Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư của 2 nhà khoa học giành giải Nobel 2018 được công bố làm nhiều bệnh nhân săn lùng thuốc từ công trình nghiên cứu này.
Không ít người tốn rất nhiều tiền để tìm mua thuốc điều trị đích, thuốc thế hệ thứ 3, thuốc nâng cao thể trạng miễn dịch… chỉ vì nghe người khác bảo rằng những thuốc này là công trình nghiên cứu mới nhận giải Nobel 2018, có tác dụng chữa ung thư. Tuy nhiên, cách hiểu này là chưa đúng.
Trong bài viết này, TS. Nguyễn Hồng Vũ, Viện nghiên cứu City of Hope, California, USA sẽ nói rõ về các loại thuốc điều trị ung thư mà nhiều bệnh nhân đang săn lùng mua với giá khá đắt đỏ.
Dựa trên công trình khám phá các con đường điều hòa miễn dịch của 2 nhà khoa học giành giải Nobel 2018, nhiều công ty dược đã đầu tư, phát triển, thử nghiệm và đưa ra thị trường các thuốc với thành phần chính là các kháng thể kháng đặc hiệu lên các protein đích CTLA-4, PD-1, PD-L1 để ức chế chúng.
Trong số các thuốc điều trị ung thư được phát triển từ công trình nghiên cứu của 2 nhà khoa học, một số thuốc đã chứng minh được tính hiệu quả và an toàn nên đã được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép đưa ra thị trường sử dụng cho một số loại ung thư nhất định.
Các loại thuốc được biết đến nhiều trong liệu pháp miễn dịch gồm:
– Ipilimumab (tên thương mại: Yervoy, công ty sản xuất: Bristol-Myers Squibb) ức chế CTLA-4 được FDA cấp phép sử dụng cho bệnh nhân ung thư da (melanoma) vào năm 2011 và đang được thử nghiệm lâm sàng trên các bệnh nhân ung thư khác như ung thư phổi (non-small cell lung carcinoma, small cell lung cancer), ung thư bàng quang (bladder cancer) và ung thư tuyến tiền liệt (prostate cancer).
– Tremelimumab (công ty nghiên cứu: MedImmune/AstraZeneca): đang được thử nghiệm lâm sàng ở nhiều giai đoạn và trên nhiều loại ung thư khác nhau.
– Pembrolizumab (tên thương mại: Keytruda, công ty sản xuất: Merck) được FDA cấp phép sử dụng cho bệnh nhân ung thư từ năm 2014, đầu tiên trên bệnh nhân ung thư da (melanoma).
Sau đó, thuốc được cấp phép sử dụng trên nhiều loại ung thư khác và gần đây nhất (2017) là cho phép sử dụng trên tất cả các loại ung thư có biểu hiện khiếm khuyết cơ chế sửa lỗi bắt cặp (DNA mismatch repair deficiencies) hoặc tình trạng DNA bị mất ổn định cao (microsatellite instability-high state).
– Nivolumab (tên thương mại: Opdivo, công ty sản xuất: Bristol-Myers Squibb) được FDA cấp phép sử dụng trên bệnh nhân ung thư da vào năm 2014 và sau đó trên nhiều loại ung thư khác như ung thư phổi, thận, máu.
– Pidilizumab (công ty sản xuất: CureTech/ Medivation): còn đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 trên ung thư máu và ung thư tụy.
– Atezolizumab (tên thương mại: Tecentriq, công ty sản xuất: Roche) được FDA cấp phép sử dụng vào năm 2016 cho bệnh nhân ung thư phổi di căn (metastatic non-small cell lung cancer – NSCLC).
– Durvalumab (tên thương mại:Imfinzi, công ty sản xuất: AstraZeneca) được FDA cấp phép sử dụng vào năm 2018 trên bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn 3 không mổ được (unresectable stage III non-small cell lung cancer – NSCLC).
Ngoài các kết quả được chứng minh là hiệu quả và an toàn còn có rất nhiều thử nghiệm lâm sàng khác đang được tiến hành trên nhiều loại ung thư. Bởi các loại thuốc khác hoặc kết hợp với các phương pháp điều trị ung thư khác để tăng hiệu quả điều trị, bảo đảm độ an toàn.
Vậy nên, bệnh nhân ung thư cần cẩn trọng với các loại thuốc điều trị được rao bán tràn lan trên mạng, nên tham vấn ý kiến bác sĩ về việc sử dụng thuốc, không nên tự mua và sử dụng.
TS.Nguyễn Hồng Vũ - Tiến sĩ về Sinh học phân tử trong Y học.
Hiện TS.Nguyễn Hồng Vũ đang là nghiên cứu viên sau Tiến sĩ (Postdoctoral Fellow), Viện nghiên cứu City of Hope, California, USA.
TS Nguyễn Hồng Vũ đã cho công bố với thế giới một công trình rất giá trị do anh làm chủ nhiệm, đó là nghiên cứu về một hướng điều trị ung thư mới: Sử dụng vi khuẩn đường ruột Salmonella thay vì dùng hóa trị, xạ trị như thông thường.
Công trình này đã được công bố trên Cancer Research – một tạp chí chuyên ngành có uy tín hàng đầu trên thế giới về nghiên cứu ung thư.