Vắt sữa đúng cách không chỉ đảm bảo nguồn sữa cho trẻ mà còn góp phần làm tăng lượng sữa sản sinh cũng như chất lượng sữa. Dưới đây là hướng dẫn cách vắt sữa khoa học và hiệu quả theo hướng dẫn của bác sĩ Trần Vũ Quang – Khoa Phụ sản Bệnh lý, Bệnh viện Phụ sản Trung Ương.
Từ trước đến nay, sữa mẹ luôn được xem là nguồn thức ăn tốt nhất cho trẻ, nhất là trẻ dưới 1 tuổi, vì trong sữa mẹ có đủ năng lượng từ các chất dinh dưỡng cần thiết như đạm, đường, mỡ, vitamin và muối khoáng với tỉ lệ thích hợp cho sự hấp thu và phát triển cơ thể trẻ. Chính vì thế hầu như bà mẹ nào cũng cố gắng cho con dùng sữa mẹ lâu nhất có thể.
Tuy nhiên, bác sĩ Trần Vũ Quang – Khoa Phụ sản Bệnh lý, Bệnh viện Phụ sản Trung Ương cho biết, nhiều bà mẹ sau khi nghỉ sinh 4 tháng, 6 tháng hay thậm chí ít hơn đã phải quay trở lại với công việc, do đó họ không có điều kiện cho con bú. Để giải quyết khó khăn này, các mẹ thường lựa chọn phương pháp vắt sữa và lưu trữ trong tủ lạnh cho con dùng dần.
Phương pháp vắt sữa để tích trữ không còn xa lạ với nhiều bà mẹ Việt, đặc biệt, nó là “cứu cánh” rất nhiều cho các bà mẹ phải đi làm sớm. Tuy nhiên, nhiều mẹ vẫn chưa biết cách vắt sữa như thế nào cho đúng.
Theo bác sĩ Trần Vũ Quang, trước khi tiến hành vắt sữa, các mẹ nhớ chuẩn bị đầy đủ dụng cụ cần thiết như sau: Nếu mẹ lựa chọn phương pháp vắt sữa bằng máy thì nhất thiết cần phải có một chiếc máy vắt sữa đảm bảo chất lượng hoặc bình, túi, lọ đã được tiệt trùng để đựng sữa mẹ sau khi hút ra.
Với việc vắt sữa bằng tay, người mẹ cần rửa tay sạch sẽ và dùng khăn mềm, sạch lau qua bầu vú, sau đó nên ngồi hoặc đứng một cách thoải mái và giữ cốc hoặc bình sữa ở gần vú. Đầu tiên mẹ hãy mát-xa nhẹ nhàng cả hai bên đầu vú hoặc đặt một chiếc khăn ấm lên để tạo cảm giác dễ chịu giúp sữa về dễ dàng hơn.
Trong khi vắt sữa, mẹ hãy từ từ nâng bầu vú bằng một tay, mát-xa từ trên bầu vú xuống núm vú, sau đó xoa xung quanh kể cả phía dưới bầu vú. Tiếp đó, mẹ ấn nhẹ vào vùng quầng vú bằng ngón cái và ngón trỏ rồi dùng 2 ngón tay bóp vào nhau và ấn ngược lại để sữa chảy ra.
Sữa có thể chảy thành dòng nếu có sự giải phóng oxytocin. Nên vắt mỗi bên tối thiểu từ 3-5 phút cho tới khi thấy sữa chảy chậm lại thì chuyển sang bên kia, sau đó vắt lại cả hai bên. Sau khi mẹ vắt sữa xong hãy cho bé bú tiếp để bé nhận được sữa cuối mà mẹ không thể vắt ra được. Sữa cuối là sữa có màu trắng đục chứa nhiều chất béo sẽ giúp bé nhanh tăng cân.
Lưu ý, các mẹ tránh chà xát hoặc trượt ngón tay trên da. Các ngón tay vắt bằng cách lăn trên da, tránh ấn vào núm vú, ấn hoặc kéo núm vú không thể vắt được sữa.
Với cách hút sữa bằng máy, các mẹ nên vệ sinh sạch sẽ 2 bầu vú và núm vú. Sau đó, lau phễu để làm ẩm phễu giúp phễu chụp kín khít với ngực hơn. Khởi động máy, áp phễu vào ngực. Đầu tiên để máy ở nấc nhỏ đến khi sữa về thì tăng dần từ từ đến mức mạnh nhất mà đầu ti có thể chịu đựng được.
Nên hút đều đặn 3 giờ/ lần. Có người sữa về chậm hoặc người mẹ hôm đó mệt thì 4-5 phút sữa mới về. Người mẹ nên massage đầu ti (bằng cách vê nhẹ đầu ti) đến khi sữa bắt đầu về thì việc hút sữa sẽ nhanh hơn và hiệu quả hơn.
Nếu dùng máy đơn và không có chức năng kích thích thì hút mỗi bên 3-5 phút cho đến khi hết sữa. Tay kia vân vê đầu ti bên kia trong quá trình hút mục đích để kích thích sữa về nhanh hơn. Sau khi một bên đã hết một đợt sữa, chuyển bên và thao tác như trên. Đổi qua đổi lại như vậy 3 lần để nhận được đủ sữa đầu và sữa cuối của cả 2 bầu vú.
Ước chừng mỗi cữ hút khoảng 30-40 phút với máy đơn. Nếu dùng máy đôi có chức năng kích thích tiết sữa thì cứ khi nào bạn thấy sữa ngừng ra thì tắt máy khởi động lại hoặc nhấn vào nút hình giọt sữa để quay lại chức năng tự động kích thích ban đầu. Lớp sữa lần hút thứ 2 đặc, màu vàng hoặc trắng đục chứa nhiều chất béo giúp bé tăng cân.
Trong khi hút sữa, bà mẹ có thể ngồi với tư thế thoải mái nhất và có thể làm một số việc như nghe nhạc, xem phim… tạo cảm giác thoải mái cũng là cách kích thích sữa ra nhiều hơn.