Khi trẻ bị sốt cao, nôn, tiêu chảy… thì việc bù nước và điện giải là rất cần thiết. Tuy nhiên, nếu bù nước và điện giải không đúng cách sẽ gây ra tác dụng không mong muốn. Vậy cần lưu ý điều gì khi bù nước và điện giải cho trẻ?
Oresol là dung dịch bù nước và điện giải rất phổ biến bằng đường uống với thành phần chính là đường, muối. Nếu pha đúng tỉ lệ mang lại hiệu quả bù nước và điện giải cao.
Oresol thường được cha mẹ sử dụng cho con khi trẻ bị sốt cao, tiêu chảy, nôn ói, mất nước… Tuy nhiên việc bù nước không đúng cách sẽ gây tác dụng không mong muốn, thậm chí là hậu quả nghiêm trọng cho trẻ.
Do đó, khi sử dụng oresol để bù nước và điện giải cho trẻ em cần phải tìm hiểu kỹ và sử dụng đúng cách để đạt được hiệu quả sử dụng cao nhất, thuốc phát huy được tác dụng tốt nhất. Hoặc có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi uống.
Theo hướng dẫn của bác sĩ BV Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, có 6 điều cha mẹ cần lưu ý khi sử dụng oresol bù nước và điện giải cho con như sau:
Trên thị trường hiện có hai loại oresol: Loại gói nhỏ được chỉ định pha với 200ml nước; Loại gói to pha đủ với 1 lít nước sôi để nguội. Nhưng vẫn có nhiều phụ huynh pha oresol không đúng cách gây nguy hiểm cho trẻ.
Do có trẻ không thích uống oresol, sợ con uống ít không đủ bù nước, cha mẹ liền pha cả gói với vài thìa nước. Điều này vô tình gây nguy hiểm cho trẻ.
Khi uống oresol với nồng độ quá đặc, có thể bổ sung ít nước nhưng lại làm hàm lượng muối trong máu tăng lên khiến áp lực thẩm thấu trong máu cao hơn bình thường dẫn đến tình trạng trẻ bị co giật, sốt cao, vật vã, kích thích, hôn mê hoặc tổn thương não. Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể đe dọa tính mạng trẻ.
Ngược lại, pha loãng lại không có tác dụng bù nước, giá trị cung cấp điện giải sẽ kém đi. Vì vậy, sử dụng oresol cần đặc biệt lưu ý pha đúng tỷ lệ nước và thuốc theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.
Trẻ em sử dụng oresol chỉ khi cơ thể mất nước và điện giải. Sản phẩm oresol là thuốc, mà thuốc luôn là con dao hai lưỡi. Vì thế, khi cơ thể trẻ không bị rối loạn nước và điện giải thì tránh sử dụng oresol.
Pha thêm đường vào oresol là sai lầm nghiêm trọng mà nhiều người mắc phải. Một số bé từ chối uống thuốc do dung dịch oresol khó uống, mùi vị khó chịu. Cha mẹ pha đường, nước ép, hay sữa vào oresol nhằm mục đích tạo vị ngọt, dễ uống cho trẻ.
Tuy nhiên, việc pha đường hay các chất khác vào oresol sẽ làm mất cân bằng tỷ lệ các chất điện giải của thuốc, gia tăng tác dụng không mong muốn khi sử dụng.
Cha mẹ không nên ép trẻ uống oresol nếu trẻ không muốn, đặc biệt là khi trẻ đang bị nôn.
Vì khi trẻ bị nôn, sử dụng oresol với mùi vị khó uống có thể làm tình trạng nôn của trẻ thêm nghiêm trọng. Khi đó, oresol không được đưa vào cơ thể mà lại bị đẩy ra ngoài. Thậm chí, trẻ có thể bị sặc khi bị ép uống thuốc.
Oresol không nên sử dụng quá 24 giờ sau khi pha. Bởi vì sau 24 giờ, thuốc có thể bị nhiễm vi khuẩn và vi sinh vật, nếu sử dụng có thể gây hại cho trẻ nhỏ.
Ngoài ra, thuốc sau khi pha, hòa tan tiếp xúc với nước, ánh sáng, cũng có thể bị biến đổi về mặt hóa học. Điều này có nghĩa là thuốc đã bị hỏng, không còn sử dụng được nữa.
Như vậy, khi trẻ bị sốt, tùy vào tình trạng mất nước mà cha mẹ nên cân nhắc sử dụng hay không sử dụng oresol cho trẻ.
Lượng dung dịch bù nước và điện giải cho trẻ được tính như sau:
- Trẻ dưới 2 tuổi: Cho trẻ uống 50 - 100ml oresol sau mỗi lần đi ngoài, ngày uống từ 2 - 3 lần.
- Trẻ 2 - 10 tuổi: Cho trẻ uống 100 - 200ml oresol sau mỗi lần đi ngoài, ngày uống từ 2 - 3 lần.
- Trẻ trên 10 tuổi: Cho trẻ uống oresol đến hết khát sau mỗi lần đi ngoài, uống theo nhu cầu, uống từng ngụm nhỏ.
Hoặc người lớn có thể áp dụng cách tính sau để biết được lượng uống Oresol phù hợp cho từng trẻ:
Số lượng Oresol (ml) uống trong 4h = cân nặng của trẻ (kg) x 75ml
Ngoài ra, khi cho trẻ uống oresol bù nước và điện giải cha mẹ cần chú ý:
- Đối với trẻ em dưới 2 tuổi, khi dùng thuốc oresol phải cho uống bằng thìa nhỏ, uống từ từ. Với trẻ lớn có thể uống từng ngụm.
- Nếu đang uống thuốc, trẻ bị nôn thì nên dừng khoảng 10 phút rồi sau đó cho trẻ uống chậm lại.
- Ngừng việc dùng thuốc oresol ngay lập tức nếu mi mắt trẻ sưng nề hoặc nôn nhiều không uống được.
- Nếu trẻ không đỡ sau 3 ngày dùng thuốc, hoặc có các dấu hiệu khác xuất hiện như đi ngoài nhiều hơn, nôn nhiều, trong phân có máu hoặc ăn uống kém đi thì cần phải đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám.