Bộ ảnh mang tên 'Ông nội của tôi' được Shi Meng Yao chụp trong vòng 7 năm, gồm hơn 200 bức ảnh thể hiện tình cảm trân trọng, yêu kính và ấm áp của cô tới ông nội.
'Những người thân yêu xung quanh chúng ta đã già đi từ bao giờ?' Câu hỏi đầu tiên trong bộ ảnh của cô cũng chính là câu hỏi mà nhiều người trẻ hiện nay ít khi quan tâm tới, để rồi đến khi những người thân quanh mình trở nên già yếu, chúng ta mới giật mình nhận ra sự tàn nhẫn của bước chân thời gian.
Một buổi chiều năm 2010, Shi Meng Yao vừa trở về nhà sau chuyến công tác dài 2 tháng lại tiếp tục chuẩn bị hành lý lên đường.
Khi cô quay lại nhìn người ông của mình ngồi trên ghế, những tia nắng ngoài trời chiếu xuyên qua cửa sổ hắt lên người ông.
Dáng vẻ trầm mặc của ông nội cùng với ánh nắng xung quanh khiến ông như phát sáng, và Yao chợt nhận ra: ông nội cô đã già.
Chính khoảnh khắc ấy đã khiến cô muốn tạo ra bộ ảnh này, để gửi gắm những tình cảm yêu thương, trân trọng của cô tới người ông đáng kính.
Đối với cô, đây như một cách để thể hiện sự quan tâm, yêu thương của mình, cũng là một lời tạm biệt đầy xúc động gửi tới ông nội.
Mỗi ngày, những người hàng xóm đều bắt gặp một người ông và một cô cháu gái đứng chụp ảnh ở những nơi thân thuộc trong cuộc sống của họ. Những bức ảnh đời thường nhưng chứa đầy sự ấm áp.
Bà của Yao mất khi cô lên 11 tuổi. Từ đó, cô sống với ông nội.
Sau khi trưởng thành và đi học xa nhà, thời gian của cô dành cho ông cứ ngày một ngắn lại, mà không hề nhận ra ông cô cũng ngày một già yếu.
Những bức ảnh thể hiện rất nhiều tình cảm mà nhiều khi hai ông cháu chẳng bao giờ nói ra.
Tuổi tác thể hiện qua làn da nhăn nheo, thô sần của ông khiến Yao càng muốn níu giữ thời gian để báo hiếu với ông nội.
Những bức ảnh của cô đều khiến người xem vô cùng xúc động, bởi chúng khơi gợi lên nỗi lòng của tất cả mọi người.
Chúng ta hẳn đều có những lúc cảm thấy hối hận vì đã không quan tâm, yêu thương và ở bên những người thân của mình nhiều hơn.
Những điều nhỏ bé thường ngày mà cô có thể làm cho ông.
Ngồi sau xe của ông như những ngày còn bé.
Bức ảnh gợi nhớ lại thời ông nội còn trẻ, từ đó lại càng thấm thía hơn sự gấp gáp của thời gian mang đến tuổi tác, già yếu, bệnh tật.
Khi Yao đi học xa nhà, một mình ông cô sống trong ngôi nhà trống vắng, cô đơn.
Những ngày bên cạnh giường bệnh của ông.
Vì thời gian không vì ai mà dừng lại, nên ông nội của Yao cũng đến ngày phải ra đi.
Sau khi ông mất, Yao vẫn tiếp tục chụp những bức ảnh kỷ niệm.
Mỗi lần ngồi ngắm những bức ảnh và nhớ về ông, cô thường cảm thấy hối hận. Vì ông cô đã làm rất nhiều điều cho cô, cho gia đình, nhưng bản thân Yao thì làm được cho ông quá ít. Cô đã không dành nhiều thời gian cho gia đình hơn.
Vì thế, cô đã tự hứa với bản thân sẽ luôn nhớ về ông. Đối với cô, chỉ cần những bức ảnh và ký ức về ông còn tồn tại, thì cô sẽ không bao giờ quên ông.
Cô tin rằng, sau khi mất, ông nội sẽ biến thành một vì sao và chiếu sáng cho cô trên quãng đường đời phía trước.
LamBạn đang xem bài viết Cô gái chụp hơn 200 bức ảnh cảm động thay lời tạm biệt ông nội sắp qua đời tại chuyên mục Nếp nhà của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].