Dấu hiệu gợi ý mở đầu của bệnh về gan mật là mệt mỏi, chán ăn, đầy hơi, chướng bụng, đau, sốt… Vì vậy, khi xuất hiện những triệu chứng này nên đi kiểm tra sức khỏe sớm.
Nhằm hưởng ứng Ngày sức khỏe Thế giới và góp phần nâng cao ý thức phòng bệnh hơn chữa bệnh trong cộng đồng, BV ĐK Phương Đông mới tổ chức “Ngày hội sức khỏe cộng đồng”.
Tại Ngày hội sức khỏe cộng đồng đã diễn ra 2 hội thảo “Chăm sóc sức khỏe toàn diện thời 4.0” và hội thảo “Bước tiến mới trong tầm soát và điều trị ung thư”. Các bác sĩ đã giải đáp những thắc mắc về các vấn đề sức khỏe với nhiều bệnh lý, từ đó giúp cho người dân biết cách tự chăm sóc sức khỏe của mình.
TS.BS Hoàng Văn Tuyết, Trưởng khoa Khám bệnh, BV ĐK Phương Đông, đã chia sẻ về các bệnh lý đường tiêu hóa như dạ dày, đại tràng, gan mật.
Theo bác sĩ Tuyết, gan là một trong những cơ quan rất lớn, lớn nhất của hệ thống tiêu hóa và đóng một vai trò như một nhà máy khổng lồ để tiêu hóa, chuyển hóa các chất trong cơ thể.
Khi chức năng gan suy yếu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Chức năng gan bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố, đặc biệt là vấn đề ăn uống không hợp lý, dư thừa các chất dinh dưỡng, ít rau xanh… dẫn tới tình trạng gan nhiễm mỡ. Hiện nay, gan nhiễm mỡ đang là tình trạng khá phổ biến trong nhóm bệnh lý về gan.
Bên cạnh đó, việc lạm dụng đồ uống có ga, rượu bia dùng quá nhiều cũng làm suy giảm chức năng gan.
Ngoài ra, bệnh nhiễm trùng như viêm gan B, C do virus nếu không được kiểm soát có thể tiến triển thành xơ gan, ung thư gan. Hoặc ký sinh trùng, bệnh do giun chui ống mật gây tắc gan mật, thậm chí gây nhiễm trùng đường mật trầm trọng dẫn tới chết người...
Một điều đáng lưu ý nữa là việc tự ý dùng các loại thuốc kháng sinh không theo chỉ định, uống thuốc nam, thuốc lá không rõ nguồn gốc cũng ảnh hưởng tới chức năng gan. Đây cũng là một trong những lý do khiến cho bệnh lý về gan ngày càng ra tăng.
Những dấu hiệu gợi ý mở đầu của bệnh về gan mật được bác sĩ Tuyết khuyến cáo là có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, đầy hơi, chướng bụng, đau, sốt… Đôi khi có dấu hiệu như vàng da, vàng mắt, đi tiểu sẫm màu, đi ngoài phân bạc màu hoặc phân xanh. Với những dấu hiệu sớm, phát hiện được thì sẽ ngăn chặn được.
Còn khi phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn thì việc điều trị bệnh sẽ rất khó khăn. Những triệu chứng ở giai đoạn muộn của bệnh gan mật thường là bụng chướng, chân phù, thở hổn hển, chân tay run…
Để phòng tránh bệnh về gan mật cần tiết chế chế độ ăn uống làm sao cân bằng giữa chất mỡ, đạm, đường, vitamin cần thiết. Đây là những thói quen thường ngày giúp giảm bệnh lý gan mật.
Nói về cách nhận biết sớm các bệnh lý về dạ dày, bác sĩ Tuyết khuyến cáo, dấu hiệu kinh điển của bệnh lý này là đau thượng vị, ợ hơi, ợ chua. Đặc biệt đau nhiều khi đói, đau tăng khi vaò mùa đông thời tiết se se và càng lạnh sẽ đau rất nhanh.
