Nguyên nhân dẫn đến trẻ bị sốt
Trẻ sốt khi nhiệt độ ở nách trên 37.5 độ C. Để nhận biết trẻ sốt có thể sờ vùng nách hoặc bụng trẻ. Tuy nhiên, muốn biết chính xác trẻ sốt hay không phải đo nhiệt độ trẻ bằng nhiệt kế.
Có 3 loại nhiệt kế thông thường: thủy ngân, kỹ thuật số hay điện tử, màn hình tinh thể lỏng hoặc nhiệt kế trán. Ở trẻ em có thể lấy nhiệt độ ở tai, nách, hoặc hậu môn.
Sốt là triệu chứng của bệnh nhiễm khuẩn hay nhiễm siêu vi. Có thể sốt nhẹ như viêm hô hấp trên đến nặng như viêm phổi, viêm màng não, viêm não…
Mặc dù sốt là triệu chứng thường gặp ở trẻ nhưng nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời, sốt cao có thể dẫn đến co giật kèm theo nhiều biến chứng nặng nề cho trẻ.
Chăm sóc trẻ bị sốt thế nào?
Theo chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Thị Sơn - Phó Trưởng Khoa Nhi, BV Bãi Cháy, cần chú ý những điều sau:
- Thông thường với những trẻ sốt dưới 38,5 độ C, nếu không có bệnh lý gì đặc biệt thì cha mẹ ta chỉ sử dụng các biện pháp hạ sốt thông thường như mặc quần áo thoáng mát, nằm phòng đủ ấm hoặc chườm ấm cho trẻ.
- Trong trường hợp trẻ bị sốt trên 38,5 độ C, cha mẹ có thể sử dụng một số loại thuốc hạ sốt hay sử dụng như paracetamol, liều lượng thì tính theo cân nặng của đứa trẻ, thông thường là 10 - 15mg/kg cân nặng và cứ khoảng 4 tiếng có thể lặp lại liều ấy 1 lần.
- Bên cạnh việc dùng thuốc hạ sốt, cha mẹ có thể lau mát bằng nước ấm (nước thường pha âm ấm để tắm em bé) khi trẻ sốt cao trên 40 độ C gây khó chịu trong khi chờ tác dụng của thuốc hạ sốt hoặc trẻ đang co giật.
- Lau mát hạ sốt thường áp dụng cho trẻ từ 6 tháng – 5 tuổi, không áp dụng cho trẻ sơ sinh vì dễ gây mất nhiệt, hạ thân nhiệt.
- Nước ấm giúp mạch máu dưới da dãn nỡ tốt giúp thải nhiệt. Tránh dùng nước lạnh hay nước đá sẽ làm các mạch máu co lại không tỏa nhiệt được.
- Thường dùng 4 khăn nhúng nước ấm, vắt hơi ướt, đắp 2 bên nách, 2 bên bẹn, một khăn khác đắp lau khắp người trẻ. Kiểm tra nhiệt độ trẻ mỗi 15 – 30 phút, ngưng lau mát khi nhiệt độ dưới 38 độ C.
Những điều không nên làm khi trẻ bị sốt
- Khi trẻ sốt thì cảm giác cũng giống như người lớn với các trạng thái như: rét run, nổi gân tím, nổi da gà…, do đó không nên bọc chăn hay ủ ấm quá kỹ dẫn đến tình trạng trẻ không thể thoát nhiệt ra ngoài càng làm cho cơn sốt tăng cao hơn.
- Trong quá trình uống thuốc hạ sốt cha mẹ không nên cho trẻ uống nước lạnh, nên sử dụng nước ấm cho trẻ với nhiệt độ lý tưởng là thấp hơn nhiệt độ cơ thể 2 độ C;
- Không chườm nước lạnh, cũng không dùng nước quá nóng để chườm. Vì dùng nước lạnh gây co mạch ngoại vi, làm cơ thể không thải được nhiệt. Còn nước quá nóng cơ thể không trao đổi được nhiệt với nước chườm. Nên dùng nước ấm và thường xuyên trườm nách, bẹn, toàn thân và lật dở liên tục để trẻ thoát nhiệt ra ngoài giúp hạ sốt nhanh hơn.
