Nổi tiếng với tranh Tết in mộc bản Dương Gia Phụ, xưởng in ở Tây Dương Gia Phụ, thành phố Duy Phường, tỉnh Sơn Đông này luôn đông đúc khách hàng muốn mua những bản in sống động nổi tiếng nơi đây, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán đang đến gần.
Dương Nãi Đông, 62 tuổi, người kế thừa nghệ thuật in tranh Tết mộc bản truyền thống, đang bận rộn trong cửa hàng.
Ông cẩn thận đặt mộc bản vào đúng vị trí, dùng búa nhỏ gõ nhẹ, sau đó nhúng màu rồi in lên giấy. Thế là một bức tranh Tết “Ông Táo” màu sắc rực rỡ đã hiện ra trên giấy.
“Hầu như ngày nào tôi cũng làm việc ngoài giờ nhưng cầu vẫn cứ vượt xa cung”, Dương Nãi Đông cho biết gần đến năm mới là mùa cao điểm bán tranh Tết.
Tranh in mộc bản của Dương Gia Phụ có lịch sử hơn 600 năm, có niên đại từ thời nhà Minh (1368-1644), phát triển mạnh mẽ vào thời nhà Thanh (1644-1911) và được thêm vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Trung Quốc vào năm 2006.
Từ các vị thần cho đến các hoạt cảnh dân gian, tranh mộc bản Dương Gia Phụ mang nhiều chủ đề khác nhau, phản ánh cảm xúc chân thành của con người và hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tranh “Ông Táo” là một trong những tác phẩm tranh Tết tiêu biểu của dòng tranh in mộc bản Dương Gia Phụ, mang ý nghĩa lại phước lành, thịnh vượng và may mắn.
Để tạo ra một bức tranh in mộc bản bao gồm hơn 50 bước, tất cả đều được thực hiện thủ công. Từ việc khắc mộc bản đến in màu, mỗi tác phẩm đều đòi hỏi tay nghề lâu năm.
Ông Dương bắt đầu học nghề thủ công này từ năm 10 tuổi và đã thành thạo nghệ thuật chạm khắc các thiết kế phức tạp bằng các công cụ truyền thống.
“Khắc mộc bản là bước quan trọng nhất. Các đường nét phải chính xác và các hình vẽ phải sống động”, ông giải thích.
Là người thừa kế thế hệ thứ 13 của xưởng thủ công có tuổi đời hàng thế kỷ này, ông Dương tự hào sở hữu hơn 800 bộ mộc bản, tổng cộng hơn 3.500 tác phẩm, một số có tuổi đời gần một thế kỷ.
“Những báu vật này, được truyền qua nhiều thế hệ, chúng là di sản quý giá nhất của gia đình chúng tôi”, ông tự hào nói.
Hiện nay, ngoài việc làm những bức tranh Tết sử dụng các hình ảnh may mắn truyền thống như Thần Giữ Cửa, Thần Tài, Đồng Tử,... ông Dương còn liên tiếp cho ra đời những tác phẩm mới dựa trên 12 cung hoàng đạo và 24 tiết khí.
Nhờ được truyền cảm hứng từ gia đình, con trai của Dương Nãi Đông - anh Dương Khoa Uy, cũng tiếp nối truyền thống này.
Được cha và ông nội đào tạo từ nhỏ, hiện anh không chỉ có thể đảm nhận công việc của gia đình mà còn quảng bá trực tuyến để mở rộng tệp khách hàng và quảng bá di sản văn hoá truyền thống.
“Chúng tôi bán được hàng nghìn bản in mỗi tháng, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán. Chất lượng và ý nghĩa văn hóa của các bản in của chúng tôi giúp chúng trở nên khác biệt so với các phiên bản sản xuất hàng loạt”, ông Dương Tĩnh - giám đốc Công ty TNHH Truyền thông Văn hóa Truyền thống Hoà Hưng Vĩnh Duy Phường, đơn vị sở hữu Xưởng in Hoà Hưng Vĩnh cho biết.
Để thu hút những người trẻ tuổi, tranh Dương Gia Phụ hiện cũng được in trên các sản phẩm như ốp điện thoại, quạt và cốc. Sự kết hợp giữa phong cách truyền thống và hiện đại này đã giúp đưa nghệ thuật đến gần hơn với thế hệ trẻ.
Thành phố Duy Phường đã thành lập Vườn Nghệ thuật Dân gian Dương Gia Phụ và tổ chức các chương trình dạy trẻ em về tranh in. Ông Dương Nãi Đông cũng thường xuyên đến thăm các trường học để truyền đạt các kỹ năng và câu chuyện đằng sau nghề thủ công này.
Tranh Tết in mộc bản Dương Gia Phụ đã được xuất khẩu sang các nước như Mỹ, Nhật, Hàn và Singapore, với 30% doanh số bán ra thuộc khoảng thời gian Tết Nguyên đán.
Làng Tây Dương Gia Phụ và khu vực xung quanh là nơi có hơn 50 doanh nghiệp tập trung vào các nghệ thuật làm diều, tranh in và đồ chơi vải. Năm 2023, họ đã sản xuất 2,2 triệu con diều, 26 triệu tranh Tết và hơn 200 nghìn món đồ chơi vải, tạo ra thu nhập 150 triệu nhân dân tệ (hơn 519 tỷ đồng) cho dân làng.
Ánh DươngBạn đang xem bài viết Tranh mộc bản truyền thống Trung Quốc được yêu thích dịp Tết Nguyên đán tại chuyên mục Đáng chú ý của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].