Tấm đã hoảng sợ và đã từng bước biết bơi nhờ áp dụng định luật Archimedes ra sao?
Gia Đình Mới giới thiệu series bài về Phòng, chống đuối nước được viết bởi TS Phạm Anh Tuấn, Trưởng dự án “Phòng chống tai nạn sông nước cho học sinh với E-Bơi, người có tâm huyết với công việc này gần 20 năm nay.
Tấm nghĩ về bơi và đã biết bơi, còn bạn thì sao?
Chuyện Tấm Cám ngày xưa đã được làm mới hay phá cách như thế này:
Ngày nảy ngày nay… Tấm và Cám được dì ghẻ sai đi chăn trâu và bắt cua, bắt cá ngoài đồng. Tấm chăm chỉ bắt được một giỏ đầy cua cá, còn Cám chỉ mải.. "lướt phây" chém gió, thả tim, thả thính với bạn bè nên giỏ trống không. Chiều về, Cám liền bảo đầu Tấm bẩn, cần tắm gội kẻo về mẹ mắng…
Nhân lúc Tấm tắm Cám đã trút sạch cua cá của Tấm mang về. Mất hết cua cá, Tấm thẫn thờ không dám về nhà. Đang lang thang trên đường bỗng nước ở đâu đổ về ngập tới bắp chân.
Không lẽ dì ghẻ tháo đập đâu đó hãm hại mình? Từ đi bộ trên cạn, Tấm lơ ngơ lội nước. Lội nước tức là Tấm đi trong nước chân vẫn bám được xuống nền đất và di chuyển được.
Nước từ đâu vẫn đổ về và ngập tới ngang thắt lưng, Tấm thấy lội khó hơn do lực cản của nước lớn hơn lực cản của không khí. Tấm bắt đầu sợ.
Tấm mồ côi cha mẹ từ nhỏ nên chả được ai dạy bơi cho, giờ mà nước lên nữa là nguy. Tấm ứa nước mắt mà chả thấy Bụt hiện lên. Trống ngực Tấm đập thình thịch, còn hơi thở thì gấp gáp, đứt đoạn.
Nước đã tới ngang ngực. Nỗi sợ càng tăng nhưng Tấm cố trấn tĩnh. Hít thật sâu và thở ra nhè nhẹ, Tấm cố suy nghĩ xem làm cách nào để thoát khỏi tình trạng này.
Tấm dò dẫm từng bước nhỏ, hướng tới ngôi nhà của mình phía xa tít. Tấm không dám đi nhanh, phần do nước cản, phần sợ thụt chân vào hố. Không biết bơi mà thụt chân vào hố thì chết đuối cầm chắc.
Nước đã lên ngấp nghé cằm. Áp lực nước làm Tấm thấy khó thở hơn, người bỗng bồng bềnh bồng bềnh như bị đẩy khỏi mặt đất. A, lực đẩy nổi Archimedes đây mà, Tấm học qua lớp 8 rồi nên Tấm biết. Gay phết! Nước lên thêm nữa thì chân mình chả trụ nổi dưới đất đâu. Mình sẽ nổi bềnh lên và sẽ bị chết sặc cho mà xem.
Làm cách nào để vượt qua khổ nạn này? Muốn không bị đuối nước thì phải ngăn nước lọt vào khí quản. Đuối nước chính là đuối sức vì ngạt nước, sặc nước, ai bảo thế nhỉ?
Tấm bỗng nhớ, chả phải những người biết bơi cứ lúc lúc lại phải ngoi lên mặt nước thở đó sao. Giờ mình phải tập thở giống họ trước đã, Tấm tự nhủ. Vòng tay ra sau buộc chặt lại tóc cho khỏi lòa xòa rồi Tấm thở căng lồng ngực, sau đó nín thở và từ từ nhúng nước vào mũi. Chẳng bị sặc gì cả. Tấm thử thở ra, phì phì, bong bóng xuất hiện, nước bắn lên mặt… Ô hay quá! Làm lại lần nữa nào… Hắt hắt hắt xìiiiii….
Tẹo nữa là sặc vì lúc hít vào bằng mũi thì nước trên đầu lại chảy xuống... Không, không được thở vào bằng mũi mà phải bằng miệng. Mũi chỉ thở ra thôi. Nào tập lại: Trên mặt nước thở vào / thở ra bằng miệng, dưới mặt nước nín thở hoặc thở ra bằng mũi… 1, 2, 3, 4 lần… Thở (dưới) nước đơn giản thế thôi à? Tấm thông minh phết. Chả gì cũng học lớp 9 rồi đó.
Nước mà lên cao hơn mũi thì làm sao đây? Xời, quá dễ! Có thể nhón chân tăng chiều cao, nhưng khá nguy hiểm vì rất dễ mất thăng bằng và ngã nhào vào nước.
Tốt nhất là bật nhảy lên cao để thở vào, rơi xuống đầu chìm trong nước thì thở ra như đặc nhiệm SEAL của Mỹ hay tập luyện. Tấm đã đọc cái này đâu đó trên Internet.
Nước đã lên cao ngang mắt, Tấm bật nhảy lên cao thở vào, rơi xuống thở ra. Có vẻ khá ổn. Nước lên ngập quá đầu, Tấm vẫn bật nhảy và thở ra thở vào… Khi lên khỏi mặt nước, Tấm muốn kêu cứu lắm, muốn khóc lắm nhưng nào có ai. Bụt vẫn chả thấy đâu.
Nước lên cao nữa. Tấm vẫn bật nhảy nhưng cảm giác là chân không rơi xuống đáy mạnh như trước. Có lẽ nước lên cao quá nên người không thể chìm xuống sâu tới đáy nữa.
Cái lực đẩy Archimedes này, Tấm lầm bầm! Làm sao đây nếu không bật nhảy lên thở được nữa? Nghĩ đi, nghĩ đi. Không muốn chết thì phải nghĩ đi…
Trong giây phút hiểm nghèo, Tấm bỗng nhớ chim bay bằng đôi cánh, người lái đò chèo thuyền bằng mái chèo, Tấm đã đọc đâu đó trên mạng về cách dùng đôi tay làm mái chèo ấn nước xuống và vươn đầu lên thở nhỉ?
Tấm liền thử và thấy hóa ra vươn lên thở dễ ợt. Nhấp nhô lên xuống thật tuyệt. Hóa ra quạt tay cũng tốt như bật chân. Giờ mà nước có lên cao nữa cũng không sợ. Cứ rơi xuống thì nín thở, thả lỏng đợi nước đẩy nổi lên, khi đầu lập lờ sát mặt nước thì quạt tay vươn lên thở...
Với phát hiện mới, Tấm từ từ quạt nước ra sau và nhấp nhô lên xuống hướng về ngôi nhà của mình phía xa. Sau một hồi Tấm đã thấy bà dì ghẻ cùng Cám đang ôm thân cây cau tránh nước.
Cả hai tròn mắt nhìn Tấm nhấp nhô lên xuống, chả có vẻ sẽ bị đuối nước. Tới chiều thì nước rút. Hai mẹ con Cám tụt xuống, nhìn Tấm với “ánh mắt hình viên đạn” nhưng chẳng làm gì được.
Hôm sau, lúc Tấm đang dọn dẹp nhà cửa, phơi phóng đồ đạc thì Bụt hiện lên. Tấm òa khóc bảo sao hôm qua con gọi mãi mà Bụt không tới. Bụt bảo, tự con đã bơi được đó thôi. Chịu khó suy nghĩ một tẹo là bơi được chứ khó gì đâu.
Con mà bơi á? Nhấp nhô lên xuống mãi may không chết chứ bơi gì? Bụt cười bảo, bơi gì cũng được, miễn không chết đuối con ạ. Nghe nói, kiểu bơi đó có tên là Bơi tự cứu Dịch cân kinh đấy.
Nói rồi, Bụt đưa cho Tấm một tờ giấy. Chứng chỉ bơi lội của con đây. Để làm gì ạ? Năm tới con chuyển cấp, có khi trường đòi hỏi phải cần chứng chỉ bơi lội cũng nên…
Con nhớ nhé, không ai có thể giúp con được cả đời. Con phải tự lập, chỉ khi nào khó lắm, hết cách rồi mới được gọi ta. Nói xong Bụt mỉm cười biến và biến mất.
Đấy, Tấm nghĩ về bơi và biết bơi. Tấm làm được, còn bạn?
