Mẹ bị viêm gan B có cho con bú sữa được không?

Nhiều sản phụ băn khoăn khi bị viêm gan B có cho con bú được không hoặc trong thời kỳ cho con bú nếu chẳng may bị ốm có nên cho con bú tiếp?

Con bú mẹ trong những trường hợp mẹ bị bệnh thông thường không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Ảnh minh họa

Con bú mẹ trong những trường hợp mẹ bị bệnh thông thường không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Ảnh minh họa

Trả lời về vấn đề này, bác sĩ Trần Vũ Quang, khoa Sản bệnh lý, Bệnh viện Phụ sản Trung Ương cho biết: “Sữa mẹ là sản phẩm hoàn hảo với nhiều chất dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ. Trong sữa còn có nhiều kháng thể giúp trẻ chống lại bệnh tật, vì vậy các mẹ không nên bỏ qua. Cho đến nay không có một bằng chứng nào cho thấy trẻ bú mẹ bị nhiễm viêm gan B cao hơn trẻ bú bình.

Tuy nhiên, thông thường các bác sĩ vẫn khuyên sản phụ bị viêm gan B không nên cho trẻ bú khi núm vú bị nứt nẻ và có những vết thương hở, vì có thể máu người mẹ vô tình gây nhiễm virus viêm gan B cho trẻ.

Ngoài ra, mẹ cũng không nên cho con bú trong trường hợp mẹ bị HIV. Với những trường hợp này, bác sĩ khuyến cáo không nên cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ”.

Còn đối với các trường hợp mẹ bị bệnh khác như cảm lạnh, cảm cúm, viêm dạ dày và viêm vú, bác sĩ Quang cho rằng, con bú mẹ trong những trường hợp bệnh thông thường này không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nhỏ.

Nguyên nhân là do, “về cơ chế, khi bạn ốm, cơ thể bạn sản sinh ra chất đề kháng để tiêu diệt các virus xác định và kháng thể có lợi đó cũng có trong sữa mẹ. Do đó, cho trẻ bú lúc này thì con bạn sẽ nhận thêm chất đề kháng từ sữa mẹ khi bú.

Hơn nữa, việc cho con bú khi mẹ ốm vừa không ảnh hưởng đến sức khỏe của con, vừa tốt cho sức khỏe của mẹ. Lúc này, người mẹ cũng nhận được lợi ích từ việc cho con bú. Đó là sự thư giãn toàn phần. Bởi, khi cho con bú, người mẹ sẽ nằm hoặc ngồi và được thư giãn tinh thần cũng như chân tay” – bác sĩ Quang lý giải.

Bác sĩ Trần Vũ Quang, khoa Sản bệnh lý, Bệnh viện Phụ sản Trung Ương

Bác sĩ Trần Vũ Quang, khoa Sản bệnh lý, Bệnh viện Phụ sản Trung Ương

Để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé, bác sĩ Trần Vũ Quang cũng khuyến cáo thêm, mẹ nên hạn chế cho con bú khi sử dụng các loại thuốc có thể tiết qua sữa. Khi phải dùng kháng sinh, nếu có thể được, nên tránh dùng các thuốc như cloramphenicol, tetraxiclin, metronidazon, sulfonamid... Đồng thời, mẹ cũng không nên dùng các thuốc lợi tiểu, thuốc tránh thai có oestrogen vì có thể làm giảm tiết sữa.

Thông thường, các loại thuốc khi vào cơ thể đều được chuyển hóa qua gan và thải trừ qua thận. Nếu người mẹ mắc bệnh suy gan hoặc suy thận thì thuốc sẽ có nồng độ rất cao ở trong máu và trong sữa mẹ. Vì vậy, cần chú ý đến những trường hợp này để phòng tránh gây ngộ độc khi cho trẻ bú sữa mẹ.

Thực tế lâm sàng cho thấy, nhiều loại thuốc khi người mẹ sử dụng có thể tiết qua sữa nhưng do có nồng độ thấp ở sữa mẹ nên chưa đủ khả năng gây ra các phản ứng có hại cho trẻ bú. Cách tốt nhất vẫn là tham vấn ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa về việc dùng thuốc nào, liều lượng, thời điểm dùng, cách dùng ra sao… để giúp cả mẹ và bé đều khỏe mạnh.

Linh Ly

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính