'Thủ trưởng cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về an ninh, an toàn trong cơ sở giáo dục...' - Chỉ thị về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực học đường nêu rõ.
Trước thực trạng tại các địa phương liên tiếp xảy ra một số vụ bạo lực học đường làm ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần học sinh và môi trường giáo dục, gây lo lắng và bức xúc trong dư luận xã hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa ký ban hành Chỉ thị về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục.
Theo đó, đối với Sở GD&ĐT cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, gia đình học sinh và cộng đồng về phòng, chống bạo lực học đường và phát hiện, thông báo, tố giác, ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vi bạo lực học đường.
Đồng thời, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về đạo đức nhà giáo, tư vấn tâm lý, năng lực kiểm soát cảm xúc cá nhân và kỹ năng xử lý các tình huống sư phạm.
Đối với các cơ sở giáo dục, Bộ trưởng Nhạ yêu cầu Thủ trưởng cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về an ninh, an toàn trong cơ sở giáo dục.
Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, cán bộ Đoàn, Đội, nhân viên, học sinh trong các cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm thực hiện quy định về bảo đảm an toàn trường học, phòng, chống bạo lực học đường. Xây dựng trường học dân chủ, an toàn, lành mạnh, thân thiện.
Xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống bạo lực học đường; phân công rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong nhà trường để việc thực hiện kế hoạch hiệu quả.
Đặc biệt lựa chọn, bồi dưỡng và cử giáo viên có kinh nghiệm, năng lực và trách nhiệm làm công tác chủ nhiệm để thường xuyên theo sát tình hình, quản lý, giáo dục học sinh;
Quan tâm các em học sinh cá biệt, học sinh yếu thế để có biện pháp giáo dục, giúp đỡ, bảo vệ phù hợp; chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và kịp thời, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các vụ bạo lực học đường bảo đảm công khai, nghiêm túc theo quy định của pháp luật.
Thiết lập các kênh thông tin về bạo lực học đường của cơ sở giáo dục (hộp thư góp ý, đường dây nóng, hệ thống camera giám sát,…) để chủ động tiếp nhận, xử lý kịp thời các thông tin về bạo lực học đường.
Bồi dưỡng nâng cao năng lực, trách nhiệm của cán bộ tư vấn tâm lý, để thường xuyên nắm bắt tâm lý học sinh, kịp thời phát hiện và xử lý những mâu thuẫn, xung đột trong trường học.
Tăng cường giáo dục pháp luật, giáo dục về phòng, chống bạo lực học đường trong chương trình và hoạt động giáo dục của nhà trường.
Xây dựng các chuyên đề về giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng chống xâm hại, bạo lực học đường lồng ghép trong các hoạt động giáo dục, hoạt động Đoàn, Đội.
Tổ chức ký cam kết phối hợp hằng năm giữa gia đình học sinh với cơ sở giáo dục về việc quản lý, giáo dục học sinh.
Thường xuyên thông tin hai chiều giữa cơ sở giáo dục và cha mẹ học sinh về hoạt động của nhà trường, tình hình học tập, rèn luyện, các dấu hiệu bất thường và thống nhất biện pháp giáo dục học sinh; hỗ trợ, cung cấp cho cha mẹ học sinh kiến thức, kỹ năng trong việc đồng hành, giáo dục giúp con tiến bộ.