Đó là điểm nhấn quan trọng trong thông tư ban hành Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia sữa dạng lỏng QCVN 5:1-2017/BYT vừa được Bộ Y tế ban hành (thay thế QCVN 5:1-2010/BYT).
Việc gọi đúng tên của các loại sữa trên bao bì đã gây tranh cãi trong một thời gian dài giữa các cơ quan chức năng, với sự góp mặt của các “ông lớn” trong ngành sữa.
Đáng chú ý nhất là cách gọi “”sữa tiệt trùng” ghi tên bao bì như hiện nay đang gây nhầm lẫn. Cơ quan chức năng, các hãng sữa đều hiểu rõ điều đó, chỉ duy nhất… người tiêu dùng là không hiểu.
Theo tìm hiểu, sữa tươi nguyên liệu được sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu chế biến sữa dạng lỏng, số còn lại phải nhập khẩu sữa bột.
Do thiếu nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu sữa bột về để pha thành sữa nước, còn gọi là sữa hoàn nguyên. Loại sữa này rẻ hơn, sản xuất nhanh hơn và doanh nghiệp được lợi hơn.
“Sữa tiệt trùng” chỉ là biện pháp công nghệ nhưng một số công ty sữa đã sử dụng để đặt tên gọi cho sữa bột pha lại. Việc đặt tên gọi sản phẩm không đúng bản chất nguyên liệu đã khiến người tiêu dùng hiểu nhầm là sữa tươi.
Do đó, điểm quan trọng nhất trong QCVN 5:1-2017/BYT chính là việc quy định rõ các khái niệm sữa theo nguyên liệu sản xuất là từ sữa tươi hay sữa bột.
Theo đó, tên gọi sữa tươi nguyên chất thanh trùng/tiệt trùng là khái niệm để chỉ sản phẩm sữa chế biến hoàn toàn từ sữa tươi nguyên liệu, không bổ sung bất cứ thành phần nào;
Sữa tươi thanh trùng/tiệt trùng là khái niệm để chỉ sản phẩm sữa chế biến chủ yếu từ sữa tươi nguyên liệu, có thể bổ sung các thành phần khác nhưng không nhằm mục đích thay thế thành phần của sữa.
Tương lai gần vào tháng 3-2018, thị trường sữa sẽ có 6 tên gọi về sữa dạng lỏng, bao gồm: Sữa tươi nguyên chất, sữa tươi, sữa tươi tách béo, sữa hoàn nguyên, sữa pha lại và sữa hỗn hợp.
Khái niệm “sữa tiệt trùng” trong QCVN 5-1:2010/BYT sẽ được chia rõ thành 3 tên gọi sữa hoàn nguyên, sữa pha lại và sữa hỗn hợp.
Sữa hoàn nguyên: chế biến bằng cách bổ sung nước với một lượng cần thiết vào sữa tươi nguyên liệu được tách nước dạng khô hoặc dạng cô đặc để tái lập tỷ lệ nước và chất khô phù hợp của sữa
Sữa pha lại: Chế biến bằng cách trộn chất béo sữa và chất khô của sữa không béo, có bổ sung hoặc không bổ sung nước để thu được thành phần phù hợp của sữa.
Sản phẩm có thể bổ sung các thành phần khác nhưng không được bổ sung bất kỳ thành phần nào của sữa và đã qua xử lý nhiệt.
Sữa hỗn hợp: Có thành phần chính là sữa được chế biến từ sữa tươi nguyên liệu, các sản phẩm sữa hoặc các thành phần sữa có thể bổ sung các thành phần khác và đã qua xử lý nhiệt.
Cách phân loại rạch ròi nhóm sữa tươi và sữa bột pha lại được đánh giá là giúp người tiêu dùng hiểu được bản chất thực của từng loại sữa, tránh nhầm tưởng các loại sữa dạng lỏng đều là sữa tươi.
Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia sữa dạng lỏng QCVN 5:1-2017/BYT sẽ có hiệu lực từ 1/3/2018. Như vậy, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sữa sẽ có tới hơn nửa năm nữa để chuẩn bị cho việc chuyển đổi bao bì của mình.
Tuấn AnhBạn đang xem bài viết Trả lại tên cho sữa, yêu cầu ghi rõ “sữa hoàn nguyên” trên bao bì tại chuyên mục Cẩm nang của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].