Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá, nhằm tăng cường vai trò điều tiết của Nhà nước đối với sách giáo khoa.
Học sinh lớp 1 năm học 2020-2021 đã học chương trình giáo dục phổ thông mới được hơn 1 tháng. Mới đây, Bộ GD&ĐT đã có báo cáo với Quốc hội về những vấn đề lùm xùm xung quanh sách giáo khoa (SGK) thời gian vừa qua, trong đó có vấn đề về giá SGK.
Giá của bộ SGK lớp 1 mới có giá từ 179.000 -194.000 đồng/bộ, khoảng 19.000/cuốn, cao hơn khoảng 2 lần so với sách cũ (bộ SGK lớp 1 cũ có giá 54.000 đồng, khoảng 9.000 đồng/cuốn).
Theo Bộ GD&ĐT, có 3 nguyên nhân dẫn tới việc giá SGK lớp 1 mới cao:
Thứ nhất là do nội dung sách giáo khoa lớp 1 mới cụ thể hóa yêu cầu cần đạt về phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh theo chương trình mới, đòi hỏi có ngữ liệu, nhất là các hình ảnh được sử dụng bảo đảm yêu cầu thể hiện rõ ràng, chi tiết các nội dung cần biểu đạt để giáo viên tổ chức cho học sinh thực hiện các hoạt động học tích cực trong dạy học. Điều đó khiến SGK lớp 1 mới có số trang nhiều hơn, khổ sách rộng hơn sách giáo khoa lớp 1 cũ.
Thứ hai, để thể hiện tốt hơn nội dung SGK, giúp học sinh tiếp nhận thông tin, kiến thức (nhất là đối với các hình ảnh cần màu sắc) đáp ứng yêu cầu của phương pháp dạy học tích cực, SGK lớp 1 mới được in 4 màu (trong khi SGK lớp 1 cũ chỉ in 2 màu) nên đòi hỏi giấy in SGK phải tốt hơn (về độ trắng và định lượng giấy); mực in phải bảo đảm chất lượng.
Thứ ba là các bộ SGK lớp 1 mới được thực hiện theo phương thức xã hội hóa, không được trợ cấp một phần chi phí (đối với thù lao tác giả và kinh phí tổ chức biên soạn, thực nghiệm) như SGK lớp 1 cũ.
Bộ Tài chính đã thẩm định giá, nhưng các cấu thành giá SGK (nguyên vật liệu, nhân công) vẫn phải bảo đảm các chi phí theo quy định và không có sự hỗ trợ nào từ ngân sách nhà nước đối với các chi phí này. Điều này khiến giá thành SGK lớp 1 mới cao hơn so với giá thành SGK lớp 1 cũ.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết theo quy định của Luật giá, sách giáo khoa thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá, không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, bình ổn giá.
Tuy nhiên, xác định SGK là mặt hàng thiết yếu, có ảnh hưởng đến nhiều gia đình, nhất là những hộ nghèo, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá, nhằm tăng cường vai trò điều tiết của Nhà nước đối với SGK.
Trước khi trình Quốc hội cho ý kiến, Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo các nhà xuất bản biên soạn sách giáo khoa thực hiện tinh giản nội dung không cần thiết để giảm số trang sách giáo khoa, tiết kiệm chi phí trong các khâu xuất bản, phân phối (lớp 2, lớp 6 và các lớp tiếp theo) để giảm giá thành.
Đồng thời, quán triệt nghiêm việc biên soạn sách giáo khoa sử dụng được nhiều lần; khuyến khích học sinh giữ gìn sách giáo khoa, đóng góp vào các thư viện trường học để các em có hoàn cảnh khó khăn được mượn, sử dụng miễn phí; tiếp tục có chính sách hỗ trợ sách giáo khoa cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh vùng dân tộc thiểu số.