6 cách chữa cảm lạnh ra nhiều mồ hôi hiệu quả tại nhà

Bệnh cảm lạnh thường gặp khi trở trời không phải là căn bệnh nguy hiểm nhưng lại gây nhiều ảnh hưởng tới chất lượng công việc, cuộc sống với những triệu chứng như ra nhiều mồ hôi, sổ mũi, ho,... Hãy cùng tìm hiểu cách chữa cảm lạnh ra nhiều mồ hôi qua bài viết dưới đây nhé.

1 Tại sao cảm lạnh ra nhiều mồ hôi?

Đổ mồ hôi khi bị cảm lạnh là hiện tượng sinh lý bình thường, liên quan đến phản ứng của hệ miễn dịch. Khi virus xâm nhập, hệ miễn dịch sẽ tăng nhiệt độ cơ thể để ức chế virus phát triển.

Nhưng để tránh quá nhiệt, cơ thể sẽ kích hoạt cơ chế đổ mồ hôi để làm mát và điều hòa nhiệt độ. Vì vậy, đổ mồ hôi khi cảm lạnh là dấu hiệu hệ miễn dịch đang hoạt động.

Cơ thể ra mồ hôi để làm mát và điều chỉnh nhiệt độ từ bên trong

2 Bị cảm lạnh ra mồ hôi có tốt không?

Đổ mồ hôi khi bị cảm lạnh không trực tiếp chữa khỏi bệnh, mồ hôi chủ yếu có vai trò điều hòa nhiệt độ cơ thể, thải độc tố, chứ không phải 'tiêu diệt' virus cảm lạnh. Hệ miễn dịch mới là yếu tố chính giúp cơ thể chống lại virus.

Mặc dù đổ mồ hôi là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi sốt và không có hại, nhưng không phải là yếu tố quyết định giúp bạn khỏi bệnh nhanh hơn. Vì vậy, việc nghỉ ngơi đầy đủ và uống đủ nước cho cơ thể vẫn là điều quan trọng nhất.

Đổ mồ hôi là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi sốt và không có hại

3 Mối liên hệ giữa mồ hôi và hệ miễn dịch

Hệ miễn dịch và cơ chế đổ mồ hôi có mối liên hệ chặt chẽ trong việc chống lại bệnh tật, đặc biệt là khi bạn bị cảm lạnh hoặc nhiễm trùng.

Ví dụ: Hệ miễn dịch như một 'đội quân' tinh nhuệ, còn mồ hôi là một phần trong 'chiến lược' tác chiến của họ.

Khi cơ thể bị tấn công bởi virus hay vi khuẩn, hệ miễn dịch sẽ kích hoạt tạo ra các hoá chất trung gian và tăng lưu lượng máu để diệt virus. Các chất hóa học này được gọi là cytokine, có thể ảnh hưởng đến nhiệt độ của cơ thể, khiến nhiệt độ tăng cao và sản sinh mồ hôi.

Toàn bộ quá trình này được tạo ra để giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng và loại bỏ độc tố. Mồ hôi có thể gây khó chịu, nhưng lại là dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch đang hoạt động hết công suất để giúp bạn khỏe mạnh trở lại.

Ra mồ hôi khi cảm lạnh là cho thấy hệ miễn dịch đang hoạt động tốt

4 Cách kiểm soát đổ mồ hôi khi bị cảm lạnh

Đổ mồ hôi quá nhiều có thể gây cảm giác khó chịu và ảnh hưởng đến quá trình hồi phục. Vì thế, khi bị cảm lạnh, bạn có thể áp dụng một số cách kiểm soát đổ mồ hôi sau:

  • Uống đủ nước: Đổ mồ hôi sẽ làm cơ thể bị mất nước, vì vậy bạn hãy uống nhiều nước hoặc đồ uống giàu chất điện giải để giữ nước và giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể.
  • Mặc quần áo nhẹ, thoáng khí: Điều này giúp mồ hôi bay hơi dễ dàng, khiến cơ thể mát mẻ và thoải mái hơn.
  • Tắm và chườm mát: Việc này giúp hạ nhiệt độ cơ thể và giảm tiết mồ hôi, tuy nhiên bạn chỉ cần đắp khăn mát lên trán cũng có thể giúp giảm nhiệt độ.
  • Dùng khử mùi: Chất khử mùi giúp bạn kiểm soát mùi cơ thể do đổ mồ hôi quá nhiều.

Uống nhiều nước giúp giữ nước và điều chỉnh nhiệt độ cơ thể

5 Khi nào cần gặp bác sĩ? 

Dấu hiệu cần gặp bác sĩ

Bệnh cảm lạnh mức độ nhẹ có thể tự khỏi mà không cần sử dụng thuốc điều trị. Tuy nhiên, bạn nên đến gặp bác sĩ nếu gặp các triệu chứng sau:

- Người lớn

  • Sốt trên 38.5 độ C kéo dài trên 3 ngày hoặc sốt tái phát, không đáp ứng với thuốc hạ sốt.
  • Ho và chảy nước mũi tăng dần.
  • Khó thở, hụt hơi khi nói chuyện hoặc đi lại.
  • Đau tai hoặc giảm thính giác.

- Trẻ em

  • Sốt trên 38 độ C ở trẻ nhỏ hơn 1 tuổi.
  • Sốt kéo dài trên 2 ngày.
  • Trẻ bỏ bú quấy khóc, bỏ ăn hoặc nôn mửa.
  • Thở khò khè tăng dần.
  • Co giật.
  • Đau nhức tai.

Sốt trên 38.5 độ C kéo dài trên 3 ngày hoặc sốt tái phát là dấu hiệu cần gặp bác sĩ

Địa chỉ khám và điều trị bệnh cảm lạnh

Nếu gặp các dấu hiệu như trên, bạn nên đến ngay các cơ sở y tế hoặc bệnh viện gần nhất để được thăm khám. Ngoài ra, bạn có thể đến khám tại Khoa truyền nhiễm và Nội Hô Hấp, Nội Tổng Quát tại một số bệnh viện lớn, uy tín dưới đây:

  • Tp. Hồ Chí Minh: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Nhân dân 115,...
  • Hà Nội: Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung Ương Quân Đội 108,...

6 Cách chữa cảm lạnh ra nhiều mồ hôi hiệu quả

Uống nhiều nước ấm

Khi bị cảm lạnh, cơ thể tiết nhiều mồ hôi gây mất nước và khô hơn, đặc biệt là ở mũi. Do đó, hãy uống nhiều nước ấm để giúp cơ thể hạn chế được tình trạng mất nước.

Bên cạnh nước lọc, bạn còn có thể bổ sung thêm nước ép trái cây hay các loại trà gừng ấm khác khi bị cảm lạnh.

Uống nhiều nước ấm giúp cơ thể hạn chế được tình trạng mất nước khi cảm lạnh

Tắm nước ấm

Tắm nước ấm là một phương pháp giúp giảm nhẹ triệu chứng cảm lạnh và cảm cúm hiệu quả, được áp dụng cho cả trẻ em và người lớn.

Lưu ý: Nước tắm chỉ nên ấm vừa phải, không quá nóng.

  • Đối với trẻ nhỏ bị sốt, tắm nước ấm có thể giúp hạ sốt một cách an toàn.
  • Đối với người lớn, tắm nước ấm giúp thư giãn cơ thể, giảm đau nhức và làm dịu các triệu chứng khó chịu do cảm lạnh gây ra. 

Bạn có thể thêm muối Epsom (magie sulfat) và baking soda vào nước tắm để có tác dụng giảm đau mỏi cơ thể, giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn.

Cơn sốt của trẻ em có thể giảm khi tắm bằng nước ấm

Ăn súp gà

Súp gà chứa nhiều dưỡng chất hỗ trợ hệ miễn dịch, đồng thời cung cấp nước và giúp cơ thể dễ chịu hơn. Các dưỡng chất trong súp gà có thể làm chậm sự di chuyển của bạch cầu trung tính - Một loại tế bào bạch cầu giúp bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng. Khi bạch cầu trung tính di chuyển chậm lại, chúng sẽ tập trung nhiều hơn ở những vùng cần thiết, từ đó hỗ trợ quá trình chữa bệnh.

Tóm lại, súp gà tuy không phải 'thần dược' nhưng là một món ăn bổ dưỡng, dễ tiêu hóa và giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn khi bị cảm lạnh.

Súp gà chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng hỗ trợ hệ thống miễn dịch, đặc biệt khi bị cảm lạnh

Bổ sung Vitamin C

Vitamin C là một chất chống oxy hóa đóng vai trò hỗ trợ hệ thống miễn dịch trong cơ thể.

Nghiên cứu năm 2020 chứng minh rằng, vitamin C có thể được sử dụng như một liệu pháp bổ sung cùng với chế độ điều trị kháng virus để làm giảm các triệu chứng cảm lạnh thông thường.

Các nguồn vitamin C tốt bao gồm:

  • Trái cây họ cam quýt.
  • Ớt đỏ.
  • Rau lá xanh ví dụ như bông cải xanh, cải kale,...

Vitamin C sử dụng như một liệu pháp bổ sung giúp giảm các triệu chứng cảm lạnh thông thường

Tạo độ ẩm

Không khí khô sẽ làm khô niêm mạc mũi họng, gây khó chịu và làm trầm trọng thêm các triệu chứng cảm lạnh. Vì vậy, tăng độ ẩm không khí giúp là giảm khô rát và viêm nhiễm ở mũi họng.

Sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn, bạn có thể thêm vài giọt tinh dầu khuynh diệp vào máy tạo độ ẩm để giúp thông mũi và dễ thở hơn.

Nếu không có máy tạo độ ẩm, bạn có thể tắm nước nóng hoặc xông hơi trong phòng tắm, hơi nước ấm sẽ giúp làm ẩm không khí và làm dịu các triệu chứng cảm lạnh.

Lưu ý: Nên thay nước trong máy tạo độ ẩm hàng ngày để ngăn ngừa nấm mốc phát triển. Đối với trẻ em, nên sử dụng máy tạo độ ẩm phun sương mát để đảm bảo an toàn.

Đặt máy tạo độ ẩm giúp cơ thể cảm thấy thoải mái hơn khi cảm lạnh

Uống gừng nóng

Gừng có đặc tính chống oxy hóa, kháng khuẩn và chống viêm, vì vậy khi sử dụng gừng nóng có thể giúp cho cơ thể giảm đau cơ và giảm buồn nôn.

Đồng thời, uống trà gừng nóng giúp cung cấp đủ nước cho cơ thể, làm dịu cơn đau cơ, giảm đau họng.

Xem thêm: 10 cách trị cảm lạnh đơn giản tại nhà bạn nên biết

Sử dụng nước gừng nóng khi bị cảm lạnh giúp giảm đau cơ và buồn nôn

7 Các câu hỏi thường gặp về cảm lạnh ra nhiều mồ hôi

Ra mồ hôi có giúp giảm nghẹt mũi không?

Nhiều người nghĩ rằng xông hơi, tắm nước nóng hoặc tập thể dục để ra mồ hôi có thể làm thông mũi khi bị cảm. Thực ra, những cách này chỉ tạm thời giảm nghẹt mũi vì hơi ấm và độ ẩm giúp dịch nhầy trong mũi lỏng ra, chứ không phải do mồ hôi. Nói đơn giản, đổ mồ hôi không phải là nguyên nhân chính giúp mũi bạn dễ thở hơn.

Một số hoạt động ra mồ hôi có thể giúp giảm tình trạng nghẹt mũi

Tập thể dục khi bị cảm lạnh có an toàn không?

Câu trả lời là CÓ, miễn là người bệnh cảm thấy thoải mái khi thực hiện, tuy nhiên khi tập, bạn cần phải lắng nghe cơ thể để giảm cường độ tập luyện và dành thời gian để nghỉ ngơi, tránh mệt mỏi quá mức.

Đặc biệt, bạn cần tránh tập thể dục khi xuất hiện một số triệu chứng như:

  • Sốt.
  • Đau nhức tai.
  • Nôn.
  • Tiêu chảy.
  • Các triệu chứng khó chịu trong ngực như căng hoặc khó thở.

Cần giảm cường độ tập luyện và dành thời gian nghỉ ngơi, tránh mệt mỏi quá mức khi bị cảm

Xông hơi có giúp điều trị cảm lạnh không? 

Hiện tại, chưa có đủ chứng cứ để khẳng định xông hơi có thể chữa được cảm lạnh. Một nghiên cứu năm 2017 xem xét 6 thử nghiệm cho thấy hít không khí nóng ẩm không rõ ràng giúp trị cảm lạnh, nhưng cũng không gây hại. Nói đơn giản, xông hơi có thể làm bạn thấy thoải mái hơn một chút, nhưng không thực sự hết nghẹt mũi.

Để xông hơi an toàn và hiệu quả, bạn nên:

  • Chỉ xông trong 15-20 phút thôi.
  • Tránh uống rượu, cà phê hay đồ ăn mặn vì chúng làm cơ thể mất nước.
  • Uống 2 - 4 ly nước mát sau khi xông hơi.
  • Làm mát dần dần cơ thể sau khi xông hơi rồi mới ra ngoài. Đi trực tiếp từ phòng tắm hơi nóng đến môi trường lạnh có thể gây mất cân bằng nhiệt độ cho cơ thể.
  • Nếu thấy khó chịu khi xông, dừng lại ngay và nghỉ ngơi.
  • Không sử dụng phòng tắm hơi nếu bạn mang thai.

Giới hạn thời gian xông hơi chỉ trong khoảng 15 hoặc 20 phút

Xem thêm:

  • Cảm lạnh: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
  • Phân biệt cảm lạnh với cảm cúm
  • Người bị cảm lạnh nên ăn gì để tăng đề kháng và nhanh khỏi bệnh?

Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin về cách chữa cảm lạnh ra nhiều mồ hôi. Hãy chia sẻ bài viết này đến mọi người nếu bạn thấy hữu ích nhé!