Nguyên nhân của bệnh đột quỵ là gì?
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, BV Nhân dân 115, bệnh đột quỵ não hay còn gọi là tai biến mạch máu não và bệnh được chia làm 2 thể chính.
Thể thứ nhất xảy ra là khi việc cung cấp máu lên một phần bộ não bị đột ngột ngừng trệ hoặc các huyết khối từ tim di chuyển lên làm tắc mạch máu não.
Hiện tượng tắc mạch não xảy ra do một vùng vi mô não bị thiếu máu và gây ra hoại tử vi mô não, gây ra các triệu chứng, thường gặp nhất ở bệnh nhân đột quỵ là liệt nửa người, méo miệng và không nói được.
Thể thứ 2 nguy hiểm hơn và tỉ lệ tử vong cao hơn là xuất huyết não do thành mạch chịu áp lực quá lớn gây ra vỡ mạch máu, nguyên nhân thường gặp nhất là do cao huyết áp không được kiểm soát đúng mức.
Cả 2 thể này đều liên quan tới lứa tuổi, tuổi càng cao nguy cơ đột quỵ càng cao, tuổi thường gặp nhất của đột quỵ từ 60 - 70 tuổi.
Người ta thấy rằng, tuổi càng lớn nguy cơ đột quỵ càng lớn. Bởi khi tuổi càng lớn nguy cơ bệnh nhân bị tăng huyết áp nhiều, đái tháo đường nhiều, các bệnh tim mạch cũng vậy. Đây là các yếu tố nguy cơ gây ra đột quỵ.
Tuy nhiên gần đây số bệnh nhân bị đột quỵ ở lứa tuổi trẻ cũng khá thường gặp do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là việc sử dụng các loại thuốc gây nghiện, đặc biệt là thuốc lá vì thuốc lá được xem là yếu tố nguy cơ quan trọng gây ra đột quỵ.
Tiếp đó là việc sử dụng quá nhiều rượu bia. Chưa kể cuộc sống hiện đại, mức độ stress cũng cao hơn, làm tăng tần suất mắc bệnh đột quỵ ở các bệnh nhân trẻ hơn.
Đặc biệt đối với những người lạm dụng bia, rượu, thuốc lá, sử dụng các chất kích thích, tình trạng “béo phì văn phòng” thì nguy cơ bị đột quỵ cũng cao hơn những người có thói quen sinh hoạt lành mạnh.
Phòng ngừa đột quỵ theo khuyến cáo của chuyên gia
Mặc dù đột quỵ là bệnh gây tử vong và tàn phế cao nhưng chúng ta có thể phòng ngừa được.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia tim mạch, phòng bệnh đột quỵ não tốt nhất bằng các tránh các yếu tố nguy cơ bằng thói quen sống tích cực: Không lạm dụng bia rượu. Không hút thuốc lá hoặc sử dụng các chất kích thích, chế độ ăn uống điều độ, hợp vệ sinh, cân đối các chất, nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi, giảm muối, giảm mỡ, tập luyện thể dục hàng ngày, tránh tình trạng căng thẳng thần kinh quá mức và kéo dài.
Những người có nguy cơ cần kiểm soát và điều trị tốt các bệnh: Đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh lý tim mạch…bằng cách đo huyết áp hằng ngày, kiểm tra sức khỏe định kì để có sự điều chỉnh phù hợp.
Trong điều trị tai biến mạch máu não, cần chú trọng tái thông mạch máu càng sớm càng tốt: Bằng liệu pháp tan cục máu đông (rTPA) cho những bệnh nhân nhồi máu não đến bệnh viện sớm trong giờ vàng (dưới 4.5 giờ sau khi bị đột quỵ) và lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học (dưới 6 giờ sau khi bị đột quỵ).
Với đột quỵ chảy máu não, tùy vào từng trường hợp, người bệnh có thể được cân nhắc phẫu thuật lấy máu tụ, kẹp túi phình, phẫu thuật cắt bỏ khối dị dạng mạch máu não (nếu có).
An AnBạn đang xem bài viết Vì sao đột quỵ não ngày càng trẻ hóa? tại chuyên mục Tư vấn chuyên gia của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].