Gia đình bạn có thể dùng ống hút nhựa, chai nước nhựa và túi nilon chỉ trong vòng vài phút trước khi vứt chúng đi, nhưng chúng sẽ không biến mất nhanh như bạn nghĩ.
Những món đồ dùng 1 lần như vậy chiếm hơn 40% lượng rác thải nhựa, và mỗi năm có khoảng 8,8 triệu tấn rác thải nhựa trôi dạt ra đại dương, đe dọa cuộc sống và cả sinh mạng của các loài động vật hoang dã, làm ô nhiễm nguồn nước và gây hại cho cả sức khỏe con người.
Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể giảm bớt lượng rác thải nhựa vứt ra môi trường mỗi ngày bằng những hành động vô cùng đơn giản:
1. Ngừng sử dụng ống hút nhựa
Con số ước chừng chính xác nhất hiện nay cho thấy người Mỹ dùng khoảng 500 triệu ống hút nhựa mỗi ngày.
Hãy bắt đầu thói quen từ bỏ ống hút nhựa và thay vào đó bằng những loại ống hút tre, ống hút thủy tinh thân thiện với môi trường, có thể tái sử dụng nhiều lần.
Khi đi chơi, bạn có thể mang theo ống hút tre để sử dụng khi cần thiết, hoặc uống trực tiếp nước trong cốc mà không cần ống hút.
2. Ăn kem ốc quế
Kem là món ăn ưa thích của trẻ con. Nhưng khi mua kem cho con, bạn hãy khuyến khích chúng mua kem ốc quế được bán trực tiếp thay vì những loại kem có sẵn được bọc trong túi nilon.
Trẻ sẽ rất thích thú khi được ăn cả phần kem và phần vỏ ốc thơm ngậy. Bạn có thể tập cho trẻ thói quen này bằng cách tập thói quen cho chính mình, trẻ cũng thích được ăn cùng loại kem với bố mẹ.
3. Dùng túi giấy đựng quà sinh nhật
Thay vì những chiếc túi nilon hoặc lớp bọc quà cầu kỳ, bạn chỉ cần một chiếc túi giấy xinh xắn là đủ cho một món quà sinh nhật.
Những chiếc túi giấy có thể được sử dụng lại nhiều lần, thay vì lớp bọc quà bị vứt đi ngay sau khi bóc quà. Ngoài ra, dùng vải để bọc quà cũng là một lựa chọn hữu ích.
4. Từ bỏ bao bì nhựa
Những món đồ được chuyển phát đến nhà bạn thường được gói trong bao bì nhựa, và đồ chơi mua tại cửa hàng cũng vậy.
Khi con bạn muốn một món nào đó, hãy cùng chúng nghĩ ra những ý tưởng để tránh lượng rác nhựa thừa thãi. Có những món đồ bạn có thể mua cũ, chia sẻ hoặc mượn ai đó, và một vài món thì hoàn toàn không cần mua.
Việc mang sẵn túi vải, túi giấy đi mua đồ cũng giúp giảm bớt lượng túi nilon mà chủ cửa hàng chắc chắn sẽ đưa cho bạn để đựng đồ.
5. Bữa trưa thân thiện
Trung bình mỗi năm, một đứa trẻ từ 8 đến 12 tuổi thải ra khoảng 30kg rác từ bữa trưa mang đi của chúng.
Thay vì gói đồ ăn bằng những chiếc túi nilon, hộp xốp - không chỉ gây hại cho môi trường mà còn ảnh hưởng đến cả sức khỏe của bạn, hãy dùng những loại bao bì có thể tái sử dụng như túi giấy, vải sáp ong, hộp nhựa có thể sử dụng nhiều lần.
6. Đừng để rác thải "lạc trôi"
Nếu bạn đang lên kế hoạch đi biển, hãy chắc chắn rằng những chiếc xô nhựa, bóng hơi, vỏ đồ ăn và những cái phao bơi không trôi ra biển.
Hãy dạy trẻ nhỏ có trách nhiệm trong việc kiểm soát những thứ này và đảm bảo không để sót thứ gì trên bãi biển ngoại trừ những dấu chân của bạn.
7. Tái chế đúng cách
Một vài loại nhựa có thể tái chế được như chai nước, hộp nhựa... bạn có thể phân loại và mang đến các cơ sở tái chế để tránh lãng phí và gây thêm áp lực lên môi trường.
Nhưng không phải bất kỳ loại nhựa nào cũng có thể tái chế được. Khi đó, bạn có thể cùng con mình tái chế chúng thành những vật dụng trưng bày trong nhà. Nhưng hãy đảm bảo công việc tái chế ấy không thải ra thậm chí nhiều rác hơn.
8. "Cấm" chai nhựa trong gia đình
Bạn hãy tập cho trẻ nhỏ và cả gia đình mình dùng bình nước cá nhân thay vì mua chai nước nhựa ở cửa hàng.
Các vật dụng trong gia đình cũng nên hạn chế sử dụng nhựa, ví dụ, bạn có thể dùng xà bông cục để rửa tay thay vì chai xà phòng lỏng.
9. Mua sỉ
Với những món đồ dùng thường xuyên trong gia đình và phải mua ít nhất 1 tháng/lần, bạn nên cân nhắc đến việc mua sỉ.
Mua sỉ không chỉ giúp giảm giá tiền sản phẩm, giảm thời gian bạn phải bỏ ra để đi mua chúng mà còn giảm bớt lượng bao bì để chứa đồ.
10. Đội quân nhặt rác
Nếu có một ngày cuối rảnh rỗi, bạn hãy cùng gia đình tham gia một buổi dọn rác cộng đồng. Việc này không chỉ làm đẹp thêm cho khu phố mà còn giúp trẻ nhỏ hình thành ý thức bảo vệ môi trường, cảnh quan từ nhỏ.
Nguồn: Nationalgeographic.com
Ái LinhBạn đang xem bài viết 10 cách hiệu quả để giảm lượng rác thải nhựa trong gia đình tại chuyên mục Nếp nhà của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].