Từ lâu an cung ngưu hoàng hoàn được nhiều người đồn thổi tác dụng như là một 'thần dược' để phòng và chữa đột quỵ. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết, viên an cung không có tác dụng như mọi người lầm tưởng.
Hiện có nhiều gia đình mua an cung ngưu hoàng hoàn về dự trữ để dùng cho cha, mẹ già với niềm tin viên “thần dược” này có thể giúp phòng ngừa và chữa đột quỵ.
Trên thị trường hiện có bán nhiều loại an cung ngưu hoàng hoàn, với mỗi loại lại có thành phần dược liệu khác nhau.
Một số sản phẩm an cung ngưu hoàng hoàn được cơ quan chức năng cấp phép dưới dạng thực phẩm chức năng hoặc thuốc.
Và nếu phân theo xuất xứ thì an cung ngưu hoàng hoàn đang được bán với 4 loại phổ biến gồm: An cung ngưu hoàng hoàn Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và an cung do các công ty dược của Việt Nam sản xuất.
Có 2 loại được nhiều người ưa chuộng là an cung ngưu hoàng hoàn Trung Quốc và an cung ngưu hoàng hoàn Hàn Quốc. Giá thành của 2 loại an cung này được rao bán cũng khá đắt đỏ, với nhiều mức giá khác nhau, khoảng từ 1 triệu đồng đến vài triệu đồng/hộp.
Giá của các loại an cung khá đắt, nhưng tác dụng của những viên được cho là “thần dược” này lại không thần kỳ như những lời đồn thổi.
Mới đây, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu Nghị đã tiến hành cấp cứu cho 1 cụ ông 70 tuổi ở Hà Nội, được người nhà đưa vào viện trong tình trạng hôn mê sau khi uống viên an cung ngưu hoàng hoàn phòng đột quỵ.
Người nhà bệnh nhân kể lại, trước đó khoảng 1 tuần, cụ ông bị ngã và xuất hiện tình trạng đau đầu chóng mặt.
Lo ngại ông bị đột quỵ não nên gia đình đã cho ông uống 4 liều an cung ngưu hoàng hoàn để dự phòng đột quỵ.
Nhưng sau khi uống 4 liều an cung, cụ ông bắt đầu có biểu hiện bất thường, hôn mê và được người thân đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Tại bệnh viện, kết quả chụp cắt lớp CT cho thấy cụ ông bị xuất huyết não có cục máu tụ dưới màng cứng. Các bác sĩ đã tiến hành xử lý lấy máu tụ. Sau can thiệp, sức khoẻ của bệnh nhân đã ổn định hơn.
Theo bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Hữu Nghị, an cung ngưu hoàng hoàn không phải thuốc dự phòng đột quỵ. Nhưng do nghe quảng cáo bùi tai nên nhiều người cao tuổi, người bệnh tăng huyết áp mua dự trữ an cung ngưu hoàng hoàn trong nhà để dự phòng đột quỵ.
Bác sĩ Khiêm khuyến cáo, không nên dùng tùy tiện an cung ngưu hoàng hoàn cho bệnh nhân đột quỵ, nhất là bệnh nhân đột quỵ do chảy máu. Bởi an cung có tác dụng chống đông nên sẽ làm gia tăng chảy máu, rất nguy hiểm cho người bệnh.
Các chuyên gia tim mạch cũng chia sẻ, đột quỵ não hay tai biến mạch máu não có 2 thể là tắc mạch não và xuất huyết não. Trong đó, thể tắc mạch não chiếm khoảng 68,6%, xuất huyết não chiếm khoảng 31,4%.
Mà theo nghiên cứu của các chuyên gia tim mạch, trong một số viên an cung có thành phần của thuốc chống đông máu. Có thể đối với thể tắc mạch máu não chất chống đông máu này có tác dụng phá vỡ cục máu đông.
