Những tài xế '6 sao': Khách Grab bỏ quên 320 triệu đồng, chàng sinh viên chạy xe khắp nơi đi tìm trả lại

'Bây giờ mất là khổ anh ấy, biết đâu còn vướng vào vòng lao lý, vậy nên em chạy khắp mọi nơi để tìm' - chàng sinh viên chạy Grab chia sẻ.

 

Choáng váng với số tiền lớn chưa từng thấy

Vũ Huy Cảng (22 tuổi) thi đỗ vào Trường Đại học Điện lực năm 2013, hiện giờ là sinh viên năm thứ tư ĐH Điện lực.

Gia đình làm nông, ăn học cùng những chi phí sinh hoạt ở Hà Nội cũng là một áp lực lên kinh tế, vậy nên Cảng cũng giống như nhiều sinh viên khác đã chọn hình thức chạy xe ôm Grab trang trải cho sinh hoạt hàng ngày. 

Một góc phòng trọ hơn 10m2 của Cảng

Trưa ngày 20/10, Cảng chở một người khách từ Đình Thôn (Mỹ Đình) đến ngân hàng ở gần cầu Vĩnh Tuy. Suốt đoạn đường hơn 20km, hai người cũng chỉ nói chuyện mấy câu, Cảng ấn tượng rằng đó là một người hiền lành, dễ mến. 

Từ Ngân hàng trở ra, người khách nói Cảng mở cốp xe cho anh để nhờ gói đồ. Tuy nhiên, khi đến điểm cuối cùng ở đầu ngõ 180 Trần Duy Hưng thì cả hai đều quên bẵng gói đồ trong cốp. 

Mãi đến chiều, Cảng mở cốp xe ra chuẩn bị lên đường cho những cuốc khách tiếp theo thì mới phát hiện ra gói đồ nó. Cảm giác sững sờ và bối rối choán ngợp tâm trí khi nhìn thấy số tiền trong túi - đó là rất nhiều cọc tiền 500,000 đồng, số tiền lớn mà Cảng chưa từng nhìn thấy tận mắt. 

Điều 'éo le' là Cảng và người khách kia đều không có số điện thoại của nhau, đồng nghĩa với việc muốn trả nhưng không biết tìm người ở nơi nào mà trả.

Chạy xe khắp nơi đi tìm trả lại

 

Cảng quay lại Trần Duy Hưng để xem liệu có ai đang tìm mình không, nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Anh để lại địa chỉ liên lạc nhưng chỉ dám nói khách quên đồ vì sợ không an toàn, rồi lại chạy xe lòng vòng trên đường Trần Duy Hưng mong thấy có thông báo tìm người hay manh mối nào đó.

Đến quá chiều, Cảng mới sực nhớ ra để chạy qua ngân hàng gần cầu Vĩnh Tuy, nhưng ngân hàng cũng đã đóng cửa. 

'Cuối cùng, em quyết định ra công an phường Quang Trung, quận Đống Đa, nơi đó gần chỗ em ở để trình báo. Vì lúc đó cũng tối nên công an cũng không tìm được người quên ngay, phải đến 12g đêm anh ấy mới tới' - Cảng chia sẻ. 

Chàng trai vui mừng sau khi trả lại số tiền cho người mất

Hoàn trả lại nguyên vẹn số tiền 320 triệu thì cũng đã hơn 1 giờ sáng. Cho đến khi ấy, Cảng mới biết người khách ấy tên Thắng, và đó là số tiền thanh toán công nợ của anh. Cảng nhận lời cảm ơn và hẹn gặp lại của anh, lòng thấy nhẹ nhõm, thanh thản vô cùng. 

Bố bảo 'Con trả tiền cho người mất là quyết định đúng đắn'

 

Cảng quê ở Xã Nghĩa An, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Nhà có 4 anh em trai, bố mẹ làm nông nghiệp, khi hết vụ lại đi làm thêm xây dựng. 

Tâm sự với phóng viên, Cảng cho biết anh cả đã lập gia đình, anh thứ hai đã đi làm còn em út đang học lớp 5. Trong thời gian thực tập và làm đồ án, Cảng tranh thủ chạy Grab để đỡ tiền lo làm đồ án, cũng đỡ phải xin bố mẹ. 

