Báo Điện tử Gia đình Mới

GS.TS Lê Thị Quý và cuộc chiến chống bạo lực gia đình

GS.TS Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và Phát triển đã dồn tâm huyết cho cuộc chiến phòng và chống bạo lực gia đình, giúp nhiều cặp vợ chồng ở Việt Nam hàn gắn được vết thương đổ vỡ.

  GS Lê Thị Quý đang giảng bài cho các sinh viên

GS Lê Thị Quý đang giảng bài cho các sinh viên

Cho đến nay, dự án “Nhà lánh nạn tại cộng đồng” của GS.TS Lê Thị Quý vẫn được xem là mô hình thành công và hiệu quả nhất trên cả nước trong việc phòng và chống nạn bạo lực gia đình.

Câu chuyện bắt đầu từ năm 2002, khi GS.TS Lê Thị Quý cho tiến hành một cuộc điều tra xã hội học tại hai địa phương được xem là điểm nóng về bạo lực gia đình là thị trấn Thanh Nê (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) và xã Vũ Lạc (Tp. Thái Bình).

Kết quả điều tra đã khiến người ta phải giật mình, bởi những hình thức bạo lực gia đình xảy ra ở đây chỉ mới nghe thôi cũng đã khiến cho người ta phải đau xót như: chồng đánh vợ què chân, đuổi đánh đòi giết vợ, dọa nhét phân bò vào mồm vợ…

Đứng trước thực trạng đau lòng đó, GS.TS Lê Thị Quý đã quyết định bắt tay vào xây dựng những dự án phòng và chống bạo lực gia đình tại chính những địa phương trọng điểm này.

Trước đó, từ năm 1989, bà đã được biết đến là người đầu tiên nghiên cứu về vấn đề bạo lực gia đình và bất bình đẳng giới ở Việt Nam. Nhờ đó mà bà biết được các nước trên thế giới thường sử dụng biện pháp xây dựng những ngôi nhà lánh nạn tập trung để hỗ trợ các nạn nhân bạo lực gia đình. Thế nhưng điều kiện kinh tế khó khăn ở Việt Nam không cho phép làm điều đó. Vì vậy GS.TS Lê Thị Quý đã thực hiện dự án theo cách riêng của mình.

Tại xã Vũ Lạc (Thái Bình), bà đứng ra kêu gọi thành lập Ban quản lý dự án bao gồm các thành phần của địa phương như: công an, hội cựu chiến binh, hội phụ nữ… Bởi theo bà, phải có chính quyền vào cuộc thì dự án mới có thể thành công được.

Thế nhưng, lúc đầu, việc thuyết phục chính quyền địa phương vào cuộc cũng chẳng dễ dàng gì. Bởi trong tư duy của một số người, chuyện đàn ông đánh vợ được coi là chuyện riêng tế nhị của mỗi gia đình, người ngoài không nên can thiệp vào.

  Giáo sư Lê Thị Quý bên gia đình

Giáo sư Lê Thị Quý bên gia đình

Thế nên GS.TS Lê Thị Quý phải ra sức thuyết phục mãi, thậm chí phải đưa ra cả những bằng chứng thu thập được từ các cuộc điều tra xã hội học để chứng minh, dần dà chính quyền mới quyết định tham gia vào dự án của bà.

Sau khi thành lập được Ban quản lý dự án, bà bắt tay vào tổ chức chiến dịch truyền thông rầm rộ như tuyên truyền, treo băng rôn, khẩu hiệu ở khắp các thôn xóm của xã Vũ Lạc, kể cả việc lập địa chỉ tiếp nhận thông “nóng”.

Thế là từ trẻ con, hàng xóm trước kia không biết về bạo lực gia đình thì giờ trở thành những người tích cực đưa tin. Bà lại nghĩ ra sáng kiến thành lập đội can thiệp nhanh gồm có công an và những anh thanh niên to khỏe để có thể đến ngay hiện trường, ngăn chặn kịp thời các vụ bạo lực gia đình khi có tin báo.

Vấn đề vẫn chưa dừng lại ở đó, bởi có những nạn nhân bị bạo hành chạy thoát được nhưng không biết lánh nạn vào đâu để tránh khỏi bị bạo hành tiếp.

Đặc thù ở các làng quê Việt Nam, người vợ bị chồng đánh chạy trốn về nhà bố mẹ đẻ thì lại bị bố mẹ mang trả lại do sợ mất mặt với gia đình chồng; chạy sang nhà anh chị em lánh nạn thì cũng bị áp chế… nên nạn nhân rất khó để tìm kiếm chỗ lánh nạn an toàn.

Đang trong lúc bế tắc thì chính người dân đã giúp bà tìm ra sáng kiến, đó là dùng ngay nhà của ông hội trưởng hội cựu chiến binh hay nhà bà hội trưởng hội phụ nữ để làm địa chỉ lánh nạn cho người bị bạo hành. Bởi ở đây các ông chồng sẽ không dám làm càn.

“Sau một loạt những hành động quyết liệt đó, tại Vũ Lạc, Thanh Nê đã gần như sạch bóng bạo lực gia đình. Giờ chỉ còn chuyện vợ chồng cãi nhau lặt vặt, không còn chuyện xô xát đánh vợ nữa”, GS.TS Lê Thị Quý vui mừng chia sẻ với chúng tôi.

GS.TS Lê Thị Quý cho biết, hiện nay tại thị trấn Thanh Nê đã thành lập được 43 địa chỉ lánh nạn tin cậy, còn xã Vũ Lạc có 35 địa chỉ. Ở hai địa phương này hiện số vụ bạo lực gia đình đã giảm đến hơn 90% so với trước.

Sau mô hình thành công này, GS.TS Lê Thị Quý đã cho triển khai thêm ở một số tỉnh thành như: Phú Thọ, Nam Định, Hà Nội… Và ở địa phương nào có triển khai dự án, số vụ bạo lực gia đình cũng giảm một cách đáng kể. Sau này, khi Luật phòng, chống bạo lực gia đình được ban hành (2007), những địa chỉ tin cậy trong dự án của bà đã được lấy làm điển hình để phát triển trong các cộng đồng.

Hơn 20 năm dành nhiều công sức cho cuộc chiến phòng và chống bạo lực gia đình, điều làm GS.TS Lê Thị Quý hạnh phúc nhất đó là mỗi lần về thăm lại các địa phương, thấy không chỉ các chị em phụ nữ vui mừng mà ngay cả các ông chồng từng là thủ phạm bạo lực gia đình cũng rất phấn khởi khi được gặp lại bà.

Nhờ bà mà cuộc sống gia đình của họ được êm ấm, kinh tế khá giả hẳn lên, xóm làng cũng bình yên, vui vẻ.

Tác giả: Thảo Vy 

GS.TS Lê Thị Quý (1950) là nhà Xã hội học và nhà nghiên cứu trong lĩnh vực Giới, đặc biệt là về Nữ quyền.

Bà cũng là nhà hoạt động tích cực đấu tranh cho sự công bằng và bình đẳng cho nữ giới. Các lĩnh vực nghiên cứu của bà tập trung vào lý thuyết về nữ quyền, phòng chống bạo lực gia đình và buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới.

Năm 2005, bà nằm trong 1.000 phụ nữ được đề cử cho giải Nobel Hoà bình.

Năm 2010, bà được công nhận chức danh Giáo sư, đồng thời trở thành nữ giáo sư đầu tiên về Xã hội học ở Việt Nam.

Bà là tác giả của 12 cuốn sách cá nhân và 54 cuốn in chung cùng nhiều công trình nghiên cứu khoa học khác.

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO