Nhiều trường tư hiện nay, vì cạnh tranh về kết quả để ‘nâng điểm’ nhà trường thường tổ chức dạy sớm cho các con từ giữa hè và mỗi ngày giao cả núi bài tập về nhà, gấp nhiều lần trường công.
Nhà báo Thành Huyên là một bà mẹ bỉm sữa điển hình: Lúc nào cũng nghĩ về con cái và không ngừng lo lắng mọi nơi, mọi lúc cho cuộc sống gia đình.
Những suy nghĩ, đắn đo về bất kỳ vấn đề gì, chị cũng đều dành một phần trong ấy để tính tới những phần trăm, dù là nhỏ nhất về sự ảnh hưởng của nó tới tổ ấm của mình.
Do đó, việc lựa chọn trường công hay trường tư cũng là một trăn trở rất lâu của chị vì đó là quyết định quan trọng. Chị có những quan điểm, lý lẽ riêng cho việc này.
Gia Đình Mới xin phép đăng tải ý kiến của chị để tiếp tục thảo luận cho chủ đề: Chọn trường công hay trường tư cho con.
'Lựa chọn trường công không phải là một quyết định dễ dàng đối với tôi, nhất là khi con gái tôi hội đủ mọi thứ để một người làm mẹ phải bận tâm: khó ăn, khó ngủ, khó hòa nhập và còi dí dị.
Hơn thế nữa, đến tận ngày cuối cùng của tuổi mẫu giáo, con gái tôi – bé Mốc vẫn chưa biết một chữ bẻ đôi.
Trong khi cô bạn gái gắn bó nhất của Mốc – con của vợ chồng người bạn thân thiết nhất của gia đình tôi, thì đã được quyết định học một ngôi trường tư, rất khá!
Nhưng vợ chồng tôi lại quyết định cho con học trường công.
Gần nhà là quan trọng nhất
Lý do đầu tiên tôi quyết định để con học trường công, thậm chí không phải trường điểm gì mà chỉ là một ngôi trường làng, ấy là yếu tố gần nhà.
Trường Mốc học chỉ cách nơi chúng tôi ở khoảng 500m. Với các bạn trong lớp con, nếu có xa hơn cũng chỉ chút xíu. Đây là một lợi thế tuyệt vời của những ngôi trường công.
Do chính sách ưu tiên giáo dục của nhà nước, trường công thường được đặt ở trung tâm khu dân cư, lại tuyển sinh đúng tuyến nên mặc nhiên hầu hết các con sẽ được học gần nhà.
Học gần nhà các con có lợi gì? Vô số. Đầu tiên và dễ thấy, các con được ngủ muộn hơn một chút buổi sáng, được về đến nhà sớm hơn một chút buổi chiều.
Quãng đường về nhà vì ngắn nên không ngại bị tắc, kẹt, giảm nguy cơ bị các sự cố tai nạn giao thông.
Ngày mưa ngày nắng, ngày nóng ngày lạnh, việc di chuyển cũng nhẹ nhàng đơn giản hơn với đủ các lựa chọn có thể như đi bộ, xe đạp, xe máy, xe ô tô….
Khi lớn hơn một xíu, khoảng lớp 3, với khoảng cách trên dưới 1km, trẻ có thể tự đi đến trường và tự về nhà.
Đây là một trải nghiệm vô cùng thú vị với mọi đứa trẻ. Khoảng thời gian này, và không gian này sẽ do con mình làm chủ.
Thủa bé, tôi đã có những người bạn thân nhờ những buổi đi học ấy, và tôi hy vọng con gái tôi cũng sẽ có nhiều kỷ niệm đẹp như mẹ.
Yêu thương và chia sẻ
Nếu như ở trường tư, hầu hết các con đều thuộc nhóm gia đình khá giả, thì tại trường công có cả con nhà nghèo, rất nghèo, có cả học sinh cá biệt, có bạn khuyết tật….
Con gái tôi vì thế mà biết được mình may mắn hơn các bạn ở cái gì; cũng nhờ thế mà biết được gia đình mình ở vị trí nào trong xã hội rất sớm.
