Thời tiết chuyển lạnh làm số người bị đột quỵ gia tăng. Vì sao trời lạnh dễ bị đột quỵ và làm cách nào để phòng ngừa?
Bác sĩ Trần Anh Thắng, Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội cho biết, thường khi trời trở lạnh, số lượng bệnh nhân cấp cứu do đột quỵ tăng hơn những ngày nắng ấm.
Nguyên nhân do thời tiết thay đổi, lạnh đột ngột làm cho các mạch máu co lại, dẫn tới tăng huyết áp, gây xuất huyết não.
Hơn nữa, vào những ngày lạnh, nhất là mưa lạnh, mọi người thường lười vận động, lười tập thể dục nên dẫn tới tăng cân và đây cũng là yếu tố làm tăng huyết áp và nguy cơ đột quỵ.
Ngược lại, có những người chăm chỉ tập luyện quá mức, đi tập từ sáng sớm, khi đó nhiệt độ thấp, mặc không đủ ấm dẫn tới cơ thể nhiễm lạnh và tăng nguy cơ bị đột quỵ.
“Chúng tôi đã cấp cứu cho rất nhiều người đi chạy bộ, đạp xe buổi sáng sớm bị đột quỵ, nằm ở ngoài đường, may mà được người dân tình cờ phát hiện. Với những trường hợp bị đột quỵ khi đang đi đường như vậy nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng” – BS Thắng chia sẻ.
Các chuyên gia tim mạch cũng cảnh báo, trời lạnh sẽ làm co mạch khiến huyết áp tăng vọt, dễ gây ra tai biến.
Nhất là với người già, khi ra khỏi chăn ấm là lúc dễ bị nhiễm lạnh, sau đó đi vệ sinh lại thêm một lần mất nhiệt, cơ thể lạnh hơn nữa khiến cho mạch co, huyết áp tăng đột ngột. Tình trạng này dễ dàng dẫn đến các biến cố như vỡ mạch máu não, đau thắt ngực, dẫn đến đột quỵ não, đột quỵ tim…
Đột quỵ có thể phòng ngừa được nếu vận động cơ thể và tập thể dục thường xuyên; giữ chế độ ăn uống đúng mức để tránh béo phì; hạn chế rượu, bia; tránh hút thuốc lá…
Đặc biệt trong mùa đông lạnh, để phòng tránh đột quỵ cần giữ ấm cơ thể, không nên ra lạnh đột ngột. Buổi sáng, khi tỉnh giấc, không nên ra khỏi chăn và xuống giường ngay mà cần nằm lại trên giường, vận động nhẹ nhàng từ 3 -5 phút để cơ thể dần thích nghi.
Tập luyện thể dục thể thao là cần thiết để tăng cường sức khỏe nhưng không nên đi tập từ sáng sớm, nhất là những ngày lạnh. Nên chờ khi nhiệt độ ấm lên rồi đi tập hoặc tập luyện tại nhà, tránh những nơi gió lùa.
Ngoài ra, cần điều trị tốt các bệnh nên như tăng huyết áp, phòng và điều trị bệnh đái tháo đường đường, khắc phục tình trạng tăng cholesterol…
Một điều quan trọng nữa là khi phát hiện người bị đột quỵ cần nhanh chóng gọi cấp cứu để được trợ giúp hoặc đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
Bởi vấn đề quan trọng nhất trong cấp cứu đột quỵ là vấn đề thời gian, phải nhanh chóng đưa bệnh nhân tới bệnh viện càng sớm càng tốt để tận dụng thời gian vàng (3 giờ đầu) của não, giúp bệnh nhân được cứu chữa, phục hồi hiệu quả nhất.
Các dấu hiệu đột quỵ có thể xuất hiện và biến mất rất nhanh, lặp đi lặp lại nhiều lần, bao gồm:
Cơ thể mệt mỏi, đột nhiên cảm thấy không còn sức lực, tê cứng mặt hoặc một nửa mặt, nụ cười bị méo mó.
Cử động khó hoặc không thể cử động chân tay, tê liệt một bên cơ thể. Dấu hiệu đột quỵ chính xác nhất là không thể nâng hai cánh tay qua đầu cùng một lúc.
Khó phát âm, nói không rõ chữ, bị dính chữ, nói ngọng bất thường. Có thể thực hiện phép thử bằng cách nói những câu đơn giản và yêu cầu người bệnh nhắc lại, nếu không thể nhắc lại được thì người bệnh đó đang có những dấu hiệu đột quỵ.
Hoa mắt, chóng mặt, người mất thăng bằng đột ngột, không phối hợp được các hoạt động.
Thị lực giảm, mắt mờ, không nhìn rõ
Đau đầu dữ dội, cơn đau đầu đến rất nhanh, có thể gây buồn nôn hoặc nôn
Người bị đột quỵ có thể có một vài dấu hiệu trên, nhưng tùy thể trạng sức khỏe của mỗi người mà dấu hiệu đột quỵ khác nhau.