Kể chuyện vui vui vậy, giờ là Hỏi nhanh Đáp gọn:
Bơi là gì? Là chuyển động và tồn tại tự thân trong nước không cần nhờ sự trợ giúp của bên ngoài trong một thời gian dài. Tất nhiên có những định nghĩa khác. Ví dụ có người bảo chỉ bơi ếch, trườn sấp, ngửa, bướm mới là bơi, những kiểu bơi khác không phải là bơi...
Lội là gì? Là như Tấm lội nước ở bên trên đấy.
Lặn là gì? Là lặn mất tăm xuống nước, có thể di chuyển hay không đi chuyển. Cứ “mất hút cm hàng lươn” dưới nước là lặn thôi.
Thế nào là biết bơi? Có quy định bảo là bơi được 25m và tồn tại dưới nước được 2 phút (có nơi bảo 5 phút). Tuy vậy những quy định kiểu này không có ý nghĩa đối với Hà Bá.
Trẻ có thể học bơi lúc nào? Có thể ngay sau khi rụng rốn. Nếu không tin bạn lên mạng tìm theo từ khóa «Trẻ sơ sinh học bơi». Dân ta cứ đợi trẻ tới 6 tuổi mới cho đi học bơi là thiệt thòi lớn cho cả trẻ nhỏ lẫn dân tộc.
Nên bắt đầu với kiểu bơi nào? Tuổi nào học kiểu bơi đó. Trẻ sơ sinh có kiểu bơi của trẻ sơ sinh; Trẻ mẫu giáo có kiểu bơi của trẻ mẫu giáo. Từ tiểu học trở lên thì học kiểu bơi nào cũng được, nhưng nên bắt đầu với Bơi tự cứu Dịch cân kinh vì nó dễ nhất, bản năng nhất.
Tôi, con tôi học bao lâu thì biết bơi? 5, 10, 15, 20, 25, 30, 35, 40, 45,… ngày tùy vào khả năng của anh chị / con anh chị. Bơi không phải thứ khó học như học đại học (đỗ vào trường mà không chịu học thì chưa chắc đã tốt nghiệp ra trường). Cứ học kiên trì thì tới … cuối đời ai cũng bơi được. Nhưng biết bơi mà không đi bơi thì chả có lợi gì.
Bơi lội tốt cho sức khỏe? Tốt và xấu cũng giống như các môn thể thao khác. Có người hợp, có người không, phụ thuộc cả túi tiền nữa. Tăng cường vận động và hô hấp hợp lý thì luôn tốt cho sức khỏe. Bơi tốt nhưng có thể hại… túi tiền nên bơi ở nơi bể xịn.
Chỉ xuống nước chơi có khỏe không? Khỏe chứ, khỏe như bơi vậy. Chơi đùa, vận động trong nước hợp lý luôn tốt cho sức khỏe. Chả cần bơi, cứ xuống nước chơi là khỏe. Ngồi bể xục thì khác chi đi bơi.
Bơi thế nào là đẹp? Bơi như Ánh Viên hay các vận động viên chuyên nghiệp có nhiều huân chương, mề đay treo ở nhà là đẹp. Đẹp theo chuẩn của vận động viên bơi lội.
Bơi thế nào cho phê? Bạn bơi thế nào thấy phê thì bơi. Đừng so mình với người khác xem đẹp xấu thế nào. Bơi xấu hay đẹp không quan trọng. Nên nhớ, bạn bơi cho bạn, không phải cho người khác. Ánh Viên bơi đẹp bơi nhanh để thi đấu, bạn có thi đấu không? Cứ xuống nước vận động, hít thở là khỏe, là phê.
Chứng chỉ bơi lội để làm gì? Để treo tường cho đẹp hoặc để xin nhập học vào trường mới nếu trường bạn xin vào quy định thế. Hà Bá khi muốn bắt người chả trừ những người có loại giấy này ra đâu.
Bơi sinh tồn là gì? Là bơi sao đó để thoát khỏi nguy hiểm sông nước. Tùy từng loại nguy hiểm mà ta chọn kiểu bơi phù hợp. Bơi kiểu nào cũng được miễn là mất ít sức nhất, dễ quan sát, dễ ứng phó, dễ có cơ hội thoát nhất. Có thể là thả nổi ngửa, hay bơi chó, ếch, sải, ngửa, bơi tự cứu Dịch cân kinh, đứng nước, có thể là lặn… Chọn sai kiểu bơi sinh tồn có thể nguy hiểm hơn.
