắn người đều là động vật đang mang bệnh nhưng mọi người cần theo dõi chặt chẽ con chó.

Sau khoảng 10 ngày nếu con chó đó ốm rồi chết, bị giết hoặc chạy mất, người bị cắn cần ngay lập tức đi tiêm phòng. Trường hợp “thủ phạm” vẫn sống khỏe mạnh thì người bị cắn không bị mắc bệnh.

Tuy nhiên không thể dự đoán được người nào có thể bị phát dại hay không, do đó người dân cần thực hiện đầy đủ 4 bước quan trọng sau khi bị chó, mèo cắn.

  Rửa vết thương ngay sau khi bị chó cắn là bước sơ cứu ban đầu cần thiết.

Rửa vết thương ngay sau khi bị chó cắn là bước sơ cứu ban đầu cần thiết.

1. Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch liên tục. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn, cào.

2. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine.

3. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.

4. Đến ngay Trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Bộ Y tế khuyến cáo, nếu bị chó cắn, cần theo dõi trong vòng 10 ngày, nếu chó phát dại, chết hoặc bị mất tích hay bị giết thịt thì cần nhanh chóng đi tiêm càng sớm càng tốt, tiêm kết hợp của vắc xin và huyết thanh. Nếu con vật còn sống, cần theo dõi để không tiêm hoặc hoãn tiêm.

  Người dân bị chó cắn, cào cần đến cơ sở y tế để tiêm phòng bệnh dại.

Người dân bị chó cắn, cào cần đến cơ sở y tế để tiêm phòng bệnh dại.

Ngoài ra, mọi người cũng cần tiêm phòng ngay trong trường hợp bị chó tấn công vào vùng nhiều dây thần kinh như đầu mặt cổ vì ở những vị trí này, virus dại phát tán rất nhanh. Hoặc bị tấn công ở bộ phận sinh dục, lòng bàn tay hay mức độ tổn thương nhiều, dập nát.

Ngay cả những trường hợp bị chó con cắn cũng nên lưu ý tiêm phòng ngay vì chó con ít khi chủ động tấn công người và chó con cũng khó theo dõi.

Song, cũng theo bác sĩ Cấp, tốt nhất là người dân nuôi chó cần có ý thức trong việc tuyệt đối không để chó thả rông, luôn rọ mõm, xích để tránh việc chó cắn người.

Việt Linh

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính