Tự nhận mình là một 'bà mẹ bỉm sữa', nhạy cảm với những thay đổi của con, một trong những vấn đề quan tâm nhất của chị Nga Trần chính là làm sao để chọn cho con một ngôi trường tốt nhất.
Con chị, bé Sồi năm nay bắt đầu bước ngoặt quan trọng là vào lớp 1.
Đối với chị, ngôi trường không chỉ là nơi để học mà còn là một môi trường trưởng thành của con. Chị chia sẻ với Gia Đình Mới suy nghĩ của mình.
Trước khi cầm bút ký vào bản hợp đồng mua trả góp một căn hộ, mình đã giật mình và nghĩ: tại sao lại phải thêm gánh nặng cho mình, tại sao phải nghĩ hàng tháng trả thêm một đống tiền để có thêm một cái nhà, trong khi con mình xứng đáng được nhận nhiều hơn thế?
Tuy nhiên, đấy không phải là lý do mà mình quyết định cho con học trường tư. Vì ngay khi mang bầu Sồi, hai vợ chồng đã bảo nhau rằng, sẽ cố gắng ‘cầy cuốc’ để con được ở trong môi trường tốt nhất.
Nhưng suy nghĩ đó giống như một ánh sáng soi rọi lòng mình, nung nấu thêm ý định ‘toàn tâm, toàn ý’ đầu tư vào sự nghiệp học hành của con, và chấp nhận trả một khoản tiền không nhỏ hàng tháng dù con mới vào lớp 1.
Mình không hề bài xích trường công, vì thế hệ 7x của mình đã gắn bó với những lớp học đầy yêu thương từ những ngôi trường công danh tiếng.
Nhưng có lẽ do mình học chuyên từ bé, mỗi lớp chỉ có tối đa 30 học sinh, thế nên trường công đối với mình nhẹ nhàng lắm, các bạn đều rất ngoan ngoãn, chăm chỉ.
Cho đến bây giờ, cũng nhiều bạn thành đạt, làm ông nọ bà kia, kiếm tiền cũng tốt mà vị trí xã hội cũng tốt.
Thế nhưng trong những lần coffee tám đủ thứ chuyện trên trời dưới biển ấy, kiểu gì câu chuyện cũng lại quay lại chuyện nuôi dạy con cái và học hành.
Và những đứa trẻ - đã – già (là những người được coi là thành đạt ấy), đều thống nhất rằng: mình đã bị đánh mất tuổi thơ!
Chúng mình, những đứa con được coi là chăm chỉ, giỏi giang ấy, chỉ biết ngày đêm cày bên bàn học, lơ ngơ như những con gà công nghiệp và hầu như không có thời gian để ngó nghiêng những hoạt động khác.
Kỹ năng sống, những buổi tham quan, dã ngoại, hoạt động tập thể, những buổi lễ kỷ niệm… trở nên xa xỉ. Tất nhiên, khi chúng mình lớn lên đã tự học thêm và bù đắp rất nhiều, nhưng vĩnh viễn không thể có được những trải nghiệm của đôi mắt trẻ thơ.
Có lẽ vì thế mà mình nghĩ, trong quyết định chọn trường tư cho con, có cả những khát khao, hoài bão của chính cuộc đời của những người như mình trong đó.
Đó không chỉ là tình yêu muốn cho con những điều tốt đẹp, mà hơn hết, đó là sự kỳ vọng về những giấc mơ chưa thành của chính những người làm cha mẹ, được xây đắp trên năng lực của đứa con mình.
Mình đã đọc nhiều cuốn sách về nuôi dạy con, và cực kỳ ấn tượng với cuốn ‘Vô cùng tàn nhẫn, Vô cùng yêu thương’.
Cuốn sách đó đã làm sáng tỏ một điều, rằng, hãy học cách yêu thương con, học cách lắng nghe và dẫn dắt con đi theo con đường phù hợp nhất với con một cách khoa học.
Trường công hay trường tư, đó là sự lựa chọn. Và tất nhiên trước khi lựa chọn, mỗi bậc cha mẹ phải biết bạn muốn gì ở con bạn.
Với Sồi, bằng cách quan sát và song hành cùng con, mình nhận thấy rằng, con sẽ phát triển được tốt nhất trong môi trường học mở, khuyến khích sự sáng tạo, tìm tòi, dám nghĩ và dám chịu trách nhiệm.
Sồi biết đọc thông thạo hồi 5 tuổi, biết làm toán cộng trừ dưới 100, độc lập, ham học hỏi nhưng lại không thích học tiếng Anh, rất ngại giao tiếp với người nước ngoài.
