Báo Điện tử Gia đình Mới

Sách giáo khoa lớp 1 đầy 'sạn', chủ biên sách nói gì?

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Chủ biên SGK Cánh Diều lớp 1 khẳng định nhóm tác giả khi làm sách đã làm rất kỹ, các bài học đều mang tính giáo dục chứ không hề làm ẩu.

Sách dạy trẻ khôn lỏi, dùng phương ngữ suồng sã

Học sinh lớp 1 năm nay vừa bước vào năm học mới được 1 tháng với chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.

Bên cạnh những ý kiến chương trình mới nặng, tốc độ nhanh với học sinh, các phụ huynh còn chỉ ra những "hạt sạn" trong những cuốn sách giáo khoa mới, đặc biệt là cuốn sách Tiếng Việt của bộ Cánh Diều.

Cụ thể, trong cuốn sách Tiếng Việt 1, tập 1 của bộ Cánh Diều, nhóm tác giả sử dụng các câu truyện mà nội dung không định hướng rõ tính giáo dục. Thậm chí một số truyện phỏng theo trong sách còn bị đánh giá là dạy học sinh lừa lọc, khôn lỏi, thủ đoạn, lười nhác, ích kỷ.

Ví dụ như câu chuyện "Lừa và ngựa": Lừa gầy còm, ốm yếu thì phải chở nhiều đồ, còn ngựa khỏe mạnh thì không phải chở. Lừa nhờ ngựa nhưng ngựa không giúp đỡ lừa khiến lừa phải chở nhiều, ngã ra. Khi học sinh đọc truyện này thì chỉ thấy ngựa ích kỷ chứ không toát lên được tính giáo dục là cần giúp đỡ lẫn nhau. 

  Một trong số những bài học ở sách Tiếng Việt 1 Cánh Diều bị dư luận lên án vì dạy trẻ tính dối trá, thủ đoạn, bạo lực.

Một trong số những bài học ở sách Tiếng Việt 1 Cánh Diều bị dư luận lên án vì dạy trẻ tính dối trá, thủ đoạn, bạo lực.

Hay câu chuyện Cua, cò và đàn cá: Nội dung nói về Cò gian xảo, dối trá, lừa đàn cá để ăn thịt, tiếp tục lừa cua nhưng không được, bị cua cặp cổ, Cò phải van xin cua... Với câu chuyện này, với suy nghĩ đơn thuần của một đứa trẻ thì chúng chỉ biết về các đặc điểm rất xấu của Cò chứ không suy diễn nổi thông điệp làm việc ác sẽ bị trừng trị.

Phụ huynh cũng phản ánh, trong sách có sử dụng rất nhiều từ địa phương. Ví dụ: Thay vì viết “nhai” theo ngôn ngữ phổ thông, tác giả viết “nhá” cỏ, “nhá” dưa, “gà con” lại viết thành “gà nhiếp”, “gà nhí”. Con thỏ thì “nhá” cỏ “nhá” dưa, con cò thì “chén” con cá.

Hoặc, thay vì viết “không lo”, “không đem”…, để các em dễ hiểu, tác giả lại viết "chả lo", "chả đem"...

Hoặc ở nhiều bài trong sách Cánh Diều, nhóm tác giả sách sử dụng những từ rất suồng sã, khó hiểu như "thở hí hóp", "la liếm", "chén", "chả có gì"...

Chị Phùng Ngọc Anh - Phụ huynh học sinh lớp 1 ở Cầu Giấy lo lắng: "Nhiều câu chuyện không mang tính giáo dục, định hướng trẻ học tập đức tính tốt đẹp mà chỉ nói tới nhiều tính xấu. Trẻ con sẽ học theo những gì chúng thấy, nên tôi thấy quyển sách này cần phải điều chỉnh. Chúng tôi lo lắng nếu như các con tiếp tục học những bài học Tiếng Việt như bộ Cánh Diều hiện nay".

Thậm chí có phụ huynh còn gửi thư tới nhóm tác giả sách: "Thánh nhân có câu "Nhân chi sơ, tính bản thiện". Những đứa bé được dạy những điều như câu chuyện hai con ngựa (trong sách lớp 1, cải cách có nhiều bài như thế) thì mục đích của nền giáo dục là gì?

Chúng ta dạy trẻ con để phòng cái ác, cái xấu hay là dạy chúng làm cái xấu, cái ác từ khi còn bé. Hay là chúng ta dạy trẻ con những kỹ năng để tồn tại trong cái xã hội đương đại ở Việt Nam từ khi còn bé?...".

'Chúng tôi làm rất kỹ, tiếp tục lắng nghe để điều chỉnh'

Đó là khẳng định của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Chủ biên cuốn sách Cánh Diều trước những ý kiến của dư luận phản ánh về Sách giáo khoa Tiếng Việt bộ sách Cánh Diều. 

Bộ sách này của nhóm tác giả Nguyễn Minh Thuyết (Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên) – Hoàng Hòa Bình – Nguyễn Thị Ly Kha – Lê Hữu Tỉnh biên soạn và được NXB ĐH Sư phạm TP.HCM ấn hành (2020).

  GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên bộ sách Tiếng Việt Cánh Diều khẳng định sẽ lắng nghe ý kiến để điều chỉnh phù hợp.

GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên bộ sách Tiếng Việt Cánh Diều khẳng định sẽ lắng nghe ý kiến để điều chỉnh phù hợp.

Ông Thuyết cũng cho biết đã lắng nghe, tiếp nhận các ý kiến của phụ huynh về nội dung cuốn sách. Tuy nhiên, ông cho rằng, tất cả những bài học trong sách đều có tính giáo dục.

Chủ biên SGK tiếng Việt lớp 1 Cánh diều cho biết, sở dĩ sách dùng một số từ có thể ít thông dụng do thời gian đầu, học sinh chưa biết nhiều chữ, tác giả phải vận dụng số chữ ít ỏi mà các em biết để tạo thành câu văn, bài tập đọc nên phải dùng một số từ như vậy. 

Ví dụ dùng từ "nhá cỏ, nhá dưa" là bởi học sinh chưa học vần "ai" nên chưa thể dùng "nhai cỏ, nhai dưa", hơn nữa từ "nhá" có trong từ điển Tiếng Việt.

Với những câu chuyện trong mỗi bài học, GS Nguyễn Minh thuyết cho biết trong mỗi bài học về chữ - vần, nhóm tác giả phải tạo ra những bài đọc để các chữ, các vần mới học được lặp lại nhiều lần, giúp học sinh không quên chữ, rèn luyện khả năng đọc, nhớ tốt.

Bài đọc Cua, cò và đàn cá bị cho là dạy học sinh khôn lỏi, ông Thuyết cho rằng "Đây là bài đọc theo truyện dân gian Việt Nam. Mà truyện dân gian vốn dĩ sâu sắc lắm, khai thác như thế nào là do tâm địa mỗi người. Người này cho rằng bài này dạy học sinh khôn lỏi, nhưng người kia lại rút ra được bài học cảnh giác. Bây giờ người xấu nhiều, dạy trẻ con phải cảnh giác không thừa” – ông Thuyết nói.

Trước ý kiến thắc mắc học sinh lớp 1 có thể sẽ không hiểu được nội dung bài học, các từ "lạ", ông Thuyết nói: “Chúng ta không nên lo học sinh không hiểu, bởi dạy cho học sinh hiểu là nhiệm vụ của giáo viên chứ các em không phải tự mình làm việc với quyển SGK. Giáo viên sẽ giảng cụ thể cho học sinh ý nghĩa của từ ngữ trong các bài đọc.

Khi tập huấn cho giáo viên, chúng tôi cũng đã nhấn mạnh vào yêu cầu phân hóa đối với học sinh. Ví dụ với những học sinh tiếp thu nhanh thì từ a, từ b có thể học trong 2 tiết, với các em chậm hơn thì học trong 3 tiết. Trong phân bổ chương trình có tới 88 tiết dự trữ (mềm), là những tiết ôn tập, góc sáng tạo, đọc sách báo… Nếu học sinh đọc viết chưa thông thì cứ lấy số tiết dự trữ này ra để dạy cho các em.

Ngay trong một lớp, khả năng của học sinh cũng khác nhau. Nếu bài đọc quá ngắn, học sinh khá giỏi sẽ không phát triển được hết khả năng. Như vậy, với học sinh yếu hoặc gặp khó khăn, các em chỉ cần đọc được 1, 2 câu có các chữ hoặc vần mới học. Sau một thời gian, những học sinh này hoà được vào tiến độ chung, các em sẽ đọc được cả bài như các bạn khác.

Chương trình Tiếng Việt trước đây có 10 tiết/ tuần, nay là 12 tiết/tuần. Trong khi yêu cầu về mức độ đạt được vẫn như trước thì tăng tiết chính là để giảm tải chứ không phải quá tải, phụ huynh không nên lo lắng mà tạo áp lực cho con em mình” – ông Thuyết khẳng định.

Trả lời câu hỏi trước những phản ứng của dư luận, liệu nhóm tác giả SGK Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều có tiếp thu, chỉnh sửa hay không, GS Nguyễn Minh Thuyết cho hay: “Không riêng gì SGK, kể cả chương trình trong quá trình thực hiện, nếu có điều gì chưa phù hợp vẫn phải điều chỉnh.

Việc điều chỉnh sản phẩm sau một thời gian sử dụng là bình thường. Các tác giả sẽ lắng nghe góp ý của giáo viên, phụ huynh học sinh và người dân, đánh giá hiệu quả thực tế để điều chỉnh những gì chưa phù hợp.

Tuy nhiên, tôi mong dư luận bình tâm, để không gây áp lực cho các thầy cô đang hào hứng bước vào năm học mới”.

V.Linh

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính