Người bị bệnh tăng huyết áp cần lưu ý những điều sau đây trong những ngày nóng nực của thời tiết mùa hè…
Bác sĩ Nguyễn Chí Bình, Khoa Tim mạch – Hô hấp, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, nhiều người cứ nghĩ rằng bệnh lý huyết áp, tim mạch chỉ rộ vào mùa đông lạnh nên mùa hè thường chủ quan không thăm khám, không tuân thủ điều trị.
Nhưng thực tế, thời tiết nóng bức mùa hè cũng làm cho bệnh nhân tim mạch, huyết áp gặp phải tai biến nếu không tuân thủ điều trị, không tái khám và duy trì thuốc theo chỉ định.
Nói về những nguy cơ mà người bị tăng huyết áp có thể gặp phải trong mùa hè, bác sĩ Bình chỉ rõ, thời tiết nóng bức làm nhiều người ngại vận động và thường xuyên ngồi trong phòng lạnh bật máy điều hòa với nhiệt độ thấp.
Điều này là đặc biệt nguy hiểm với những người bị tăng huyết áp. Bởi, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột từ nóng sang lạnh sẽ khiến cho những mạch máu vốn đang ở trạng thái giãn nở bình thường tức thời co lại, dẫn đến huyết áp tăng cao.
Ngược lại, khi đang ở trong phòng lạnh lâu rồi di chuyển ra ngoài trời nóng cũng khiến huyết áp không ổn định, dễ bị hạ đột ngột.
Hơn nữa, với những người cao tuổi, họ thường tiết kiệm nên không bật điều hòa, không bật quạt, dẫn đến tăng nguy cơ xảy ra tình trạng sốc nhiệt, đột quỵ.
Ngoài ra, thời tiết oi nóng cũng gây ra tình trạng bức bối, khó chịu trong người, gây mất ngủ… và người mắc bệnh lý tim mạch, huyết áp sẽ dễ gặp phải tình trạng huyết áp tăng cao, đột quỵ.
Bệnh tăng huyết áp gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến não, tim, mắt, các mạch máu lớn... Có thể kể đến như các bệnh rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, suy tim, phù gai mắt gây giảm thị lực, suy thận, tắc mạch não, phình tắc thành động mạch chủ...
Nguy hiểm hơn, người bệnh không phải lúc nào cũng có các triệu chứng đau đầu, chóng mặt nên nhiều người trong số họ không biết mình mắc bệnh.
Đặc biệt, theo bác sĩ Bình, người bị tăng huyết áp thường mắc phải một số sai lầm trong quá trình điều trị bệnh dẫn đến gặp phải những biến chứng nguy hiểm.
Trong đó có việc không dùng thuốc thường xuyên theo đúng chỉ định, dùng mãi một đơn thuốc cũ mà không chịu đi thăm khám lại bệnh…
Nhất là thói quen “lên thì... uống, xuống lại... thôi” ở người bệnh tăng huyết áp mà không ít người đã phải nhập viện cấp cứu vì tai biến mạch máu não, di chứng liệt nửa người... do huyết áp gây ra.
Chính vì bệnh tăng huyết áp có diễn biến âm thầm, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nên các chuyên gia tim mạch khuyến cáo người dân cần chủ động kiểm tra huyết áp của mình, không đợi đến lúc có triệu chứng mới đo huyết áp. Đồng thời, cần tuân thủ việc thăm khám bệnh, duy trì dùng thuốc để giữ huyết áp luôn ở mức ổn định.
Điều trị tăng huyết áp nhằm hai mục đích: phòng ngừa lâu dài các biến chứng của bệnh. Nếu đã xảy ra các biến chứng thì điều trị tích cực chống tái phát và hạn chế tối đa tiến triển của bệnh.
Do đó, người bệnh tăng huyết áp cần tuân thủ một nguyên tắc điều trị quan trọng nhất, nhằm giảm các tai biến do tăng huyết áp, đó là điều trị lâu dài, thậm chí suốt đời.
Người bệnh tăng huyết áp tuyệt đối không được dừng thuốc và không nên tự ý đổi thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ điều trị.
Đối với người bệnh khi được kê đơn dùng thuốc điều trị tăng huyết áp, cần nhớ uống thuốc đều đặn hàng ngày như cơm ăn, nước uống.
Không được quên uống thuốc và phải uống thuốc đúng giờ. Bởi khi quên uống thuốc, uống thuốc thất thường sẽ làm cho huyết áp không được kiểm soát dễ gây tai biến.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần duy trì chế độ tập luyện thường xuyên, điều độ, phân bổ hợp lý về cường độ và thời gian tập. Nên tập khi trời mát như buổi sáng hoặc chiều tối, có thể chọn các bài tập dưỡng sinh, thái cực quyền, đi xe đạp chậm, đi bộ...
Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng giúp kiểm soát huyết áp rất tốt cho người bệnh. Trong các bữa ăn hàng ngày cần hạn chế muối, tránh thức ăn chiên xào, hạn chế các chất kích thích, đồ uống có ga, hạn chế mỡ, nhất là mỡ động vật.
Nên ưu tiên ăn cá, tiếp đó là các loại thịt gia cầm, thịt lợn. Tốt nhất là sử dụng thực phẩm hấp, luộc.
Người bị tăng huyết áp cần uống nhiều nước trong mùa hè để tránh tình trạng mất ước, bổ sung các loại rau củ, ngũ cốc thô, sữa và những sản phẩm từ sữa ít béo; ăn nhiều thực phẩm giàu chất kali như cà chua, khoai lang, nho, các loại đậu.
Theo các chuyên gia Đông y, một số loại thảo dược cũng có tác dụng giúp kiểm soát huyết áp hiệu quả nếu được sử dụng thường xuyên và đúng cách như: rau cần tây, tỏi, giảo cổ lam, cà chua, củ cải trắng, chuối tiêu…
Đặc biệt, tỏi không chỉ là gia vị quen thuộc trong nhà bếp mà nó còn được biết đến là bài bài thuốc dân gian có tác dụng hạ huyết áp nếu được sử dụng thường xuyên trong bữa ăn và dùng đúng cách.
Lương y Nguyễn Thanh Thúy (phòng khám Đông y Ích Thọ Đường) cũng cho biết, tỏi tươi từ lâu đã được ghi nhận có nhiều lợi ích cho sức khỏe, tăng cường miễn dịch, phòng ngừa các tim mạch, các bệnh đường hô hấp, giúp giảm huyết áp…
Trong thành phần của tỏi có rất nhiều hợp chất hữu ích như 18 axit amin, SOD enzin-polyphenol (phòng chống ung thư), S-allyl cysteine (giảm mỡ trong máu)...
Những chất này đã được chứng minh có tác dụng bảo vệ tế bào gan, giảm cholesterol, ngăn ngừa xơ cứng động mạch, bảo vệ tim mạch, ổn định huyết áp…
Tỏi đen sau khi lên men từ tỏi tươi sẽ bớt đi mùi hăng và vị cay, ngọt và dẻo gần giống hương vị của ô mai sấy khô. Hơn nữa, quá trình lên men không làm mất thành phần dược lý của tỏi mà còn tăng sinh các hợp chất này với hàm lượng cao hơn lần so với tỏi tươi. Từ đó, giúp nâng cao tác dụng phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh.