Thuốc bôi trĩ có thành phần cao cúc tần có tốt không?

Từ xa xưa, cây cúc tần đã được sử dụng để chữa nhiều loại bệnh như ho, cảm sốt, nhức đầu, nhức xương… Với đặc tính khám viêm, giảm đau, cúc tần còn được dùng làm một trong các thành phần của thuốc bôi trĩ

Cúc tần là một loại thảo dược có tác dụng giải cảm, tán phong nhiệt, giáng hỏa, tiêu độc...

Công dụng của cúc tần đối với sức khỏe

Cúc tần thuộc họ cúc (asteraceae) thuộc dạng cây bụi, cao 1 – 2 m. Cành mảnh, lá mọc so le, hình bầu dục, gốc thuôn, đầu hơi nhọn, mặt trên và mặt dưới màu lục xám, mép khía răng, dài 4 – 5 cm, rộng 1 – 2,5cm, gần như không cuống.

Theo các nghiên cứu khoa học, cúc tần có chứa thành phần hóa học gồm: acid chlorogenic, lá chứa 2,9% protein, rễ chứa dẫn chát thiophen. Với những thành phần hóa học này, lá và rễ cây cúc tần có tác dụng dược lý chống viêm cấp tính, chống viêm mạn tính, hạ nhiệt, giảm đau.

Lương y Nguyễn Thanh Thúy cho biết, trong Đông y, cúc tần là vị thuốc có vị ngọt, hơi đắng, mùi thơm, tính mát, có tác dụng giải cảm, tán phong nhiệt, giáng hỏa, tiêu độc, làm sáng mắt, lợi tiểu, tiêu đờm, tiêu ứ.

Lá, cành non hoặc rễ cây cúc tần được dùng chữa cảm mạo, sốt không ra mồ hôi, phong thấp, tê bại, gân xương mình mẩy đau nhức, gãy xương, bong gân, sưng đau.

Bên cạnh đó, cúc tần còn có tác dụng giúp cải thiện hệ tiêu hóa, chữa lỵ, viêm họng, phù thũng, đái ít. Có khi dùng chữa sốt rét. Liều dùng ngày 8 – 16g thuốc sắc hay hoàn tán uống.

Để chữa cảm sốt, có thể nấu nước xông lá tươi cúc tần cùng các loại lá khác như lá tre, bưởi, sả, chanh, hương nhu.

Chữa ghẻ bằng cách lấy lá cúc tần tươi nấu nước tắm. Ngoài ra, cúc tần còn được giã nát lá và cành non, thêm rượu, xào cho nóng, đắp chữa đau, mỏi lưng. Dùng ngoài không kể liều lượng.

Rễ và lá cúc tần có tác dụng săn, hạ nhiệt và được dùng dưới dạng nước sắc làm thuốc ra mồ hôi chữa sốt. Nước ép lá được dùng trị lỵ. Nước hãm lá được dùng điều trị đau lưng và khí hư.

Lá được dùng nấu nước tắm, có tác dụng bổ thần kinh và dùng đắp tại chỗ để chữa chứng nhược cơ và những vết loét hoại thư.

Cúc tần được sử dụng làm thuốc chữa nhiều loại bệnh trong đó có bệnh trĩ

Một số bài thuốc chữa bệnh có cúc tần

Chữa cảm sốt: Cúc tần 20g, lá tre 20g, bạc hà 20g, kinh giới 20g, tía tô 20g, cát căn 20g, cúc hoa 5g, địa liền 5g. Dạng thuốc bột hoặc thuốc viên, mỗi ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần 4 – 6g.

Chữa cảm sốt, nhức đầu, ho, không có mồ hôi: Cúc tần 2 nắm, lá sả 1 nắm, lá chanh 1 nắm. Nấu nước xông và uống nóng, đắp chăn cho ra mồ hôi.

Chữa cảm sốt, nhức đầu, mình mẩy đau mỏi: Rễ cúc tần 20g, củ ráy dại (sao bỏ vỏ) 8g, rễ bưởi bung 12g, lá tía tô 8g, kinh giới 8g, gừng tươi 8g. Các loại thảo dược này đem sắc uống lúc nóng. Nếu sốt không ra mồ hôi thì trong uống, ngoài xông.

Chữa nhức mỏi gân xương, đau lưng: Rễ cúc tần 20g, rễ xấu hổ 20g, rễ bưởi bung 20g, rễ đinh lăng 10g, cam thảo dây 10g. Tất cả đem sắc uống.

Cao dán chữa sai khớp, bong gân, chấn thương: Các dược liệu ngải cứu, cúc tần, tinh dầu hồi, quế, menthol, camphor được nấu thành cao, rồi trộn đều với hỗn hợp keo cao su và đắp lên vết xương.

Chữa nhiễm khuẩn quanh vết thương phần mềm: Lá cúc tần 40g, lá xạ can 20g. Giã nhỏ đắp lên chỗ lở loét quanh vết thương.

Bài thuốc chữa bệnh trĩ: Kết hợp các loại thảo dược gồm lá cúc tần, lá ngải cứu, lá sung, lá lốt, mỗi thứ 1 nắm và thêm vài lát nghệ. Tiếp đó đem các loại thảo dược rửa sạch, đun sôi với nước sạch và để nguội khoảng 30 – 40 độ C. Sau đó, dùng nước này để ngâm, xông và rửa hậu môn khoảng 15 phút. Thực hiện mỗi ngày 1 – 2 lần và làm kiên trì để giúp giảm sưng đau, ngứa rát vùng hậu môn do bệnh trĩ gây ra.

An Bình/giadinhmoi.vn

Tin liên quan