Gia Đình Mới giới thiệu series bài viết về Phòng, chống đuối nước do TS Phạm Anh Tuấn, Trưởng dự án “Phòng chống tai nạn sông nước cho học sinh với E-Bơi, người có tâm huyết với công việc này gần 20 năm nay.
Trẻ em đang được bảo vệ khỏi đuối nước như thế nào?
Hiện nay Việt Nam có Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 (Phê duyệt 5/2/2016); có một Ủy Ban Quốc Gia về Trẻ em (UBQGVTE, thành lập 16/6/2017).
Theo Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 – 2020, trong phòng chống đuối nước, mục tiêu của UBQGVTE là:
- Giảm 6% số trẻ em bị tử vong do đuối nước so với năm 2015;
- 40% số trẻ tiểu học và trung học cơ sở biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước;
- 90% trẻ em sử dụng áo phao khi tham gia giao thông đường thủy;
- 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thí điểm chương trình bơi an toàn cho trẻ em.
Năm 2019, thử nhìn lại những mục tiêu của UBQGVTE:
Mục tiêu 1, giảm 6% số trẻ đuối nước so với năm 2015: Có khả năng hoàn thành. E-Bơi tạm tính ví dụ là nếu năm 2015 có 3.000 em bị đuối nước thì năm 2020 số trẻ bị đuối nước sẽ là 2.820 (giảm 6%).
Như vậy, trong 5 năm (2016 - 2020), UBQGVTE giúp giảm được ~ 36 em/năm (~180 em/5 năm) không bị chết đuối.
Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH mới đây, hàng năm Việt Nam có khoảng 2.500 trẻ bị đuối nước, nhưng cũng có nhiều thông tin tính trung bình con số cao hơn. Hy vọng, Cách mạng 4.0 với Big data và Internet kết nối vạn vật, việc tổng hợp, thống kê những số liệu kiểu này chính xác hơn.
Còn 3 mục tiêu còn lại, thực chất là biện pháp để đạt mục tiêu số 1 tuy nhiên lại khó định lượng. Riêng năm học 2018 – 2019, Việt Nam có khoảng 14 triệu học sinh tiểu học và trung học cơ sở.
Để dạy cho 3 triệu em học sinh (~ 20%) biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước chỉ trong mấy tháng hè là điều khó khả thi nếu cứ dựa vào học bơi ở bể bơi.
"Trong quá trình làm phòng chống đuối nước cho trẻ, E-Bơi đã 3 lần gửi thư tới các lãnh đạo cấp cao của nhà nước (Phó Thủ tướng, Thủ tướng) và các bộ ngành liên quan (2009, 2011, 2017) với kiến nghị đưa phòng chống đuối nước vào dạy trong trường học, rất tiếc kiến nghị này chưa được quan tâm, lắng nghe".
TS Phạm Anh Tuấn
Kỹ năng an toàn chống đuối nước là kỹ năng sinh tồn, cần được học và ôn luyện thường xuyên từ đó hình thành phản xạ có ý thức cho học sinh chứ không phải chỉ học, nghe một vài lần là xong.
Cũng dễ thấy một nghịch lý là nếu 3 mục tiêu hay biện pháp phía dưới được hoàn thành tốt thì tại sao lại đặt mục tiêu 1 giảm số tử trẻ tử vong do đuối nước rất thấp như vậy?
Đáng chú ý, mọi hoạt phòng chống đuối nước, nếu tập trung vào chủ thể trẻ em (người thụ hưởng) được thực hiện trong mấy tháng hè (mùa vụ) bằng việc học bơi là chính (còn gọi là bơi an toàn). Tuy vậy, ở Việt Nam, trẻ em lại bị đuối nước quanh năm, nhất là vùng nông thôn.
Nghịch lý: Biết bơi đôi khi nguy hiểm hơn không biết bơi
Thống kê tai nạn đuối nước của trẻ Việt Nam cho thấy, biết bơi chưa đủ đảm bảo an toàn, đôi khi nguy hiểm hơn là không biết bơi.
Môi trường nước ở Việt Nam quá không an toàn nên khi trẻ xuống nước bơi là đã đối mặt với rủi ro. Ngoài ra, việc đưa bơi lội vào dạy phổ cập trong trường học là không khả thi, dù các nhà quản lý đã muốn như vậy cả chục năm nay.