Học nửa năm, ở lớp có bạn nghèo, được miễn học phí. Cô giáo kêu gọi các phụ huynh ủng hộ mua thêm đồ dùng học tập cho bạn.
Tôi có cơ hội giải thích cho Mốc về những việc làm ấy, động viên con chia sẻ đồ của mình với bạn.
Quen đủ đầy, con tôi ban đầu có bỡ ngỡ về bạn mình, nhưng dần dần, con biết chú ý tới bạn hơn. Có bữa con kể con chia phần bánh của mình với bạn, có bữa con xin mẹ cuốn vở tặng bạn.
Điều tuyệt vời hơn nữa là con tôi có khái niệm ‘những người thiệt thòi’ và ‘chia sẻ’ , ‘tương thân tương ái’ một cách rất tự nhiên, không cần tôi dùng những lý thuyết giáo điều để nói.
Mặt tích cực của việc giáo viên đảm nhiệm 50-60 học sinh
1 giáo viên trường công sẽ đảm nhiệm khoảng 50-60 học sinh. Năm nào cũng vậy. Điều đó luyện rèn cho các thầy cô tính kiên nhẫn, kỹ năng quản lý và nhu cầu bắt buộc nâng cao chuyên môn.
Cô giáo của Mốc khoảng hơn 40 tuổi. Tôi đã nhiều lần đứng ngoài cửa lớp, theo dõi cách cô ‘chỉ huy’ gần 60 con và thực sự thán phục.
Tôi ở nhà, quản hai đứa con, nhiều khi đã loạn lên. Ấy vậy mà cả một lớp học đông nghìn nghịt vẫn răm rắp đâu vào đấy ở tiết học chính, vẫn vô cùng sôi nổi ở tiết ngoại khóa…
Cô giáo gần như thuộc hết khả năng, tâm tính của từng con. Với bé này tôi thấy cô nghiêm khắc khi nhắc nhở; với bé khác tôi lại thấy cô nhẹ nhàng thủ thỉ phân tích. Vô cùng nhẫn nại.
Mỗi cuối buổi, bọn trẻ được chia tổ ở lại trực nhật cùng cô vì trường Mốc không thuê lao công. Tôi thấy cô tỉ mỉ hướng dẫn các con cầm chổi quét thế nào, gom rác thế nào…
Con gái tôi đi học hết lớp 1, về nhà, biết quét nhà giúp mẹ, biết xếp ghế sau bữa ăn… những việc tôi chưa từng dạy con mà là cô giáo.
Còn khoản chuyên môn ư? Thì đấy, Mốc bước vào lớp 1 không biết một chữ. Suốt cả năm học, vì xác định để con thoải mái, tôi không cho con học thêm gì. Cuối tuần đi chơi xả thoải mái.
Nhưng khoảng 2 tháng sau khi vào lớp 1, Mốc đã đọc tốt. Hết lớp 1 đọc thông viết thạo, đọc được cả tiểu thuyết chữ nhỏ của mẹ nhoay nhoáy; làm toán trong phạm vi 100.
Điều đáng nói ở đây là suốt năm học, con tôi vô cùng nhẹ nhàng chuyện làm bài về nhà. Mỗi ngày, cô chỉ phát cho nửa tờ giấy,con luyện viết và toán vào đó hết khoảng 15 phút, vô cùng vừa vặn.
Nhiều trường tư hiện nay, vì cạnh tranh về kết quả để ‘nâng điểm’ nhà trường thường tổ chức dạy sớm cho các con từ giữa hè và mỗi ngày giao cả núi bài tập về nhà, gấp nhiều lần trường công.
Dù lớp học có tới gần 60 con, hết năm học, cô giáo của con tôi đã phân loại được gần như hết. Nhóm bạn nào có năng khiếu ca nhạc; các con nào vẽ đẹp; con nào có khả năng điều hành lãnh đạo… tất cả đều khá chuẩn….
