Sau khi ăn món dế chiên giòn, bé trai 3 tuổi bị nổi mề đay toàn thân, đau bụng, khó thở, nôn liên tục do sốc phản vệ.
Ngày 5/8, BSCKI Nguyễn Cát Phương Vũ, BV Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) thông tin, BV mới tiếp nhận điều trị cho các bệnh nhi bị sốc phản vệ sau khi ăn dế.
Bệnh nhi là bé N.H.G.B. (3 tuổi, ở Bến Lức, Long An) bị sốc phản vệ độ 3 sau khi được bố cho ăn "dế chiên giòn".
Theo người nhà của bệnh nhân thuật lại, khoảng 4 giờ trước khi vào viện, sau ăn 7-8 con dế chiên, bé có hiện tượng nổi mề đay toàn thân, đau bụng nhiều và nôn ói liên tục, trẻ khó thở dần, nhà lập tức đưa con ngay đến BV Nhi Đồng Thành Phố.
Tại đây, sau khi các bác sĩ đánh giá mạch nhanh nhẹ, huyết áp tụt, trẻ lừ đừ, khó thở, xác định bị phản vệ độ III.
Nhận định đây là trường hợp người bệnh rất nặng, ngay lập tức bác sĩ cấp cứu tiến hành cấp cứu sốc phản vệ theo phác đồ. Bệnh nhi lập tức được thở Oxy, được tiêm và truyền Adrenalin, kháng viêm mạnh, sử dụng thuốc vận mạch, truyền dịch…
Đến nay, sau 3 ngày Hồi sức tích cực, bé đã thoát cơn nguy kịch, tỉnh táo, lặn dần sẩn ngứa, hết khó thở và tiếp tục được theo dõi tại khoa Nội Tổng Hợp.
BS CK1 Trương Phước Hữu, khoa Cấp Cứu, người trực tiếp cấp cứu cho bệnh nhi chia sẻ, với các trường hợp bị sốc phản vệ, nếu không được cấp cứu điều trị kịp thời, người bệnh sẽ có nguy cơ phù thanh quản, suy hô hấp và nguy cơ tử vong rất cao.
Ngộ độc côn trùng có thể do nhiều nguyên nhân. Do côn trùng chứa một số chất gây dị ứng, điển hình là dế nhộng nhiều người ăn món này dễ cảm thấy bị dị ứng nếu cơ địa không phù hợp với chất nào đó có trong nhộng.
Một nguyên nhân có thể xảy ra nữa là, có khả năng trên thân nhiều loại côn trùng có chứa rận, ve, các loại nấm độc,.. Vì vậy nếu sử dụng làm thức ăn mà chế biến không sạch sẽ dễ dẫn đến ngộ độc.
Do đó, bác sĩ khuyến cáo, người dân tuyệt đối không nên sử dụng các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ, đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên để chế biến thành thức ăn.
Phải sơ chế, chế biến một cách an toàn. Không nên ăn sống, tái, hoặc nấu chín nguyên con mà không qua sơ chế kỹ.
Chỉ lựa chọn những loại nhộng, ấu trùng, côn trùng thông thường, phổ biến, còn tươi sống để chế biến thành thức ăn. Những người hay bị dị ứng thì nên cẩn thận khi ăn hoặc tránh xa.
Trong trường hợp sau khi ăn mà có các biểu hiện, triệu chứng khác thường như choáng váng, mệt mỏi, buồn nôn, mẩn ngứa, đau bụng, rối loạn tiêu hóa… hay một số dấu hiệu của việc phản vệ hay sốc phản vệ như khó thở, run lạnh tay chân, co giật, sẩn ngứa tiến triển,… nặng hơn có thể nhanh chóng dẫn đến hôn mê, co giật… cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.