Những dấu hiệu sớm cảnh báo đột quỵ này thường bị bỏ qua vì dễ nhầm lẫn với các bệnh khác.
Đột quỵ là căn bệnh gây tử vong cao thứ hai sau bệnh tim. Đối với những người thoát khỏi án tử thì có thể bị di chứng nặng nề về cả thể xác lẫn tinh thần.
Theo khảo sát, nguy cơ xảy ra đột quỵ ngày càng gia tăng, có tới 28% người bị đột quỵ dưới tuổi 65. Những năm trở lại đây, nguy cơ mắc đột quỵ còn gặp nhiều ở người trẻ.
Các chuyên gia nhận định, đột quỵ thường không xảy ra âm thầm như mọi người vẫn nghĩ. Bệnh sẽ có các dấu hiệu cảnh báo tuy nhiên đa số bệnh nhân đều nhầm lẫn nó với các vấn đề sức khỏe khác.
Dưới đây là 5 triệu chứng cảnh báo trước khi cơn đột quỵ xảy ra, người trẻ cũng có.
1. Tê liệt một bên người
Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ cho hay, mỗi bên bán cầu não đều ảnh hưởng tới phía đối diện của cơ thể. Nếu bạn bị chảy máu ở não phải thì nửa người bên trái có khả năng tê liệt và ngược lại.
Vì vậy, trước khi xảy ra đột quỵ, một số bệnh nhân thường có cảm giác cơ thể mệt mỏi, tê liệt một bên người, biểu hiện rõ nhất là ở tay và chân.
Khi thấy cơ thể có dấu hiệu này, tuyệt đối không được chủ quan.
2. Không kiểm soát được cơ mặt, xệ nửa mặt
Thêm một biểu hiện khác trên cơ thể cảnh báo đột quỵ chính là khuôn mặt.
Chuyên gia cho biết, khi bên não bị chảy máu sẽ tác động tới nhiều bộ phận nhất là khuôn mặt. Nếu thấy mặt bỗng nhiên bị chảy xệ không rõ nguyên nhân, cơ mặt khó kiểm soát thì hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt bởi đây là dấu hiệu cảnh báo đột quỵ sắp xảy ra.
3. Suy giảm thị lực
Suy giảm thị lực 1 bên cũng là dấu hiệu của đột quỵ mà bạn tuyệt đối không thể bỏ qua.
So với 2 triệu chứng trên, suy giảm thị lực không quá rõ ràng nên nhiều người thường mất cảnh giác.
Đối với bệnh nhân, nếu nhận thấy thị lực 1 bên suy giảm thì cần báo với người nhà và đi cấp cứu càng sớm càng tốt.
4. Giọng nói bất thường
Những người sắp bị đột quỵ thường khó nói, nói ngọng vì môi lưỡi tê cứng, miệng mở khó.
Khi thấy người nhà có dấu hiệu này, hãy kiểm tra bằng cách yêu cầu bệnh nhân lặp đi lặp lại 1 cụm từ, nếu thấy nói líu, không thể nói tròn vành rõ chữ thì cần đi gặp bác sĩ ngay.
5. Đứng không vững
Ngoài 4 biểu hiện trên, trước khi cơn đột quỵ xảy ra, người bệnh thường có cảm giác hoa mắt, chóng mặt, chân tay bủn rủn không thể đứng vững.
Lúc này, nhiều người thường nhầm với các cơn đau đầu chóng mặt thông thường hoặc tiền đình, tuy nhiên bác sĩ cảnh báo đây có thể là dấu hiệu của đột quỵ không được lơ là, chủ quan.
Người bị đột quỵ cần được đưa đi cấp cứu càng sớm càng tốt, nếu bỏ qua thời gian kim cương (3 giờ sau khi phát bệnh, giờ vàng (khoảng 6 giờ kể từ khi phát bệnh) thì nguy cơ tử vong cao, tỉ lệ chữa khỏi là rất thấp.