Về mặt kỹ thuật ghép tạng, ngành y Việt Nam đã có những bước tiến vượt trội. Tuy nhiên, vẫn thiếu những tấm thẻ đồng ý hiến tặng mô/ tạng, để cứu sống thêm nhiều người khác.
Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia cho biết, ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng cho bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng bị suy giảm chức năng, không hồi phục được.
Hiện nay, nhu cầu ghép mô, tạng ở Việt Nam rất lớn nhưng số lượng người hiến tạng tại Việt Nam lại ít và khan hiếm. Mặc dù số lượng đăng ký hiến tạng đã gấp đôi so với năm 2016, nhưng so với 90 triệu dân thì đây vẫn là con số còn rất bé nhỏ.
"Việt Nam đã sẵn sàng cho những ca ghép tạng khó, tiến tới chinh phục nhiều kỹ thuật mới trong ghép tử cung, ghép chi... Về mặt kỹ thuật, Việt Nam không còn e dè. Chỉ còn thiếu những tấm thẻ đồng ý hiến tạng, để cứu sống thêm nhiều người khác"- BS Phúc nhấn mạnh.
Cho đến nay, việc ghép tạng ở Việt Nam vẫn chủ yếu từ người cho sống, chứ rất ít được ghép từ người chết não. Đây là điều nghịch lý so với ở nước ngoài, khi hầu hết các ca ghép tạng đều từ người chết não.
Đơn cử như từ ca ghép gan đầu tiên tại Việt Nam thành công tại Bệnh viện Quân y 103 cách đây 14 năm là trường hợp bố hiến cho con gái một phần lá gan, thì đến trường hợp gần đây nhất là một bé trai 4 tuổi ở Thanh Hóa được BV Nhi Trung ương ghép gan thành công thì cũng là một phần lá gan do bà nội của em hiến tặng. Hay trường hợp ghép gan thành công do BV ĐH Y dược TP.HCM tiến hành vào tháng 7/2018 vừa qua cũng là trường hợp vợ hiến gan cho chồng bị bệnh.
Theo PGS-TS Nguyễn Tấn Cường, Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại Trường Đại học Y Dược TP HCM (nguyên Trưởng Khoa Ngoại Gan - Mật - Tụy Bệnh viện Chợ Rẫy), cho biết hiện nay, nhu cầu ghép gan nói riêng và ghép tạng nói chung rất lớn. Mỗi năm, nước ta có khoảng 1.500 người có chỉ định ghép gan nhưng số bệnh nhân được ghép chỉ vài chục ca do khan hiếm nguồn tạng hiến.
Một thông kê khác gần đây của Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi năm tại bệnh viện có 20-30 trẻ được chỉ định ghép gan song chỉ 1/10 số này được ghép. Ngoài nguyên nhân là chi phí cho ca ghép tạng cao, thì lý do chính vẫn là việc khan hiếm nguồn tạng hiến/ tặng để ghép