1. Sân vận động Mapei, (Italia)
Nếu đã quá... chán với không khí bóng đá và không có việc gì làm, bạn hoàn toàn có thể... xách cần câu lên và đi bắt cá với các khán giả khác! Đây là chuyện có thật 100%! Nếu không tin, bạn có thể kiểm chứng khi tới SVĐ Mapei của CLB Sassuolo (Italia).
Có một hào nước nhỏ đã được đào ra trên sân bóng này hồi năm 1995 với mục đích ngăn các CĐV tìm đường xuống sân, nhưng sau hơn một phần tư thế kỉ, nó đã trở thành một nơi để người ta... nuôi cá. Chính vì vậy mỗi khi buồn chán, cổ động viên đội nhà lại lôi cần câu ra và tranh thủ kiếm cho mình một bữa ăn ra trò.
2. Sân vận động Cierny Balog, Slovakia
Người yêu bóng đá ở khu vực núi Slovak Ore, Slovakia đã quá quen với việc đang căng mắt theo dõi một pha bóng gay cấn thì xuất hiện đoàn tàu nhả khói mù mịt chạy ngang qua đường piste.
Đó là vì tại sân vận động thành phố có một cặp đường ray xe lửa đi qua. Khi tuyến đường sắt được khởi công, sân vận động ở Cierny chưa xuất hiện. Sau đó, khu vực này phát triển, cùng với tuyến đường sắt ngừng hoạt động vào năm 1982, sân vận động bắt đầu được xây dựng. Tuy nhiên 10 năm sau, đường sắt này bắt đầu chạy lại như một tuyến đường di sản cho khách du lịch, dài 17 km.
Dù khá là thú vị nhưng đôi khi sự độc đáo của sân vận động này lại gây nên những trải nghiệm chả mấy vui vẻ cho các cổ động viên. Đã rất nhiều lần họ bỏ lỡ những pha bóng nguy hiểm và những bàn thắng do đoàn tàu chạy qua. Những tiếng ồn cũng khiến cho các cầu thủ mất tập trung và phải dùng hết công suất để gào lên với đồng đội.
3. Sân vận động Shibuya, Tokyo, Nhật Bản
Trên mái của nhà ga Shibuya Station đã mọc lên một sân bóng với thiết kế kỳ lạ. Nó là tác phẩm của kiến trúc sư nổi tiếng Tadao Ando. Sân bóng được xây dựng vào năm 2001, chuẩn bị cho FIFA World Cup 2002 do Nhật Bản và Hàn Quốc đăng cai tổ chức.
Với diện tích hơn 4.200 m2, sân Shibuya là phiên bản thu nhỏ của một sân bóng thông thường nhưng cơ sở vật chất thì không kém phần long trọng so với các sân đấu khác đâu nhá.
4. Sân vận động The Float Marina Bay – Singapore
Sân vận động nổi The Float Marina Bay là một trong những sân vận động kỳ lạ nhất thế giới. Đúng với tên gọi của nó, sân được xây trên mặt nước giữa vịnh Marina nổi tiếng của đảo quốc sư tử.
Điều đặc biệt là phần sân và phần khán đài lại chả liên quan đến nhau. Phần sân được thiết kế nổi trên mặt nước như một chiếc phao lớn. Nó được làm toàn bộ bằng thép và chịu được lực 1.070 tấn – tức là khoảng 9.000 người có mặt cùng một lúc trên sân vẫn vô tư.
Trong khi đó thì xa xa bên kia bờ, khán đài của sân vận động này được thiết kế nằm thụt bên trong đất liền có sức chứa khoảng 30.000 người. Và sức chứa này thì còn hoành tráng hơn cả sân vận động quốc gia của Singapore.
Ngoài việc làm một sân vận động thông thường thì The Float Marina Bay còn được trưng dụng để tổ chức các buổi hòa nhạc và trưng bày quốc tế.
5. Sân vận động Ottmar Hitzfeld – Thụy Sĩ
Sân Ottmar Hitzfeld được gọi là SVĐ bóng đá không dành cho những người yếu tim bởi nó nằm ở độ cao hơn 2000m so với mực nước biển. Sân vận động này được đặt theo tên vị HLV nổi tiếng người Đức nhiều năm dẫn dắt đội tuyển quốc gia Thụy Sĩ.
Sân Ottmar Hitzfeld thuộc quyền sở hữu của đội bóng cấp làng FC Gspon. Với độ cao hơn 2000m thì cỏ tự nhiên rất khó sống nên sân được thiết kế mặt cỏ nhân tạo. Khán giả muốn đến xem các trận đấu phải di chuyển theo hệ thống cáp treo, đặt tại ngôi làng kế bên Stalden.
Do nằm trên sườn núi, các kỹ sư đã làm lưới quây cao tới 10m. Tuy nhiên thì mỗi trận vẫn phải mất 7-10 quả bóng do các cầu thủ đá bay qua tấm lưới chắn bao quanh.
Khánh LinhBạn đang xem bài viết Top 5 sân vận động kì lạ nhất hành tinh (Phần 1) tại chuyên mục Thể dục- Thể thao của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].