Chọn sữa nào cho con, lượng sữa con uống bao nhiêu thì đủ… luôn là băn khoăn của nhiều bà mẹ. Gia đình mới xin giới thiệu bài viết trên blog cá nhân của bác sĩ Nguyễn Thu Hằng, bác sĩ Nhi khoa đang làm việc tại Pháp, chia sẻ với các mẹ về chế độ ăn uống phù hợp cho con theo độ tuổi.
1) Từ sinh ra đến 6 tháng: tốt nhất là bú mẹ hoàn toàn
Chỉ dùng sữa công thức trong một số trường hợp thực sự không có lựa chọn.
Hoặc trong thời gian chưa đủ sữa mẹ, có thể dùng tạm thời phối hợp một ít sữa công thức nếu thấy cần thiết.
2) Từ tháng thứ 6 – dưới 1 tuổi: ngoài bú mẹ thì bắt đầu tập cho trẻ ăn dặm
- Với bé dưới 1 tuổi, khi bé bắt đầu ăn dặm được tốt, thì sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng CHỦ YẾU.
- Bé từ 7 - 8 tháng trở đi là có thể cho bé uống thêm chút sữa đậu nành hoặc một số sữa từ các loại hạt khác được rồi.
- Trẻ con từ 5 tháng trở đi, là bắt đầu có thể dùng nước cháo loãng để pha sữa công thức nếu trẻ ăn thêm sữa ngoài.
Công thức nấu nước cháo mình thường đưa ra là: chút gạo tẻ gạo nếp làm nền sau đó thì dùng thay đổi các loại sau : + cà rốt, hoặc bí đỏ, + một khúc tỏi tây + tý hạt sen + đỗ đen + đỗ xanh đỗ đỏ + một khúc mía nhỏ rửa sạch chẻ nhỏ nếu có.
Rồi nấu nhừ, chắt lấy nước dùng để pha sữa cho con một đến hai lần / ngày. Tăng dần từ rất loãng (thoáng qua), đến loãng và hơi đặc hơn chút....để trẻ con quen dần với các loại chất trong đó.
Nhiều nhà dinh dưỡng ở Việt Nam thường nói là nhất định không được dùng nước cháo để pha sữa cho trẻ con vì một số lý do abc nào đó.
Nhưng theo hiểu biết và kinh nghiệm của mình điều này chỉ đúng cho trẻ con dưới 5 tháng tuổi thôi vì lứa tuổi đó chưa tiêu hoá được chất bột và một số chất khác.
Còn từ 5 tháng trở lên thì nên tập dần với chất bột, và khi pha sữa với một tý chất bột sẽ giúp cho sữa không bị vón cục trong dạ dày, dễ tiêu hoá hơn.
Ví dụ ở Pháp có bột ăn liền bằng ngũ cốc hoặc rau củ để pha thêm vào sữa cho trẻ con từ 4 tháng tuổi trở lên. Ngoài ra còn có một số loại bánh quy tan, cho vào mồm là tan ra ngay, cho con ăn 1-2 cái trước khi cho ăn sữa bình.
- Nước hầm xương : theo quan điểm của nhiều nhà dinh dưỡng ở Việt Nam, thì nước hầm xương không có lợi thậm chí còn có hại cho trẻ con vì nó quá béo, có người còn bảo nó chả có chất gì cả. Vì vậy họ thường khuyên không nên cho trẻ con ăn.
Mình thì nghĩ không cần phải chặt chẽ đến thế.
Vì dùng nước hầm xương gà hoặc lợn để nấu cháo, hoặc nấu súp khoai, rau ...thì cháo hoặc súp thường có mùi rất thơm ngon, nên không cần loại bỏ nước hầm xương, mà chỉ cần làm như sau :
. Đừng cho con ăn nước hầm xương trước 7 - 8 tháng vì cũng khó tiêu
. Không nên cho con ăn quá nhiều nước hầm xương mà nên cho ăn chừng 2-3 lần/ tuần thôi, và số lượng của mỗi bữa ăn nên tăng dần theo tuổi.
. Dùng xương ít tuỷ để đỡ béo
. Hầm xong thì nên để nguội, vớt hết váng mỡ đi rồi hãy dùng để nấu ăn cho con
. Xương nào cũng có tý thịt, vậy hầm xong nên gỡ lấy tí thịt nạc đó, nghiền nhuyễn cho vào nấu cháo nấu súp cùng để có đủ chất đạm.
- Nước mía : Là một thứ nước giải khát rất tốt, theo đông y thì là thứ nước mát phổi, vậy nếu bạn có thể đảm bảo về mặt vệ sinh (ví dụ mua mía về tự ép lấy nước cho con uống chẳng hạn) thì từ 5 - 6 tháng trở đi vào mùa hè có thể cho con uống mỗi ngày một vài thìa tăng dần tý một thì rất tốt.
Hồi xưa con mình nhỏ, mình mua mía về dóc sạch vỏ, chẻ cắt khúc nhỏ, rồi dùng cái ép tỏi để ép, sau đó lọc qua miếng gạc sạch để đảm bảo không có cặn, uống rất ngon!
Mình thường khuyên cha mẹ, là nên dùng mía rửa sạch chẻ nhỏ cho vào nấu chè đỗ, hạt sen các loại cho con ăn thay đường trắng. Chè nấu kiểu này có vị thanh mát rất dễ chịu, lại là đường mía nguyên chất không có chất tẩy trắng, tốt hơn dùng đường trắng tinh luyện nhiều.
