Đau đầu cảm cúm là những triệu chứng ai cũng có thể mắc phải. Tuy nhiên, nếu bà bầu mắc phải những vấn đề sức khỏe này, đặc biệt bà bầu 3 tháng đầu, thì vấn đề hết sức nghiêm trọng.
Cảm, cúm là những bệnh thường gặp ở nhiều mẹ bầu do sức đề kháng kém. Cả 2 bệnh này đều có thể có triệu chứng đau đầu, tuy nhiên chúng có một số triệu chứng riêng và mức độ ảnh hưởng khác nhau với thai nhi.
Dấu hiệu mắc bệnh cảm lạnh khi mang thai là đau họng kéo dài trong khoảng 1 – 2 ngày. Đi kèm là mẹ bầu sẽ thấy nước mũi chảy, mũi tắc, hắt xì hơi liên tục. Vào ngày thứ 4 hoặc 5, có thể xuất hiện những cơn ho và nước mũi bị đặc lại.
Triệu chứng sốt thường không xảy ra hoặc một số người chỉ bị sốt nhẹ.
Khi bị cảm, mẹ thường ít đau đầu, hoặc bà bầu đau đầu chỉ là hệ quả của tắc mũi, chảy nước mũi nhiều.
Bệnh này thường kéo dài trong khoảng 1 tuần. Bệnh dễ lây nhất qua đường hô hấp trong 3 ngày đầu. Sau một tuần mà bệnh chưa khỏi thì có khả năng mẹ đã bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh cảm. Khi đó, mẹ cần tìm đến bác sĩ để điều trị dứt điểm tình trạng này
Cảm lạnh thông thường hầu như không gây ảnh hưởng gì tới thai nhi nếu không có triệu chứng sốt hoặc ho nhiều.
Vì thế mẹ không cần quá lo lắng, mẹ chỉ cần uống nhiều nước lọc và tăng cường ăn các loại thực phẩm giàu vitamin C như: cam, chanh, bưởi, dâu tây,… để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Bên cạnh đó, mẹ hãy chú ý giữ ấm cơ thể, nghỉ ngơi điều độ, hàng ngày vệ sinh răng miệng bằng dung dịch nước muối.
Cúm là bệnh truyền nhiễm do virus Influenza gây ra. Đây được coi là một căn bệnh nguy hiểm trong thai kỳ, nhất là khi mẹ bầu bị cúm ở giai đoạn mang thai 3 tháng đầu.
Các triệu chứng của cúm thường khởi phát đột ngột với các dấu hiệu điển hình là sốt kéo dài hoặc sốt cao tới 39 – 40 độ C, kèm theo là rét run, đau nhức toàn thân, đau cơ, đau xương khớp, đau đầu, mệt mỏi, người ngả đi, da khô nóng, sổ mũi, đau rát họng, ho có đờm, miệng đắng, buồn nôn, táo bón,…
Thông thường các triệu chứng này sẽ giảm dần sau 5 – 7 ngày nhưng đối với một số chủng loại cúm có thể biến chứng vào phổi gây ra viêm phổi.
Không giống như cảm lạnh, virus cúm khi tấn công vào cơ thể mẹ bầu, chúng sẽ khiến sự trao đổi chất bị rối loạn và sản sinh ra các độc tố ảnh hưởng gián tiếp tới thai nhi.
Ngoài ra, virus cúm có thể truyền qua nhau thai, xâm nhập vào thai nhi, tác động xấu tới quá trình phát triển của tế bào thai, gây ra dị tật thai nhi như: dị tật tim bẩm sinh, sứt môi, não tụ huyết, dị dạng đầu nhỏ,…
Bên cạnh đó, triệu chứng sốt cao và ho nhiều của cúm cũng có thể kích thích tử cung của mẹ bầu, tạo ra các cơn co bóp tử cung, làm tăng nguy cơ dọa sảy, sảy thai, sinh non,…
Để hạn chế tác hại của cúm, mẹ bầu cần nghỉ ngơi đầy đủ và thường xuyên theo dõi thân nhiệt. Nếu sốt cao trên 39 độ hoặc sốt kéo dài 3 ngày thì cần đến ngay bệnh viên để khám và chữa trị kịp thời.
Trong thời gian nghỉ ngơi, mẹ tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc. Mẹ có thể giảm nhiệt bằng cách chườm mát và bổ sung nhiều vitamin C từ các loại trái cây như cam, chanh, bưởi, dâu tây,…
Ngoài ra, để chủ động phòng ngừa bệnh cúm, mẹ bầu nên chú ý tiêm chủng phòng cúm từ sớm. Đây là biện pháp an toàn và hiệu quả để bảo vệ bà bầu khỏi bệnh cúm.