Tần suất cơn đau sẽ tăng lên theo từng năm nếu chưa được điều trị và đau nhiều khi đói. Nhiều người bệnh chuẩn bị bước vào việc quan trọng căng thẳng hoặc lo lắng việc gì đó, nhiều khi cũng có biểu hiện cồn cào, đau do kích thích.
Bệnh diễn biến rất âm thầm, triệu chứng mờ nhạt nên ở giai đoạn sớm rất dễ bị bỏ qua. Tuy nhiên, nếu thấy cơn đau lặp lại thì nên đi khám để được điều trị.
Vì ngoài kiểm soát bệnh dạ dày, các bác sĩ sẽ giúp kiểm tra để phát hiện các bệnh lý khác. Hiện nay, việc chữa dạ dày không khó. Liệu trình điều trị với mức độ trung bình là 28 ngày, tương đối nặng là 45, rất nặng 60 ngày.
Theo ThS.BSCKI Nguyễn Thị Tường Vân, Trưởng khoa Nội, BV ĐK Phương Đông, các dấu hiệu của bệnh tiểu đường là ăn nhiều, uống nhiều, đái nhiều và gầy nhiều. Bệnh nhân rất thích ăn ngọt.
Khi bệnh nhân có 2 dấu hiệu hoặc 1 trong 4 dấu hiệu nói trên thì cần đi kiểm tra xem có bị tiểu đường không. Tuy nhiên có nhiều người ở giai đoạn sớm của bệnh mà không biết, chỉ đến khi xuất hiện các biến chứng mới phát hiện được bệnh.
Bệnh nhân tiểu đường hay gặp các viêm da, tê buốt đầu chi. Nhiều khi chỉ cần chạm vào đâu là có cảm giác như bị điện giật. Hoặc thường xuyên có biểu hiện viêm phế quản, dấu hiệu nhiễm trùng… Đó là những dấu hiệu biến chứng của tiểu đường.
Rất tiếc rất nhiều trường hợp phát hiện suy thận do tiểu đường kéo dài mà không biết. Bởi vậy, những lứa tuổi ngoài 35 nên đi kiểm tra đường huyết định kỳ 6 tháng/ lần. Khi biết tiểu đường cần phải điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Bệnh nhân có thể tiêm hoặc uống thuốc.
Bác sĩ Vân cũng nhấn mạnh, hiện nay có một số người cho rằng cách tốt nhất điều trị tiểu đường là dùng thuốc tiêm, uống thuốc là lạc hậu. Thế nhưng, theo quy chuẩn của Bộ Y tế, điều trị tiểu đường đối với người Type 2, tiểu đường do béo, rối loạn hệ nội tiết trong cơ thể vẫn phải dùng thuốc uống. Sau khi dùng thuốc uống không có kết quả mới chuyển sang tiêm để khỏi ảnh hưởng đến nếp sống hàng ngày của người bệnh.
Để phòng tránh bệnh tiểu đường, bác sĩ Vân khuyến cáo người dân phải hạn chế tất cả các loại thực phẩm đưa nhiều gluxit – đường vào trong cơ thể, có thể là đường trực tiếp như đường kính, đường trắng; đường từ hoa quả; đường chuyển hóa từ hoa quả…
Chẳng hạn, hàm lượng gạo có tới 90 gluxit trong 100gr gạo, nếu như ăn gạo, cơm tẻ, cơm nếp sẽ nạp nhiều đường gluxit khi vào cơ thể chuyển hóa thành đường gluco là cho tăng đường huyết.
Một chế độ đối với những người tiểu đường là hạn chế ăn tinh bột, ăn trái cây ngọt, thay vào đó nên ăn những thực phẩm làm giảm khả năng đói nhưng không có nhiều tinh bột như ăn nhiều rau, đậu phụ, khoai sọ,... Hoa quả nên ưu tiên thanh long, ổi, táo xanh, táo chua thay vì táo ngọt, bưởi da xanh...
Các chuyên gia khuyên, để kiểm soát được tình trạng sức khỏe của mình, mọi người cần đi khám sức khỏe định kỳ. Kiểm tra sức khỏe tổng quát giúp kiểm soát các bệnh lý về nội khoa, ngoại khoa… những bất thường của sức khỏe với mục tiêu kiểm soát được tình trạng sức khỏe.