Trong khi đó, phần lớn các trường hợp tai biến mạch máu não là ở thể tắc mạch máu (68,6%). Vậy nên, rất có thể những người sử dụng an cung được người nhà của họ cho là có hiệu quả thuộc vào trường hợp tắc mạch máu. Nhưng, với những người bị tai biến ở thể xuất huyết não thì chất chống đông máu trong viên an cung sẽ làm tình trạng của họ nặng nề hơn.
Nhưng điều quan trọng là 2 thể tắc mạch não và xuất huyết não chỉ có thể phân biệt được qua phim chụp cắt lớp, rất khó để chẩn đoán chính xác.
Chính vì vậy, khi chưa biết người thân bị tai biến mạch máu não ở thể nào mà lại tự ý cho uống viên an cung sẽ làm cho bệnh tình nguy hiểm hơn, đặc biệt là ở người bị tai biến ở thể xuất huyết não.
Vậy nên, để an toàn và đạt hiệu quả trong quá trình điều trị tai biến mạch máu não, tốt nhất hãy đưa người thân đến các cơ sở y tế gần nhất khi thấy có các dấu hiệu của tai biến mạch máu não.
Người bệnh được đưa đến cơ sở y tế trong vòng 6 – 12 giờ đầu sau khi bị tai biến mạch máu não thì việc điều trị bằng thuốc và các phương pháp điều trị khác được áp dụng kết hợp sẽ đem lại hiệu quả cao.
An cung ngưu hoàng là phương thuốc do danh y Ngô Đường (tự Cúc Thông) nổi tiếng thời nhà Thanh (Trung Quốc) sáng chế và ghi trong cuốn sách “Ôn bệnh điều biện” của ông.
Ông cũng là một danh y và học giả tiêu biểu của trường phái ôn bệnh (những bệnh có tính chất nhiệt như: Nóng, khát, miệng khô, mồ hôi ra nhiều, họng háo, tâm phiền, đại tiện táo, xuất huyết, điên cuồng, mê sảng, co giật, mạch sác...).
Nhưng theo truyền thuyết tại Trung Quốc, người đầu tiên phát hiện ra công dụng của thành phần chính làm nên viên an cung ngưu hoàng lại là thầy thuốc trứ danh thời Chiến quốc có tên Biển Thước.
Truyền thuyết kể rằng, trong một lần chữa bệnh cho người hàng xóm có tên Cố Dương Văn, người nhà của vị danh y Biển Thước đã nhầm lẫn giữa viên sỏi mật của con bò cái mới giết với viên Thanh Mông thạch (một dạng khoáng chất do quá trình axít hoá) nên dùng viên sỏi mật để nghiền thành bột chữa bệnh cho bệnh nhân Cố Dương Văn.
Từ đó, ông mới phát hiện ra tác dụng tuyệt vời của viên sỏi mật này khi nó giúp bệnh nhân Dương Văn hết co giật và cử động được chân tay bị liệt.
Từ trường hợp này, danh y Biển Thước kết luận: “Do ngưu hoàng được ngâm trong túi mật của con bò trong một thời gian dài, vì vậy tính hàn của nó có thể thấu tới tim và gan của người bệnh. Nó có thể lọc tim, thông các mạch, điều hòa gan và chữa liệt”.
Từ đó, An cung ngưu hoàng được bào chế như là một trong những phương thuốc quan trọng điều trị ôn bệnh với thành phần bao gồm: ngưu hoàng, uất kim, sừng tê giác, hoàng cầm, hoàng liên, hùng hoàng, sơn chi, chu sa, mai phiến, xạ hương, trân châu...
An cung ngưu hoàng trong y văn Trung Quốc được nhấn mạnh là một loại thuốc, không phải thuốc bổ. Tuy là thuốc tốt nhưng chỉ phù hợp với những chứng bệnh nhất định, không có tác dụng dự phòng hay để cấp cứu. Người dùng cần có hướng dẫn của bác sĩ thay vì bỏ tiền ra mua để dự trữ trong nhà và tự ý sử dụng.