Đau tức cẳng chân 2 bên từ nhiều năm nay, cảm giác đau tức tăng khi đứng lâu, thường xuyên bị chuột rút về đêm làm bệnh nhân khó chịu, nghĩ rằng mình bị thiếu chất nhưng sự thật lại là bị suy tĩnh mạch.
Thông tin từ Bệnh viện ĐK Nông Nghiệp cho biết, đơn vị này vừa tiến hành can thiệp tĩnh mạch chi dưới thành công cho nữ bệnh nhân bị bị suy thân tĩnh mạch hiển lớn.
Được biết, bệnh nhân N.T.M. (nữ, 66 tuổi, ở Tam Điệp, Ninh Bình) bị đau tức cẳng chân 2 bên từ nhiều năm nay, cảm giác đau tức tăng khi đứng lâu, cùng với đó, bệnh nhân thường xuyên bị chuột rút cơ bắp chân về đêm làm bệnh nhân vô cùng khó chịu.
Bệnh nhân M. đã đến khám tại trung tâm ứng dụng công nghệ cao, Bệnh viện đa khoa Nông Nghiệp và được bác sĩ chẩn đoán bị suy thân tĩnh mạch hiển lớn và một số nhánh ra nông đoạn cẳng chân của tĩnh mạch hiển lớn 2 bên. Bệnh nhân đã được tư vấn và lựa chọn điều trị can thiệp nhiệt nội mạch bằng sóng cao tần (RFA).
Theo ThS.BS Tạ Xuân Trường, Phó trưởng khoa Nội tổng hợp, Trung tâm Ứng dụng công nghệ cao, Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp, phương pháp điều trị bằng sóng cao tần là một phương pháp điều trị tiên tiến, được ứng dụng điều trị tại một số bệnh viện lớn trong nước vài năm gần đây.
Nếu trước đây, khi điều trị suy tĩnh mạch chi dưới bệnh nhân phải phẫu thuật lột bỏ tĩnh mạch hiển gây sang chấn, mất máu và gây đau đớn, thì hiện nay, phương pháp can thiệp nội nhiệt mạch bằng sóng cao tần đã khắc phục được những hạn chế trên.
Ca can thiệp 1 chân thông thường chỉ diễn ra 25 – 30 phút, hạn chế đau và sang chấn cho bệnh nhân, bệnh nhân có thể xuất viện trong ngày (thường sau 4 tiếng theo dõi) và quan trọng là hiệu quả điều trị rất tốt, đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu.
Bác sĩ Trường cũng chia sẻ thêm, bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới là căn bệnh khá phổ biến và ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Nó chiếm khoảng 15 – 35% người trưởng thành, nữ giới thường gặp hơn ở nam giới.
Đặc biệt bệnh thường hay gặp ở các đối thượng thừa cân, béo phì, những người chửa đẻ nhiều lần, những người có nghề nghiệp phải đứng lâu, ngồi nhiều như bác sĩ, giáo viên, thợ may…, bệnh cũng thường gặp hơn ở những đối tượng có bố, mẹ đã mắc bệnh này.
Biểu hiện của bệnh khá đa dạng, nhưng thường là các triệu chứng sau: đau chân, nặng chân, cảm giác kiến bò, nóng rát ở chân, chuột rút chân về đêm, sưng phù chân.
Các cảm giác trên xuất hiện nặng hơn khi bệnh nhân phải đứng lâu, ngồi nhiều và giảm đi khi bệnh nhân giơ cao chân. Một số bệnh nhân thấy xuất hiện những đám tĩnh mạch nông nổi ngoằn ngoèo dưới da (rất nhiều người dân hay gọi đó là nổi gân).
Một số bệnh nhân có biến đổi màu sắc da ở chân, thường là ở cổ chân, cũng thường bị chẩn đoán nhầm là chàm da thông thường. Nặng hơn, có những bệnh nhân có những mảng loét da vùng cẳng chân.
Nếu được phát hiện và điều trị sớm, bệnh điều trị khá đơn giản và hiệu quả. Nhưng nếu để muộn, nhất là khi đã có những vết loét thì điều khị rất khó khăn, tốn kém mà ít hiệu quả. Thậm chí, một số trường hợp suy giãn tĩnh mạch có huyết khối, có thể gây nhồi máu phổi, tử vong cho bệnh nhân.
Để chẩn đoán bệnh, bệnh nhân cần được thăm khám lâm sàng và được siêu âm doppler mạch máu. Bác sĩ chuyên khoa sẽ cho chẩn đoán xác định bệnh, chẩn đoán giai đoạn bệnh và sẽ có các phương pháp điều trị phù hợp.
Các bác sĩ có thể sử dụng một hoặc một vài trong các phương pháp sau, tùy từng bệnh nhân mà lựa chọn cho phù hợp như: dùng thuốc trợ tĩnh mạch, đeo tất (vớ) áp lực, phẫu thuật, nhiệt nội mạch (laser hoặc sóng cao tần), keo sinh học.
Về dự phòng bệnh và hạn chế làm nặng bệnh, các chuyên gia khuyên bệnh nhân nên giảm cân nếu thừa, không nên đi giày, dép cao gót thường xuyên, không nên mặc quần chật, không nên đứng hoặc ngồi liên tục quá lâu (thỉnh thoảng phải ngồi giơ cao chân), nếu mắc bệnh rồi thì không nên ngâm chân nước nóng.
Có một số bài tập giúp hạn chế nặng bệnh đó là một số động tác nhón chân, căng bắp chân (có thể đến các cơ sở có chuyên khoa về bệnh tĩnh mạch chi dưới để được hướng dẫn chi tiết). Một số trường hợp là đối tượng nguy cơ cao thì có thể đi tất (vớ) áp lực loại dự phòng.