Sách giáo khoa lớp 1 bị chê tơi tả: Nguyên nhân do đâu? Ai là người chịu trách nhiệm?

Bộ GD&ĐT vừa chỉ đạo Hội đồng thẩm định SGK lớp 1 mới kiểm tra, rà soát lại nội dung sách Tiếng Việt lớp 1 của bộ Cánh Diều đang bị dư luận phản ứng.

'Hội đồng thẩm định đã từng góp ý với tác giả'

Trước những thông tin trái chiều gây tranh cãi về những hạt "sạn" trong  SGK Tiếng Việt lớp 1, mới đây, GS.TS Mai Ngọc Chừ, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK tiếng Việt lớp 1 đã lên tiếng về vấn đề này. 

Theo GS.TS Chừ, Hội đồng thẩm định khi đánh giá các cuốn sách giáo khoa lớp 1, đã phát hiện những "hạt sạn" như dư luận đang phản ánh. Hội động đã khuyến cáo nhóm tác giả về những vấn đề này nhưng nhóm tác giả đã bảo vệ thành công quan điểm của họ.

Hội đồng có thể chỉ ra những cái sai, chưa phù hợp để yêu cầu sửa. Những điểm không sai nhưng độ phù hợp chưa cao, hội đồng chỉ có thể khuyến cáo, sửa hay không là quyền của các tác giả. Khi nhóm tác giả không muốn sửa, Hội đồng thẩm định không có quyền ép hay sửa thay họ.

  GS.TS Mai Ngọc Chừ, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK tiếng Việt lớp 1.

GS.TS Mai Ngọc Chừ, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK tiếng Việt lớp 1.

Do đó, Hội đồng thẩm định không làm sai, cũng không phải không phát hiện ra những hạt sạn trong bộ sách lớp 1.

Ví dụ: Truyện Hai con ngựa; Cua, cò và đàn cá; Lừa, thỏ và cọp, dùng từ "nhá" thay "nhai", hội đồng đã có khuyến cáo. Biên bản thẩm định sách cũng có ghi rõ rằng hội đồng khuyên nhóm tác giả nên thay những ngữ liệu này bằng các ngữ liệu phù hợp hơn.

Nhưng quan điểm của mỗi người khác nhau. Có người cho rằng những câu chuyện đó dạy trẻ khôn lỏi, lừa lọc. Nhưng các tác giả quan niệm khi đứng lớp, giáo viên sẽ dạy trẻ những người lười biếng sẽ bị trả giá, giúp các em rút ra bài học phải sống chân thật, chăm chỉ.

Hay với từ “nhá”, chúng tôi đã đưa ý kiến phải thay nhưng nhóm tác giả cho biết, bài học đó học sinh chưa học đến vần “ai”, chỉ học đến “a” nên phải dùng từ “nhá”. Đồng thời, nhóm tác giả cũng thuyết phục được Hội đồng thẩm định khi cho rằng, SGK tiếng Việt chủ yếu dạy âm và vần nên rất khó chọn từ ngữ đảm bảo các yếu tố, phải chọn từ ngữ phù hợp với âm của từng bài.

GS Mai Ngọc Chừ cho rằng Hội đồng thẩm định chịu trách nhiệm về vấn đề đúng, sai của sách giáo khoa. Có những điểm đúng nhưng mức độ phù hợp chưa cao, hội đồng đã khuyến cáo nhưng nhóm tác giả vẫn giữ thì không thuộc trách nhiệm của Hội đồng thẩm định.

Bộ GD&ĐT đã gấp gáp trong việc phê duyệt sách giáo khoa mới

Thời gian này, các chuyên gia giáo dục cũng lên tiếng bày tỏ ý kiến trước bộ sách Tiếng Việt lớp 1 đang gây tranh cãi. Tiến sĩ Giáp Văn Dương đề cập đến trách nhiệm của Bộ GD&ĐT khi đã chi hàng trăm tỷ đồng và mất tới nhiều năm nghiên cứu thẩm định nhưng kết quả vẫn là 1 bộ SGK nhận nhiều chỉ trích.