Mình nghĩ, con sẽ phát huy được niềm yêu thích toán học và ngôn ngữ với những bài tập nâng cao, đồng thời sẽ dạn dĩ hơn nếu số tiết tiếng Anh hàng tuần cao hơn nhiều so với trường công lập.
Ấn tượng đầu tiên của mình khi con học trường tư là cách ứng xử của cô giáo chủ nhiệm khi con mình bị một bạn trong lớp học hè bắt nạt.
Buổi sáng mình đưa con ra xe bus, có nói với cô Mor (cô chịu trách nhiệm đưa đón các con), lát sau đến văn phòng đã thấy cô giáo chủ nhiệm gọi hỏi chi tiết, rồi chiều về thấy con kể là mẹ bạn gây chuyện với con đến nói chuyện với hai bạn, xin lỗi con và bạn đánh cũng đã xin lỗi con.
Buổi tối, cô giáo chủ nhiệm cũng lại gọi điện thông báo đã xử lý chuyện này như thế nào. Rồi chính cô giáo chủ nhiệm đó đã không dưới 3 lần đề nghị với mình nên chuyển con sang học hệ quốc tế, vì như vậy con sẽ phát huy hết được khả năng.
Những nhận xét xác đáng cả về mặt mạnh và mặt hạn chế của cô giáo về con (dù chỉ trong khoảng 3 tuần dạy con) làm mình suy nghĩ.
Dù chỉ là học Câu lạc bộ hè, chưa phải học chính thức, cô giáo cũng chả có nghĩa vụ phải quan tâm, chăm lo cho học sinh như khi học chính thức, nhưng việc cô giáo sâu sát với từng học sinh như vậy, chứng tỏ mình có thể tin cậy được vào môi trường này.
Và đúng là mình đã không phải băn khoăn về việc con ăn có ngon không, có đủ chất không, ngủ trưa có ngon không hay nhà vệ sinh có sạch sẽ không.
Mình an tâm vì con được học kỹ năng hàng ngày từ những điều nhỏ nhất, như cách chào hỏi, gấp chăn, xếp hàng.. đến việc học bơi, kỹ năng thoát hiểm, chống xâm hại… vì mình tin, kỹ năng là những gì cần được nhắc đến và làm đi làm lại hàng ngày.
Mình có thể mỉm cười và nhìn cách con tự sắp xếp các công – việc – của – mình: nhớ ngày nào mặc đồng phục gì, tính toán giờ ra xe bus cho kịp, làm bài tập và chuẩn bị sách vở trước khi đi học, đàm phán và thỏa hiệp với các bạn trong lớp để giải quyết các mâu thuẫn, tự lựa chọn Câu lạc bộ bóng đá sau khi đã tính toán thiệt hơn với môn bóng rổ hay cờ vua…
Và đặc biệt, mình hoàn toàn an tâm vì không phải nhấp nhổm lo việc ‘đối ngoại’ với cô giáo thế nào cho phải trong những ngày lễ, Tết, sinh nhật… - điều mà nhiều người bạn mình cho con học trường công lo lắng.
Khi cho con học trường quốc tế, mình không phải nhằm mục tiêu là để học cho nhàn. Mình biết khá nhiều các ông bố bà mẹ nghĩ rằng học trường tư cho nhẹ nhàng, nhưng không hẳn vậy.
Vì thực sự, học trường quốc tế không hề nhàn, khi mà khối lượng bài và lượng kiến thức con học hàng ngày thậm chí còn ‘nặng’ hơn trường công.
Điều quan trọng, là con được tập trung học những gì mà mình nghĩ sẽ cần thiết cho hành trang sau này của con, và con tiếp nhận những kiến thức đó với tất cả sự hứng khởi, say mê.
Mình tin rằng, một đứa trẻ như thế, được học các kỹ năng và phương pháp học, khi ra đời sẽ tự thu xếp ổn thỏa và vui sống một cuộc đời như con mong muốn mà không phải luyến tiếc điều gì.
Đương nhiên, không có gì là hoàn mỹ.
Ngôi trường mà Sồi đang theo học vẫn còn những điều cần khắc phục, nhưng cách Ban giám hiệu nhà trường lắng nghe và xử lý những ý kiến của phụ huynh học sinh, cách giao tiếp hàng ngày giữa cô giáo chủ nhiệm và cha mẹ, cách con trưởng thành mà vẫn hồn nhiên đã giúp mình khẳng định: mình đã đúng khi chọn trường tư cho con!
Nga TrầnBạn đang xem bài viết 'Mình đã đúng khi chọn trường tư cho con!' tại chuyên mục Học đường của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].