Và khi tôi dò hỏi, thì hầu hết các lớp, các cô giáo đều làm được việc đó, như là một phần nội dung các cô phải hoàn thành sau một năm chủ nhiệm.
Các cô giáo, như cô chủ nhiệm của con tôi, đều là giáo viên biên chế. Nghĩa là, nếu không có đột biến, các cô sẽ gắn bó với nhà trường suốt cuộc đời đi dạy, khác với giáo viên trường tư hầu hết là hợp đồng ngắn hoặc dài.
Con cái không chỉ gắn bó với cô trong một năm mà có thể còn gặp lại cô trong những năm học sau ở ngôi trường, thậm chí khi đã lớn trở về. Tôi gọi đùa đó là quá trình chuyển giao giáo dục không bị đứt đoạn.
Chi phí vô cùng rẻ
Tiền học là một vấn đề không hề nhỏ. Tôi đã từng cân nhắc giữa một trường tư 6 triệu đồng/tháng và trường công hiện tại của con và đây là một điểm cộng tôi dành cho trường công.
Nếu không tham gia các môn ngoại khóa, bao gồm cả ăn bán trú, con gái tôi phải nộp khoảng hơn 500 ngàn đồng/tháng.
Nếu học vài môn phụ, và đăng ký đón con muộn, thì tổng chi phí một tháng cho Mốc cũng chưa bao giờ tới 1 triệu đồng.
Với khoản dư trong kế hoạch cho con học trường tư, tôi chia ra được nhiều khoản khác: mua bảo hiểm nhân thọ cho con, một vài lần ủng hộ từ thiện đều đặn trong năm cho những hoàn cảnh khó khăn, cho con tham gia các khóa kỹ năng mềm đủ chuẩn ở bên ngoài trường học và tất nhiên, vui chơi giải trí….
Ở trường công, các khoản quỹ hội phụ huynh này nọ cũng thấp theo mức chi trả chính thức. Như với Mốc, tôi phải nộp 400 ngàn cho 1 năm tiền quỹ (bao gồm trong đó có cả 2 bữa buffel, quà tặng cuối năm cho học sinh có thành tích, 8/3, trung thu cho các con).
Phần còn lại, như tất cả các trường công tư là lễ tết cho các thầy cô, nhà trường – rất vừa phải, hầu như chỉ có giá trị là kỷ niệm, tri ân.
Tôi cũng không phong bì cô giáo của con. Cái này tôi nghĩ quàng vào thành tệ nạn của trường công là không đúng, mà do ở phụ huynh.
Các ngày lễ, tôi vẫn mua quà để con tặng cô, khi là cuốn sách, lúc là bông hoa hồng. Con gái tôi vẫn được cô quan tâm như các bạn, không hề kém.
Điểm 'cộng' và điểm 'trừ'
Có một vài yếu tố khác tôi chấm điểm cộng cho trường công như việc giúp trẻ có sự va chạm tốt hơn; được tham gia vào những cuộc sàng lọc sớm hơn nhưng cũng không thể phủ nhận hệ thống công lập hạn chế hơn hệ thống tư thục khoản ăn ngủ - đặc biệt là vệ sinh.
Với mức đóng góp thấp, các trường công lập có bữa ăn kém phong phú hơn các trường tư; các con thường phải ngủ ngay trên bàn học trải ra chứ không có khu nghỉ ngơi riêng, nhà vệ sinh kém sạch sẽ, khám sức khỏe hời hợt…
Nhưng, với những gì đã điểm ở trên, với kết quả từ con gái tôi sau 1 năm đi học: tự ăn, tự giác học, tự vệ sinh cá nhân được, biết yêu thương chia sẻ, biết rằng mình múa và vẽ rất đẹp, biết yêu trường – yêu cô…
Tôi chắc rằng, khi bé thứ hai nhà tôi vào lớp 1, năm tới đây, tôi vẫn chọn hệ thống công lập để cháu được rèn giũa, học tập và trưởng thành trong những năm đầu tiên của cuộc đời đèn sách!