Để bảo vệ trẻ khỏi đuối nước, quan trọng nhất là dạy cho các em biết đánh giá môi trường nước nguy hiểm hay không nguy hiểm để quyết định có nhảy xuống nước bơi hay không.
Phòng chống đuối nước không phải là bơi lội, không phải là môn thể thao quần chúng, không phải là dạy trẻ bơi để thi đấu.
Học phòng chống đuối nước
Để thấy nguy tránh ngay
Chớ có dại thử sức
Hà Bá bắt có ngày!
Hiện nay tình trạng đuối nước của trẻ em Việt Nam nghiêm trọng bởi số trẻ em Việt Nam bị đuối nước/chết đuối hàng năm cao gấp 10 lần con số tương tự của các nước phát triển và cao gấp 3- 4 lần của các nước trong khu vực cũng được mà nói là không nghiêm trọng cũng được.
Dù vậy, trong hơn chục năm qua các chính sách, biện pháp bảo vệ trẻ em khỏi đuối nước không có gì thay đổi. Vẫn mặt trận, vẫn lấy học bơi làm gốc và vẫn mùa vụ như thế.
Cần đưa phòng chống đuối nước thành 1 môn học bắt buộc cho học sinh tiểu học
Theo E-Bơi, song song với hoạt động hiện nay của UBQGVTE, Bộ GD&ĐT nên xem xét đưa nội dung Phòng chống đuối nước thành một môn học bắt buộc cho học sinh tiểu học.
Việc này là khả thi vì học phòng chống đuối nước không phải là học bơi, không cần đầu tư tốn kém, thầy cô nào cũng có thể dạy được sau 1-2 ngày tập huấn. Việc dạy và học này cũng rất phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông cho tiểu học mới được phê duyệt.
Chương trình Giáo dục phổ thông Chương trình tổng thể
(Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT, 26/12/2018, Bộ Giáo dục & Đào tạo
Phòng chống đuối nước có thể được dạy trong một số tiết của giáo dục thể chất (70 tiết/năm) hay trong một số tiết của hoạt động trải nghiệm (105 tiết/năm).
Hiện Việt Nam có 15.277 trường tiểu học với 8,4 triệu học sinh. Nếu số lượng học sinh này được học phòng chống đuối nước từ đầu năm học 2019 - 2020 thì sẽ thấy ngay hiệu quả.
Trẻ tiểu học cần học gì trong môn Phòng chống đuối nước? E-Bơi gợi ý là các em sẽ học 10 nội dung dưới đây:
Một Biết Đuối nước - Tại sao?
Hai Biết Đuối nước Nơi Nào xảy ra
Ba, Bốn Biết Nước, Biết Ta
Năm là Biết cách Thở ra, Thở vào
Sáu Biết Lặn / Nổi lên cao
Bẩy Biết Chuyển động thế nào cho xinh
Tám Bơi kiểu Dịch cân kinh
Chín Biết cứu bạn, cứu mình khi nguy
Mười, Nhấn tim, thổi ngạt học đi
Phòng chống đuối nước có gì khó đâu!
Những nội dung trên có thể dạy hoàn toàn trên cạn thông qua các trò chơi, thơ ca, hỏi đáp, phân tích tình huống... Kết quả có thể được đánh giá qua trắc nghiệm hay qua các hoạt động trải nghiệm.
Tai nạn đuối nước của trẻ sẽ không còn khi hội tụ đủ 3 điều kiện sau đây:
- Trong năm học, nhà trường dạy trẻ phòng chống đuối nước;
- Mùa hè, trẻ được tham gia các hoạt động bơi lội, thực hành các kỹ năng an toàn trong môi trường nước do UBQGVE tổ chức;
- Ở nhà, bố mẹ quan tâm nhắc nhở, dạy trẻ kỹ năng phòng chống đuối nước.
Hãy chung tay Cho một Việt Nam không còn trẻ bị đuối nước!
TS. Phạm Anh Tuấn
Bạn đang xem bài viết Trường học là nơi tốt nhất dạy trẻ phòng chống đuối nước tại chuyên mục Kỹ năng sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].