- Không nên cố ép trẻ ăn vì có thể gây nôn khiến trẻ mất nước thêm. Trong chế độ ăn nên sử dụng thức ăn trẻ ưa thích, có thể nấu loãng hơn, dễ tiêu, chia nhiều bữa nhỏ nhưng chú trọng bù đủ nước. Có thể bổ sung điện giải cho trẻ với dung dịch phổ biến là orezol, ngoài ra có thể bổ sung thêm nước hoa quả.
Cách xử trí khi trẻ sốt cao co giật
Co giật khi sốt thường xảy ra ở trẻ nhỏ (từ 6 tháng đến 5 tuổi) do ở độ tuổi này não của trẻ chưa phát triển đầy đủ và rất nhạy cảm với các rối loạn nhiệt độ.
Sốt cao có thể kích thích não của trẻ và gây khởi phát một cơn co giật. Tuy nhiên không phải tất cả các trẻ đều bị co giật khi bị sốt cao.
Bác sĩ Sơn chia sẻ, nguyên nhân trẻ co giật khi sốt có thể là do não của một số trẻ nhạy cảm với co giật hơn các trẻ khác, khuynh hướng này thường có tính chất gia đình. Khi được 5 - 6 tuổi thì não đã trưởng thành và trẻ sẽ giảm nguy cơ bị co giật khi sốt.
Sốt cao co giật nếu không phát hiện kịp thời hoặc tái diễn nhiều lần có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ như tổn thương não bộ, động kinh, liệt nửa người, thậm chí ngừng thở...
Do vậy, cha mẹ cần nắm rõ cách hạ sốt, sơ cứu khi trẻ bị co giật cũng như chăm sóc trẻ sau cơn co giật để giúp trẻ sớm hồi phục và phòng ngừa mọi rủi ro có thể xảy ra.
Khi cơn co giật do sốt xảy ra mẹ cần:
- Nhanh chóng đặt con ở tư thế thoáng mát.
- Không đưa bất kì vật gì vào miệng trẻ hoặc cho uống bất kì thuốc gì.
- Cần để trẻ nằm ở tư thế thoải mái, nghiêng một bên, không bế ngửa hay ghì chặt trẻ và dùng thuốc hạ sốt cho trẻ bằng cách nhét thuốc dạng viên đạn vào hậu môn trẻ (nếu có sẵn) với liều tương đương liều uống.
- Thường những cơn co giật do sốt lành tính chỉ kéo dài trong 20 giây và dưới 2 phút đứa trẻ sẽ trở lại không còn hiện tượng co giật nữa tuy nhiên vẫn phải đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra.
- Nếu xảy ra những cơn co giật phức hợp, là những cơn co giật kéo dài trên 2 phút đưa trẻ ngay đến bệnh viện để các bác sĩ có thể xử lý kịp thời.
Khi nào cần đưa trẻ đi viện?
Cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện gặp bác sĩ trong các trường hợp sau:
- Sốt kèm các biểu hiện bất thường khác: Thay đổi ý thức của trẻ (kích thích, li bì, ngủ gà), co giật, yếu liệt, khó thở;
- Sốt cao trên 40 độ C;
- Sốt cao liên tục, sốt không đáp ứng với thuốc hạ sốt;
- Sốt kéo dài từ 3 ngày;
- Trẻ mệt mỏi không ăn uống được.
Lưu ý:
- Với trẻ có tiền sử sốt cao co giật do sốt trước đó, dùng hạ sốt khi trẻ sốt từ 38 độ C.
- Không được tự ý dùng thuốc dự phòng co giật khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Không tăng liều hạ sốt, không dùng hạ sốt liên tục khi chưa đến thời gian dùng sẽ gây ngộ độc cho trẻ.
An AnBạn đang xem bài viết 4 điều cha mẹ không nên làm khi trẻ bị sốt kẻo gây hại cho con tại chuyên mục Tư vấn chuyên gia của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].