5 đội thi đến từ các trường đại học, học viện lớn trên cả nước đã cùng nhau tranh tài tại cuộc thi Olympic Triết học 2024 diễn ra vào ngày 9/11 tại Thủ đô Hà Nội. Sau phần thi sân khấu hóa diễn ra ngày 9/11, các đội thi đang tiếp tục tranh tài tại phần thi tương tác video online trên mạng xã hội Soctrip. Tham gia cuộc thi, các đội thi không chỉ thể hiện kiến thức, tài năng mà còn lan tỏa niềm yêu thích môn Triết học đến với cộng đồng.
Triết học được lan tỏa với cách thức dễ hiểu và gần gũi
Là một trong những thí sinh tham gia cuộc thi Olympic Triết học 2024, sinh viên Nguyễn Việt Minh Giang (sinh viên khóa 66, khoa Triết học, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho biết, để có thể hoàn thành xuất sắc phần thi sân khấu hóa thì không chỉ 5 thành viên chính thức trong đội trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn mà tất cả sinh viên khoa Triết học và các thầy cô đã rất nỗ lực hỗ trợ và cổ vũ các thành viên tham dự cuộc thi.
“Thời gian chuẩn bị cho cuộc thi của chúng em tương đối ngắn, lại đúng thời điểm diễn ra kỳ thi giữa kỳ, làm nghiên cứu khoa học… Trong khi các đối thủ dự thi đều rất “đáng gờm”, các bạn đều là những thanh niên đầy nhiệt huyết, sáng tạo, nắm rất chắc các kiến thức, nền tảng tư tưởng của Đảng, các quan điểm về cách sống, cách làm việc của thanh niên hiện nay.
Thêm nữa, nội dụng thi năm nay rất khó, nhất là phần thi hùng biện. Trong phần thi này, chúng em phải truyền tải toàn bộ những suy nghĩ của mình, cũng như làm thế nào để truyền tải những giá trị của triết học trong thời gian rất ngắn, chỉ 5 phút đồng hồ, nhưng phải có sự sáng tạo và hấp dẫn. Điều đó gây khó khăn cho chúng em trong việc lựa chọn nội dung truyền tải, hình thức truyền tải, sao cho ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu mà lại hấp dẫn. Sau nhiều nỗ lực của các thành viên, sự hỗ trợ của các bạn sinh viên, thầy cô trong khoa Triết học, chúng em đã hoàn thành xuất sắc phần dự thi của mình và đạt giải Nhất trong phần thi sân khấu hóa” – Minh Giang chia sẻ.
Đến với phần thi Hùng biện Triết học, sinh viên Nguyễn Thị Thúy Hằng đại diện cho đội thi trường Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế đã lựa chọn chủ đề Đoàn kết - Nhân ái, một trong những giá trị đạo đức cần thiết của thanh niên Việt Nam để thuyết trình. Bài thuyết trình của Thúy Hằng đã lấy hình ảnh rất gẫn gũi là bó đũa để nói về tinh thần đoàn kết. Đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc, sức mạnh đoàn kết, sự đồng lòng giúp chúng ta chiến thắng trong cuộc chiến tranh đấu bảo vệ tổ quốc. Lòng nhân ái là một trong những phẩm chất đạo đức cao đẹp của con người. Nó thể hiện ở sự yêu thương, đồng cảm, sẻ chia, giúp đỡ những người xung quanh, đặc biệt là những người gặp khó khăn, hoạn nạn. Với những nỗ lực của mình và các thành viên trong đội, trường ĐH Khoa học và ĐH Huế đã đạt giải Ba trong phần thi sân khấu hóa.
Qua các màn thể hiện của mình, các đội thi đã gửi gắm thông điệp về hệ giá trị chuẩn mực của thanh niên Việt Nam trong thời đại mới: Yêu nước, Đoàn kết, Cần cù hiếu học, Trách nhiệm, Nhân ái và Sáng tạo. Đó là những giá trị quan trọng để thanh niên Việt Nam có thể phát huy vai trò và sứ mệnh trong kỉ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Triết học nằm ngay trong đời sống hàng ngày
Đánh giá về cuộc thi Olympic Triết học 2024, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, cuộc thi đã đánh thức mọi người, để mọi người thấy được triết học rất gần gũi với đời sống hàng ngày. Nó giải đáp những thắc mắc ngay trong cuộc sống của mỗi người, từng tình huống một. Và cao hơn nữa là trên nền tảng ấy, chúng ta xây dựng sự lựa chọn và ý tưởng sống của mỗi con người. Đó là điều rất cần với thế hệ trẻ.
Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ thêm, cho dù cuộc thi này mới phản ánh một phần những kiến thức ban đầu của triết học nhưng điều đó hết sức quan trọng. Nhất là khi các bạn sinh viên là những người được đào tạo, là những người lan tỏa những giá trị triết học ở trong đời sống con người thì sức trẻ của các bạn cực kỳ quan trọng. Nó giúp mọi người hiểu rằng, chính trị không phải cái gì cao sang, chính trị nằm ngay trong đời sống.
“Qua cuộc thi này, giới trẻ sẽ thấy không còn xa lạ với triết học. Các bạn sẽ hiểu triết học nằm ngay trong cuộc sống, nó giải đáp chính những việc đời sống đang xảy ra. Ví như tiết mục các bạn sinh viên thể hiện 1 người đánh mất tình yêu, thì ngay sau đó các bạn đưa ra giải pháp là triết học sẽ giúp bạn đưa ra lựa chọn tốt hơn, có được cuộc sống hạnh phúc hơn. Những điều đó bình thường chúng ta không nhận ra. Chúng ta thường nghĩ triết học là cái gì đó rất cao xa, khô khan, là cái gì đó rất hàn lâm, nhưng thực ra triết học là chính trong đời sống của mỗi người” – ông Dương Trung Quốc nói.
Hiện, các đội thi đang cùng nhau tranh tài trên nền tảng số ở phần thi online với tên gọi "Triết Học Thay Đổi Cuộc Sống". Giải thưởng của cuộc thi online này sẽ dành cho các tiết mục dự thi Olympic Triết học 2024 có sức lan tỏa, ảnh hưởng và truyền cảm hứng nhất tới cộng đồng.
Thời gian phát động giải thưởng “Triết học Thay đổi Cuộc sống” chính thức trên mạng xã hội Soctrip kể từ 0 giờ ngày 11/11/2024 kéo dài đến hết ngày 24 giờ ngày 12/12/2024.
Công bố giải thưởng trong ngày 15/12/2024 duy nhất trên mạng xã hội Soctrip - Trang Fanpage Tạp chí Nghiên cứu Triết học.
Đây là sân chơi bổ ích, thiết thực dành cho sinh viên, học viên ngành Triết học, ngành Lý luận Chính trị và sinh viên các chuyên ngành khác có sở thích Triết học. Bên cạnh mục đích nâng cao nhận thức, hiểu biết chuyên sâu Triết học, rèn luyện kỹ năng vận dụng lý luận vào thực tiễn, Ban tổ chức cuộc thi còn mong muốn khích lệ, phát huy niềm đam mê nghiên cứu Triết học của giới trẻ và lan tỏa tinh thần, niềm yêu thích Triết học đến cộng đồng.
Linh NhiBạn đang xem bài viết Cuộc thi Olympic Triết học 2024: Đưa Triết học gần gũi hơn với cuộc sống tại chuyên mục Học đường của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].