Mang thai là giai đoạn phụ nữ trải qua nhiều thay đổi của cơ thể, trong đó, có sự thay đổi về tóc. Tóc rụng, tóc dầu, tóc trở nên xoăn tít... Nhiều bà bầu băn khoăn làm tóc khi mang thai có gây nguy hiểm cho thai nhi không. Thực tế, bà bầu có được nhuộm tóc không?
Có nhiều tranh cãi về việc bà bầu có nên làm tóc, nhuộm tóc khi mang thai không.
Nhiều chị em chia sẻ rằng họ đã từng nhuộm tóc, ép tóc hoặc sử dụng hóa chất làm đẹp tóc trong thời gian mang thai nhưng thai nhi vẫn phát triển bình thường và họ cho rằng bà bầu có thể nhuộm tóc. Tuy nhiên, trong thành phần của các loại thuốc nhuộm, ép tóc thường chứa các chất hóa học độc hại không tốt cho sức khỏe như chất phenylenediamine, aminophenol…
Bên cạnh đó, trên thị trường cũng có các loại thuốc nhuộm tóc được quảng cáo có nguồn gốc tự nhiên, không gây hại tới bà bầu. Tuy nhiên, các loại thuốc nhuộm tóc có thành phần hóa chất khác nhau và khó xác định được loại hóa chất nào gây hại cho bà bầu, loại chất nào an toàn trong khi đó chỉ một lượng nhỏ hóa chất cũng có thể qua da và ảnh hưởng tới hệ thống cơ thể của bà bầu.
Nhuộm tóc vĩnh viễn chứa amoniac có mùi nặng. Các nhà khoa học cũng khuyến cáo không nên sử dụng thuốc nhuộm có chứa amoniac. Nếu hít quá nhiều chất này vào cơ thể còn có thể gây co thắt tử cung, dễ dẫn tới sảy thai, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi. Ngoài ra, thuốc nhuộm tóc còn có khả năng gây dị ứng đối với cơ thể người mẹ như gây phù mặt, ngứa ngáy, dị ứng, nổi mụn đỏ.
Theo các chuyên gia, bà bầu không nên sử dụng bất cứ phương pháp làm đẹp nào có dùng hóa chất bởi hóa chất có thể ảnh hưởng sức khỏe của bà bầu và thai nhi. Đặc biệt trong ba tháng đầu là thời điểm quan trọng để thai nhi hình thành và phát triển, bà bầu nhuộm tóc, làm tóc có thể gây sảy thai.
Ai cũng có nhu cầu làm đẹp, nhất là phụ nữ. Tuy nhiên, dù mái tóc làm bạn cảm thấy thiếu tự tin một chút thì những điều này không quan trọng bằng sự an toàn của thai nhi.
Bà bầu hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định làm tóc, nhuộm tóc. Nếu mẹ bầu nhuộm tóc, hãy đợi đến tam cá nguyệt thứ 2, khi em bé đã phát triển và ít bị tổn thương hơn.
Bà bầu nên chọn các loại sản phẩm được làm từ thảo dược sẽ có ít tác dụng phụ hơn các loại thuốc nhuộm từ hóa chất và lựa chọn sản phẩm của hãng có uy tín nhằm đảm bảo chất lượng và chứa thành phần được chấp nhận.
Bà bầu muốn nhuộm tóc hãy thử phản ứng với thuốc trước khi sử dụng bằng cách thoa lên vùng da ở mặt trong cánh tay gần cùi chỏ, theo dõi trong 48 tiếng. Nếu thuốc nhuộm tóc gây phản ứng bất thường (ngứa, nổi mẩn…) thì tuyệt đối không dùng.
Trong thời gian mang thai, lượng estrogen của bà bầu sẽ cao hơn, điều này khiến giai đoạn tăng trưởng của tóc kéo dài hơn và làm chậm lại giai đoạn rụng tóc. Do đó, một số bà bầu có mái tóc dày hơn trong khi một số khác lại có mái tóc trở nên thưa thớt và rụng từng nắm khi mang thai.
Trong thời gian mang thai, tuyến dầu của mẹ có thể tiết ra lượng dầu nhiều hơn hay ít đi để phù hợp với sự thay đổi nội tiết tố. Vì thế, nhiều bà bầu sẽ nhận thấy sự thay đổi của mái tóc trong thời gian mang thai của mình: tóc thẳng trở nên xoăn hay tóc khô biến thành tóc dầu