Đứng nước là gì, đứng nước khó hay dễ? Là quạt chân, quạt tay để đầu luôn nhô lên mặt nước với thân người đứng thẳng. Đứng nước khó và mất sức hơn Bơi tự cứu Dịch cân kinh. Vận động viên bóng nước (Water Polo) rất hay đứng nước. Mà đứng nước để làm gì mới là vấn đề.
Thở nước là gì? Là viết gọn của «Thở ra dưới nước», nhớ là thở ra chứ không được thở vào. Nếu bạn có thể bơi với đầu luôn nhô khỏi mặt nước thì chả cần học thở nước, cứ hít thở như bình thường.
Tuy nhiên, để giảm lực cản của nước, bơi cho đỡ mệt thì bạn cần nằm ngang và thế là cần học thở nước. Vấn đề là tại bạn thích bơi nhanh, bơi dài, bơi ít tốn sức, bơi đẹp như người khác nên cần học thở nước chứ đâu nhất thiết phải học?
ĐI THẲNG ĐỨNG – BƠI NẰM NGANG
Cả đời đi bộ thẳng thân
Học bơi sao bỗng lại cần nằm ngang?
Nằm ngang lúng túng, bàng hoàng
Úp sấp cả thàng (tháng) mà vẫn loay hoay
Ông Trời đúng thật là hay
Nghĩ ra lắm chuyện, suốt ngày trêu tôi
Ông ơi, tôi chịu ông rồi.
Dạy tôi bơi đứng để tôi không tèo
Thế nào là ôm nước và tại sao phải ôm nước?
Dân bơi chuyên nghiệp hay dùng từ «ôm nước» làm dân ngơ cứ chóng cả mặt, chả hiểu ôm nước thế nào. Rơi xuống nước thì nước nó ôm mình chứ mình ôm gì nó? Bản chất của việc ôm nước này là dùng tay ôm một phần, một bộ phận của nước để làm điểm tì, điểm tạo lực mà bơi tới.
Tay co lại, khum khum hình vòng cung rồi gồng tay quạt, đẩy khối nước đã được «ôm» ra sau để bơi tới. Chả cần ôm nước cũng bơi được nhưng rất mệt.
Khi ôm nước, cánh tay đòn ngắn hơn, khỏe hơn lại tận dụng được cả cơ lưng đẩy nước nên phải ôm nước là vì thế.
Làm thế nào để kinh doanh bể bơi hiệu quả?
Miền Bắc là vấn đề vì mùa đông giá lạnh ít người bơi. Muốn có nước nóng bơi 4 mùa và đông khách thì bể đừng to quá, sâu quá và chỉ dùng cho 1 hay 2 mục đích thôi (bơi hoặc dạy bơi), chứ ghép thêm thi đấu, bơi giải nọ giải kia vào là lỗ to vì ít khách. Cứ xây bể theo quy định của nhà nước và ghép 3 trong 1 thì tư nhân không kinh doanh được vì giá vé cao ngất.
Trước kia, có quy định, bể phải dài tối thiểu 25m, rộng 15m; nay rút xuống còn tối thiểu phải rộng 6m, dài 12m (?). Nhưng khi đã là kinh tế thị trường thì cứ có cung là có cầu. Trên thị trường giờ bán đủ các loại bể bơi, to đùng có, bé tẹo có chả theo một quy định nào.
Mới thấy những quy định cứng nhắc, bất hợp lý làm khổ nhà đầu tư, làm khổ người muốn học bơi, muốn đi bơi thường xuyên.
Ở Hà Nội, vé bơi ngày tầm tầm là 50.000-120.000đ, quá đắt; ở các vùng quê, vé bơi 15.000 -30.000 đồng một lần đi bơi cũng là quá đắt. Giá vé thế bảo sao ít người đi bơi và dân Việt Nam luôn chậm lớn hơn so với các nước khác. Sau 30 năm cao được thêm 3 cm.
Tự ta làm khổ ta vì những quy định, những hiểu biết không hợp lý. Lấy học bơi để phòng chống đuối nước là một hướng đi sai tệ hại, cướp mất sinh mạng hàng chục ngàn con trẻ trong những năm qua.
TS Phạm Anh Tuấn