Giấc ngủ của trẻ sơ sinh rất quan trọng. Làm thế nào để trẻ sơ sinh ngủ ngon và sâu giấc vào ban đêm? Dưới đây là 10 nguyên tắc các cha mẹ nên tham khảo.
1. Lên một thời gian biểu cụ thể
Việc thiết lập thời gian biểu cụ thể có thể cho trẻ quen dần với những việc trong những thời gian xác định như giờ nào thì đi tắm, giờ nào chơi và giờ nào thì bắt đầu cho việc ngủ một giấc sâu vào buổi tối.
Tất cả khi được lặp lại thường xuyên sẽ tạo cho trẻ thói quen đi ngủ khi đêm đến.
2. Đặt bé nằm xuống khi bé còn đang thức
Đây là một trong những cách được gợi ý nhiều nhất của các chuyên gia về giấc ngủ ở trẻ em. Việc đặt bé xuống khi bé đang còn thức có thể giúp cho bé học được cách tự ngủ mà không cần sự tác động ở bên ngoài.
Điều này cũng giúp bé đỡ ngạc nhiên hơn so với việc ngủ trong vòng tay mẹ nhưng khi thức dậy thì lại ở trên giường.
3. Tập cho trẻ quen với tiếng ồn khi ngủ
Bất kì một tiếng động nhỏ nào trong hoạt động hàng ngày cũng có thể làm trẻ tỉnh giấc. Một cách đơn giản để bé không bị đánh thức bởi những tiếng ồn là cho bé quen với tiếng ồn trắng.
Bạn có thể làm cho bé quen với tiếng ồn trong khi ngủ bằng cách sử dụng quạt. Tiếng quạt quay có thể giúp trẻ có cảm giác như những tiếng ồn quen thuộc từ khi còn trong bụng mẹ như giọng nói, nhịp tim...
Đây là cách giúp cho bé có thể ngủ ngon hơn và nó cũng giúp điều hòa không khí trong phòng có lợi cho trẻ.
4. Không cho trẻ sử dụng núm vú giả
Một núm vú giả có thể là một công cụ tuyệt vời cho mẹ khi mà nó có thể giúp mẹ giữ cho bé yên lặng trong nhiều tình huống.
Tuy nhiên, nếu bạn cho bé thường xuyên cho bé ngập núm vú giả khi ngủ thì nó sẽ tạo ra một sự phụ thuộc, và khi bé tỉnh dậy giữa đêm mà không có núm vú bé sẽ khóc.
Tốt hơn hết là bạn không nên duy trì thói quen này cho trẻ ngay từ đầu.
5. Đảm bảo bé được bú đủ no trước khi ngủ
Cũng giống như người lớn, trẻ sơ sinh cũng không thể ngủ khi bị đói. Một trong những lý do có thể đánh thức một đứa trẻ sơ sinh đang ngủ là do bé bị đói.
Hãy cố gắng cho bé nhà bạn bú sữa trước khi đi ngủ. Bạn có thể không biết bao nhiêu sữa là đủ cho trẻ, tuy nhiên trẻ hoàn toàn có thể biết được khi nào thì mình no và sẽ dừng lại.
6. Đảm bảo phòng ngủ đủ tối
Mặc dù trẻ sơ sinh được cho là có thể ngủ bất cứ nơi nào, nhưng không có nghĩa là chúng có thể ngủ ở tất cả mọi nơi. Ánh sáng có thể làm ảnh hưởng đến độ dài và chất lượng giấc ngủ ở mọi lứa tuổi.
Bạn hãy cho trẻ tập làm quen với việc ngủ trong một căn phòng tối, kể cả vào ban ngày. Việc ngủ trong một căn phòng tối có thể giúp trẻ nhận biết được sự khác biệt giữa ngày - đêm, ban đêm khi trời tối là thời gian để đi ngủ.
Bạn cũng có thể gắn một chiếc đèn ngủ trong phòng để đảm bảo có thể quan sát bé và vẫn đủ để cho bé biết vẫn đang trong thời gian ngủ.
7. Đừng để trẻ ngủ nhiều vào ban ngày
Một điều thú vị là trẻ sơ sinh có thể ngủ một cách rất dễ dàng vào ban ngày. Tuy nhiên việc ngủ nhiều vào ban ngày có thể làm cho trẻ không muốn ngủ vào ban đêm.
Vì thế, hãy cố gắng hạn chế thời gian ngủ ngày của trẻ và giữ cho bé thức trong khoảng 4 tiếng trước thời gian đi ngủ vào ban đêm, khi tới giờ đi ngủ trẻ sẽ ngủ ngay mà không gặp bất kì trở ngại nào.
8. Đừng tương tác bằng mắt với trẻ vào ban đêm
Đối với trẻ sơ sinh chưa biết nói, việc tương tác bằng mắt là một trong những cách để trẻ giao tiếp, kết nối với mọi người. Đó là lý do tại sao vào ban đêm, việc tương tác bằng mắt có thể khiến trẻ tỉnh táo hơn và không buồn ngủ.
Vì thế, hãy hạn chế việc tương tác bằng mắt với trẻ vào ban đêm, điều đó có thể hơi khó khăn cho cả bạn và trẻ, tuy nhiên nó sẽ giúp cho trẻ hình thành thói quen và có thể ngủ được một giấc sâu vào ban đêm.
9. Điều chỉnh nhiệt độ phù hợp cho trẻ
So với nhiệt độ hoàn hảo khi ở trong bụng mẹ thì nhiệt độ môi trường bên ngoài ảnh hưởng rất nhiều đến giấc ngủ của trẻ.
Vì vậy, các bậc cha mẹ hãy cố gắng điều hòa nhiệt độ cho trẻ bằng cách đắp thêm chăn hoặc bật thêm quạt để trẻ có thể ngủ một cách thoải mái mà không bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ môi trường.
10. Giữ cho trẻ không bị giật mình
Trẻ sơ sinh có thể tỉnh giấc bởi một phản xạ nhỏ của cơ thể khi ngủ trong vài tháng đầu đời.
Vì vậy, các bậc cha mẹ có thể quấn trẻ bằng một chiếc khăn mỏng để ngăn chặn việc giật mình giơ tay lên trong lúc ngủ và chặn hai bên người trẻ bằng chăn hoặc gối để trẻ không lăn qua lăn lại trong khi ngủ làm tỉnh giấc.