"Trong phần này tôi cho rằng các nhà quản lý làm chưa tốt việc điều tiết tiến độ làm sách cho nên dẫn tới việc tạo ra những bộ sách gấp gáp, không đào tạo tập huấn kỹ cho giáo viên, giáo viên cũng không được dạy thử rộng rãi để đánh giá bộ sách nên đã tạo ra sai sót trong bộ sách như hiện nay".

TS Lê Thống Nhất cũng đã nêu ý kiến băn khoăn về vấn đề thực nghiệm SGK mới. "Chương trình năm 2000, Bộ GD&ĐT chỉ đạo thực nghiệm trên 1 quy mô đối tượng khá rộng rãi. Sau 2 năm thực nghiệm, với những điều chỉnh chúng ta mới áp dụng đại trà cho toàn quốc.

Nhưng với chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT không tổ chức thực nghiệm mà giao cho các nhà xuất bản thực nghiệm. Họ chỉ dạy thử 1 vài bài, ở 1 vài nơi chứ không thực nghiệm rộng rãi.

Tôi cũng không biết khi Hội đồng thẩm định quốc gia khi thẩm định sách có hỏi các công ty xuất bản về vấn đề thực nghiệm hay không. Nếu có hỏi thì trong 1 thời gian ngắn như vậy, thì các công ty xuất bản không thể thực nghiệm như chương trình năm 2000".

  Bộ GD&ĐT đã gấp gáp nên đã tạo ra sai sót trong bộ sách như hiện nay?

Bộ GD&ĐT đã gấp gáp nên đã tạo ra sai sót trong bộ sách như hiện nay?

Các chuyên gia giáo dục khác cũng cho rằng, những bất cập của bộ sách Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều nằm ở chỗ chưa phù hợp với tâm lý lứa tuổi và cả những đánh giá chưa đầy đủ trong quá trình thực nghiệm bộ sách này. 

TS Dương cũng bày tỏ ý kiến không đồng tình về việc nhóm tác giả sử dụng các câu chuyện phỏng theo truyện ngụ ngôn nước ngoài: "Tôi vẫn nhớ kho tàng Tiếng Việt nước ta có vô vàn những câu ca dao, tục ngữ hay, sử dụng vào việc dạy Tiếng Việt cho học sinh lớp 1 là rất hợp lý và có ý nghĩa.

Việc các tác giả sử dụng truyện ngụ ngôn nước ngoài dưới hình thức phỏng dịch không phải truyện dở nhưng một câu chuyện có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, điều này không tốt cho đầu óc non nớt của học sinh lớp 1. Các bé cần 1 sự nhất quán, tránh đa nghĩa".

Vẫn Hội đồng thẩm cũ thì có khách quan?

Được biết, hôm nay Hội đồng thẩm định quốc gia bắt đầu tiến hành rà soát, đánh giá lại SGK lớp 1 trước những ý kiến phản ánh của dư luận.

Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với PV, GS.TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội cho rằng: "Để có kết quả thẩm định SGK lớp 1 mới khách quan trước những tranh cãi hiện nay, tôi nghĩ cần thành lập 1 hội đồng thẩm định mới, độc lập với Hội đồng đã thẩm định trước đó.

Vì nếu vẫn là hội đồng thẩm định cũ thì kết quả thẩm định sẽ không khác là mấy, bởi nếu kết quả khác thì chẳng lẽ lại thừa nhận trước đó Hội đồng thẩm định làm chưa chuẩn, chưa kỹ. Đây là rào cản tâm lý lớn đối với Hội đồng thẩm định, do đó nên thành lập hội đồng thẩm định mới để kết quả thẩm định khách quan khiến dư luận tâm phục khẩu phục".

V.Linh

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính