Chúng ta cứ nghĩ rằng trẻ còn nhỏ, chưa hiểu chuyện, cũng không thể nhớ được mọi thứ. Nhưng có những điều tưởng như 'chuyện vặt' lại được lưu giữ trong tâm trí trẻ đến mãi về sau.
'Khi còn đi học, mỗi lần nghỉ lễ về nhà đều thấy bố mẹ cãi nhau. Sau này đi làm rồi, ngày nghỉ cũng chỉ loanh quanh đi chơi chứ chẳng muốn về nhà nữa.'
Lời chia sẻ ấy dường như cũng động đến tâm can của rất nhiều người con mỗi khi nhớ về tuổi thơ của mình.
Thực ra, mọi điều cha mẹ làm cho con đều được con ghi nhớ trong lòng. Đặc biệt khi con còn nhỏ tuổi và phải dựa dẫm nhiều vào bố mẹ, có những kí ức sẽ được bé nhớ trong tim cả đời.
Cãi nhau dường như là điều không thể tránh khỏi ở các cặp vợ chồng. Nhưng cãi nhau trước mặt con là điều mà bố mẹ nên tránh nếu không muốn những cảm xúc tiêu cực tìm đến con của mình.
Ở nhiều gia đình, bố mẹ giận nhau, cãi nhau và tìm đến những cách giải quyết tiêu cực như ngoại tình, ly dị, hoặc trút giận lên con cái.
Điều này ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của trẻ, khiến trẻ cảm thấy tổn thương và thiếu an toàn ngay trong chính mái ấm của mình.
Đằng sau mỗi trận cãi vã của bố mẹ, người chịu tổn thương nhất không ai khác chính là con.
Vì vậy, hãy nghĩ cho trẻ trước khi cãi vã. Bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân và cùng nhau giải quyết là những gì bố mẹ nên làm để bảo vệ trái tim non nớt của trẻ.
Ấn tượng sâu đậm nhất của một đứa trẻ có lẽ là ánh mắt và nụ cười của bố mẹ khi chúng vừa tan trường về nhà.
Khi đi học, trẻ thường có tâm lý háo hức muốn về nhà. Vì thế, cách ứng xử của bố mẹ khi con vừa về đến nhà đặc biệt quan trọng.
Dù chỉ là một nụ cười, hay ánh mắt trìu mến cũng khiến trẻ cảm thấy vui khi biết mọi người trong nhà đều đợi mình và vui khi mình về.
Dân gian có câu: 'thương cho roi cho vọt', những lúc trẻ hư cần đánh thì phải đánh.
Tuy nhiên, việc đánh trẻ cần được cha mẹ suy nghĩ kỹ. Vì không phải đòn roi nào cũng giúp trẻ biết lỗi và sửa lỗi, đôi khi nó còn dẫn đến những ảnh hưởng tâm lý tiêu cực, khiến trẻ càng ngang bướng và mắc lỗi nhiều hơn.
Lần bị đánh đòn đau nhất dễ trở thành 'nỗi ám ảnh' trong trẻ đến mãi về sau. Cùng với đó là những lỗi lầm trẻ đã làm dẫn đến trận đòn đó.
Dường như bất cứ đứa trẻ nào cũng từng có tư tưởng ăn trộm tiền của người lớn để mua đồ ăn, đồ chơi hay bất cứ thứ gì chúng thích.
Khi con ăn trộm, cách tốt nhất bố mẹ nên làm là nói chuyện bình tĩnh với con, để con hiểu về lỗi sai của mình, cho con cơ hội biết lỗi và sửa lỗi.
Thái độ của bố mẹ khi con ăn trộm lần đầu tiên sẽ có ảnh hưởng lớn đến hành vi và cả tính cách của trẻ về sau.
Việc quan tâm đến con khi bị ốm tưởng chừng như bố mẹ nào cũng có thể làm được. Tuy nhiên không phải như vậy.
Nhiều bố mẹ vì bận mải công việc, khi con ốm chỉ biết nhờ cậy ông bà.
Nhưng một điều cha mẹ cần lưu ý là, khi trẻ bị ốm, không chỉ cơ thể yếu ớt mà cảm xúc cũng rất dễ bị tổn thương.
Khi trẻ bị ốm rất muốn được bố mẹ chăm sóc. Nhiều trẻ thậm chí còn muốn 'được' ốm để được nằm trong vòng tay của mẹ và được mẹ an ủi, vỗ về, cho uống thuốc.
Vì thế, dù bận mải đến đâu, bố mẹ cũng nên dành thời gian chăm sóc con khi bị ốm, không nên ỉ lại vào ông bà. Điều này sẽ giúp tình cảm gia đình thêm bền chặt hơn.