Và đúng là không nên lạm dụng đường, đặc biệt là đường trắng tinh luyện, nhưng cũng không nên quá kiêng hoặc sợ đường nếu không có bệnh gì đặc biệt vì tất cả các hoạt động của con người, đặc biệt là hoạt động của não, rất cần glucose.
‘Uống sữa đậu nành không tốt cho bé trai’ là suy nghĩ sai lầm
Nổi lên gần đây nhất, là câu chuyện cho trẻ trai uống sữa đậu nành và ăn đậu phụ có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của bộ phận sinh dục và sức khoẻ sinh sản nói chung của đàn ông.
Nhiều bài báo trích dẫn một vài nghiên cứu với lý luận là trong đậu nành có chứa các chất nội tiết tố thực vật (phytoestrogen) có tác dụng dược lý như kích thích nội tiết tố nữ estrogen.
Nhưng các bạn nên nhớ đây là hóc môn thực vật, và hàm lượng phytoestrogen trong đậu nành chỉ vào khoảng 2-5%, có tác dụng rất yếu (yếu hơn khoảng 400-500 lần so với hóc môn của người/ động vật). Vì vậy, nỗi lo sợ về ảnh hưởng của thành phần estrogen thực vật trong đậu nành là không có cơ sở.
Ngoài việc rút kết luận từ nghiên cứu trên chuột sang cho người là chưa chính xác, thì như mình đã nói nhiều lần, là cần tính đến việc hàm lượng men tiêu hoá đậu nành ở người châu Á quen ăn đậu nành và ở người châu Âu chắc chắn là khác nhau.
Nên không thể đưa nghiên cứu của Mỹ trên người Mỹ vào áp dụng trực tiếp với người châu Á.
Thêm nữa, nếu các bạn đã từng đọc mấy nghiên cứu từ hồi đầu những năm 2000, thì thấy trong nghiên cứu nhấn mạnh là sẽ có tác dụng không tốt đối với người đã béo phì sẵn và rất ít vận động, gần như không bao giờ tập thể thao.
Trên thực tế, cứ quan sát thì thấy, người châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Hàn, Nhật đều ăn nhiều đậu nành từ bao đời nay, mà sinh con đàn cháu đống đấy thôi.
3) Từ 1 tuổi trở lên: nếu có thể vẫn nên cho con tiếp tục bú mẹ + ăn các thực phẩm khác, đa dạng, cân đối
- Lúc này có thể cho bé uống thêm sữa bò tươi, nhưng nhớ chọn loại sữa sạch
- Có thể cho bé ăn thêm pho mai, sữa chua ...
- Cùng với sữa bò và các sản phẩm của sữa bò, dê... nên cho bé uống thêm sữa hạt các loại.
- Lúc này, không nhất thiết phải uống từ 2-3 cốc sữa / ngày như nhiều tài liệu hướng dẫn mà nên cân đối giữa: Lượng sữa mẹ - thức ăn hàng ngày - sữa bò/dê - sữa hạt
Theo hướng dẫn của Viện nghiên cứu thực phẩm Pháp, thì tỷ lệ đạm động vật/ thực vật đưa vào cơ thể tốt nhất là 50/50.
Vậy các bạn có thể dựa vào bảng thành phần / tỷ lệ dinh dưỡng của các loại sữa và thức ăn để tính lượng thức ăn - sữa cho cân đối.
- Các bạn nên phân biệt giữa sữa hạt tự làm với sữa hạt sản xuất công nghiệp, vì sữa hạt công nghiệp thường có tỷ lệ sữa rất thấp, có lúc chỉ vài phần trăm còn lại là nước và đôi khi có bổ sung đường. Trong khi đó sữa hạt tự làm thường có tỷ lệ đậm đặc hơn rất nhiều.
Nếu không thể chắc chắn về nguồn sữa bò sạch, nên làm thế nào?
Vì nguồn sữa bò ở Việt Nam đã và còn đang có nhiều lộn xộn không rõ ràng, việc tìm mua sữa sạch rất khó đối với nhiều người. Nên đối với trẻ từ một tuổi trở lên, ngoài sữa mẹ + các bữa ăn cân bằng thì mình nghĩ cha mẹ nên chọn sữa hạt loại tốt, sạch.
Hồi mình sinh con, thời gian đầu mình rất ít sữa nên cho con ăn chút sữa công thức phối hợp với bú mẹ. Khi nào mình nhiều sữa thì con không cần ăn sữa công thức.
- Đến 5 tháng mình cho con tập ăn dặm thêm bằng nước rau quả, củ, gạo ...
- 6 tháng: con mình bú mẹ + ăn dặm + có chút sữa bột cho vào bữa súp ngọt buổi sáng.
- 7 tháng trở đi là : bú mẹ + ăn dặm + mỗi ngày một cốc sữa đậu nành nhà tự làm + 1 hộp pho mai hoặc sữa chua nhỏ + hoa quả rất nhiều.
- Con 1 tuổi trở đi: bú mẹ + thức ăn + 1 cốc sữa tươi + 1 cốc sữa đậu nành + rất nhiều rau quả ...
Từ đó trở đi, nhà mình luôn phối hợp giữa sữa hạt và sữa bò/ dê.
Khi lớn lên con mình tự động không thích uống sữa bò nữa thì mình cũng thôi.
Theo Facebook của bác sĩ Nguyễn Thu Hằng