Người đầu tiên Cảng báo tin sau khi hoàn trả được tiền cho người để quên là bố. 'Bố có bảo con trả tiền cho người mất là quyết định đúng đắn. Con làm như vậy là vinh dự cho dòng họ mình, ông bà mình' - Cảng chia sẻ. 

Sự chính trực của Cảng có được chính là bắt đầu từ nền tảng gia đình: 'Dù là sinh viên, gia đình không có điều kiện, nhưng từ nhỏ bố mẹ ông bà mình đã dạy sống phải trung thực, cái gì không phải của mình thì nó sẽ không thuộc về mình.

Con người ai mà không có lòng tham, khi cầm trong tay rất nhiều tiền, mình chỉ mong tìm được người bỏ quên càng nhanh càng tốt để trả lại cho họ'.

Khi thấy số tiền lớn khó tưởng tượng ở ngay trước mắt, có rất nhiều suy nghĩ lẫn lộn trong tâm trí Cảng. Nhưng trên hết, vẫn là băn khoăn liệu khi mất số tiền ấy, người kia sẽ ra sao? 

'Cầm mớ tiền cảm giác chẳng sướng gì cả, như cầm cục giấy thôi'

'Nói thật số tiền quá lớn, cũng thoáng qua ý nghĩ nếu số tiền ấy là của mình, nhưng sau đó em nghĩ nếu tiền của anh ấy thì cũng cả tuổi trẻ mới làm ra, nếu không phải tiền của anh ấy thì cũng của nhiều người góp vào.

Bây giờ mất là khổ anh ấy, biết đâu còn vướng vào vòng lao lý hay con cái, vợ con khổ cực vì mất số tiền đó. Vậy là em chạy qua khắp mọi nơi để tìm' - chàng sinh viên chia sẻ đầy chất phác như thế. Cậu còn đùa với bạn bè: 'Cầm mớ tiền cảm giác chẳng sướng gì cả, như cầm cọc giấy thôi. Giá như tiền đấy mình trúng số hay làm ra cơ thì thích thật'. 

Lan tỏa những giá trị tốt đẹp

Hành động 'nhặt được của rơi trả  người đánh mất' tuy là một nguyên tắc đạo đức cơ bản, nhưng không phải ai cũng có thể cưỡng lại được sức cám dỗ của lòng tham khi đứng trước số tiền quá lớn như thế.

Bởi vậy, câu chuyện của Cảng sau khi chia sẻ đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi thì những người xung quanh. 

Chị Mai Thị Lan Hương cảm thán: 'Đọc mà rơi nước mắt vì xúc động! Thật sự xúc động vì đứng trước số tiền lớn như vậy và khó khăn như vậy để tìm đc đúng người trả lại quả là không dễ dàng chút nào'.

'Em ấy có khuôn mặt cực sáng. Mình tin e ấy sẽ có một tương lai sáng' - độc giả Hoàng Thu Thuỷ chia sẻ. 

 Cô giáo cũ của Cảng tỏ ra tự hào vì sự chính trực của học trò
thầy giáo trong khoa khen ngợi và cho biết khoa sẽ biểu dương hành động đẹp này 

Những tài xế '6 sao'

Đây không phải lần đầu tiên các tài xế xe trả lại số tiền có giá trị lớn cho khách bỏ quên. 

 Một tài xế khác từng được tuyên dương vì trả lại mấy trăm triệu khách để quên

Tối 7/1/2017, trời Sài Gòn mưa. Đón khách từ đường Phạm Ngũ Lão (Q.Gò Vấp, TP.HCM), sau khi trả khách tại địa chỉ trên đường số 5 (Q.Bình Thạnh), Nguyễn Viết Thanh nhận được tín hiệu đón khách tiếp gần đó.

Trên đường đi đón khách tiếp, anh Thanh nhận được cuộc điện thoại của khách hỏi có quên túi nhỏ ở trên xe không.

'Khách hỏi rất đàng hoàng, lịch sự. Họ hỏi là không rõ đã để quên túi đựng tiền trên xe của tôi không. Lúc đó trời mưa, nếu tham, tôi có thể nói chắc họ đánh rơi khi xuống xe mất rồi họ cũng chịu. Nhưng làm vậy thất đức quá.

Tiền của người ta cũng như tiền của mình, mồ hôi nước mắt hết. Cứ nghĩ mất số tiền đó thì bản thân họ và gia đình họ sẽ rơi vào tình cảnh thế nào. Tìm thấy thì báo cho họ mừng, đặng mang trả lại họ, đâu có phải của mình mà tham, mà tính toán thiệt hơn', Thanh vô tư kể lại.

Không phải ai có thể đứng vững trước cám dỗ của vật chất, vậy nên những hành động đẹp của các tài xế '6 sao' này luôn rất đáng trân trọng 

Trong thư điện tử gửi đến cho tổng đài Grabcar, chị Thảo, người khách bỏ quên túi tiền mấy trăm triệu trên xe của anh Thanh, viết:

'Ngày trời mưa tầm tã nhưng tâm trạng mình lại cực tươi sáng vì gặp được bác tài dễ thương và tốt bụng quá! Khi vào nhà rồi mới giật mình không nhớ làm rơi cọc tiền đâu mất. Thôi thì kiểm tra lầm còn hơn bỏ sót, mình gọi điện cho bác tài nhờ xem lại giúp trong xe có không.

Thật may quá, mình đánh rơi trên xe Grabcar. Bác tài đang chạy đi đón khách nhưng vẫn dừng lại tìm giúp, rồi còn nhiệt tình quay lại tận nhà trả lại tiền mà chẳng phàn nàn hay đòi hỏi gì cả. Nếu được đánh giá 6 sao mình sẽ chọn ngay mà không ngần ngại với tài xế Nguyễn Viết Thanh này'.

Anh Nguyễn Viết Thanh năm nay hơn 35 tuổi, quê An Giang và lên TP.HCM lập nghiệp hơn 20 năm nay bằng nhiều nghề trước khi trở thành tài xế. Cách đây khoảng 12 năm, anh học lái xe rồi về làm việc cho một số công ty trước khi quyết định nghỉ việc, tự thuê xe tham gia lái trong dịch vụ Grabcar. 

'Đất Sài Gòn bao dung lắm, nó như vùng đất hứa cho mọi người. Ở Sài Gòn mà bảo không biết mần chi ăn là tệ quá rồi. Nên tui nghĩ vẫn tiếp tục gắn bó với đất này, ráng sống lương thiện, chịu khó thì đời con cái mình cũng bớt khổ. Chỉ mong vậy thôi, không mong nhà cao cửa rộng mần chi' - anh Thanh bộc bạch.

Tài xế Nguyễn Khánh Linh (thứ hai từ phải qua) khi trao trả số tiền khách để quên

Một trường hợp khác là tài xế Nguyễn Khánh Linh của Hãng Taxi 42 tại TP.Biên Hòa, Đồng Nai đã trả lại khách số tiền lên tới hàng tỉ đồng.

Qua trao đổi, Linh biết khách có mang theo số tiền lớn để đi giao dịch bất động sản. Sau đó, khách xuống xe và Linh quay về nhà nghỉ ngơi. Đến khoảng 17 giờ chiều cùng ngày, trong lúc dọn dẹp xe để chuẩn bị tiếp tục công việc, Linh phát hiện một túi xách màu nâu trong xe. Vừa mở túi ra xem thì Linh choáng váng vì thấy quá nhiều tiền, có cả tiền VND lẫn USD và vàng.

Theo ước tính được khách thông báo, tổng trị giá hơn 6 tỉ đồng cùng giấy tờ tùy thân như hộ chiếu Mỹ.

Nhận lại tài sản, vợ chồng người khách Việt kiều Mỹ rất bất ngờ và ghi vào biên bản: 'Thú thật vợ chồng chúng tôi không biết mất tài sản đó đến khi cháu Linh chủ động gọi điện thoại đến 3 cuộc tôi mới bắt máy và biết được sự việc'. 

Có thể thấy rằng những người tốt, việc tốt vẫn ở gần lắm quanh ta. Khi mà nhiều người cho rằng niềm tin giữa người đã trở thành xa xỉ, những hành động đẹp như của Vũ Huy Cảng là những mầm tử tế lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống ngày nay. 

Tứ Nguyệt Vũ/giadinhmoi.vn