Những kiểu quảng cáo hài hước cực chất của Việt Nam xưa

Từ quảng cáo kem đánh răng, bia, thuốc lá cho đến quảng cáo... quan tài, thế giới Marketing của Việt Nam xưa đầy sáng tạo và sôi động, lắm khi khiến các nhà quảng cáo ngày nay phải nghiêng mình bái phục.

 Quảng cáo xăng thôi mà, có cần phải... lãng mạn thế không?

Từ khi việc buôn bán xuất hiện thì văn hóa quảng cáo đã ra đời - xa xưa là quảng cáo truyền miệng, những tiếng rao đi vào trong từng ngõ hẻm của thôn làng. 

Đến khi Pháp đặt chân vào Sài Gòn, các hình thức quảng cáo cũng phát triển mạnh hơn, sau năm 1954, các biển quảng cáo mọc lên như nấm, khoác lên đường phố Sài Gòn vô vàn màu sắc. 

Những quảng cáo xưa chưa có công nghệ hỗ trợ nhưng lại có điều quan trọng nhất với một quảng cáo - đó chính là nội dung ấn tượng. 

Mốt thịnh hành - quảng cáo bằng thơ

Thời ấy, hình thức quảng cáo bằng những câu ca dao tục ngữ hay các vần thơ hóm hỉnh, dễ nhớ rất thịnh hành, bởi chúng gần gũi với tâm lý người Việt và dễ được thanh niên lưu truyền nhau, lắm khi 'chế' thêm khiến quảng cáo đã nổi càng thêm nổi.

Hòm (quan tài) Tobia được cho là tiên phong cho lối quảng cáo 'Ta về ta tắm ao ta'. Câu slogan 'Sống một cái nhà, thác một cái hòm' khiến cho bất cứ ai lướt qua khó có thể nào quên được
 Quảng cáo nước ngọt này tuy không màu mè bắt mắt nhưng vẫn ấn tượng nhờ kết hợp giữa các vần thơ dễ nhớ và hình ảnh thú vị 
Quảng cáo này đã dí dỏm 'nâng tầm' xổ số lên thành món quà biếu hàng đầu - vừa vui nhộn vừa đánh trúng tâm lý người Việt rất quan trọng chuyện quà cáp

Những quảng cáo nhìn một lần là nhớ mãi

Ngay từ thời xưa, các con đường đã ngập tràn biển hiệu quảng cáo, bởi vậy, các quảng cáo cần phải độc đáo và in vào tâm trí người xem ngay tức khắc. 

 

Chủ đề tình yêu vẫn luôn là một trong những chủ đề 'hot' nhất trong quảng cáo. 

Đây là mẫu quảng cáo xe Lambrella 'hot' thời bấy giờ, với thông điệp lãng mạn: 'Khi mà chúng ta chỉ có hai người, đời sẽ đẹp đẽ hơn' 
Làm gì có ai không muốn là người lịch sự? Thương hiệu giày Bata đã đi vào huyền thoại, đến nỗi giờ đây người ta gọi chung nó cho loại giày thể thao đế bằng
Quảng cáo bia vô cùng hiện đại và ấn tượng
Quảng cáo kem đánh răng có một không hai này khiến cho ai thấy cũng phải bật cười 

Kem đánh răng Hynos là một thương hiệu của ông chủ Mỹ gốc Do Thái, sau được nhượng cho ông chủ người Việt gốc Hoa Vương Đạo Nghĩa.

Hynos sở hữu nhiều quảng cáo 'bá đạo', cực kỳ sáng tạo và đi trước thời đại. Một trong số đó là đoạn phim quảng cáo đi vào huyền thoại, do ông Vương Đạo Nghĩa bỏ tiền thuê diễn viên võ hiệp Hong Kong nổi tiếng lúc đó là Vương Vũ và La Liệt đóng.

Trong một đoạn phim ngắn, Vương Vũ là trùm thảo khấu trên núi cao quan sát đoàn xe bảo tiêu (do La Liệt chỉ huy) đang đẩy về, bèn xua quân xuống cướp, hai bên đánh nhau chết hết, chỉ còn Vương Vũ và La Liệt cùng so kiếm.

Qua một màn đấu võ tưng bừng, kết quả Vương Vũ thắng và sau đó anh ta leo lên xe bảo tiêu, mở thùng hàng và lấy ra đưa về phía khán giả… hộp kem đánh răng Hynos. Đoạn phim quảng cáo này thường chiếu ở các rạp phim trước khi chiếu phim chính khiến khán giả, nhất là khán giả trẻ vô cùng khoái trá.

Tác động của phim vô cùng lớn. Nhưng lý do ông Nghĩa chịu bỏ một số tiền lớn như thế không đơn giản chỉ vì khách hàng trong nước mà đoạn phim đó còn để chiếu ở Đông Nam Á, do nhãn hiệu Hynos cũng bắt đầu tràn sang các thị trường Thái Lan, Singapore, Hong Kong… sau khi trở thành 'độc cô cầu bại' ở thị trường trong nước.

Quảng cáo Hynos xuất hiện trong bộ phim Mỹ Full Metal Jacket 

Một quảng cáo khác cũng thú vị là giai điệu vui nhộn được phát trên đường phố khiến người Sài Gòn thời ấy khó mà quên được:

'Chà chà chà, Hynos, chà chà chà.

Chà chà chà, hàm răng em trắng bóc.

Cha cha cha, cha cha cha.

Và ngàn nụ cười, nụ cười tươi như hoa'.

Trong chương trình phát thanh thương mại do Ngô Bảo thực hiện trên đài phát thanh Sài Gòn vào những năm 1965-1966 là những khúc hát dí dỏm quảng cáo kem đánh răng Hynos:

'Anh yêu em hay anh yêu kem hay anh yêu anh Bảy Chà da đen?

Anh yêu em, anh yêu luôn kem, anh yêu luôn anh Bảy Chà da đen'.

Khi quảng cáo thuốc lá vẫn còn nhan nhản

Thời ấy, chưa có nghiên cứu cho rằng thuốc lá gây ung thư phổi, có hại cho sức khỏe như bây giờ. Vậy nên các hãng thuốc lá đua nhau quảng cáo thương hiệu của mình. Thanh niên thường truyền tai nhau những vần thơ đọc xuôi - đọc ngược từ tên các hãng thuốc lá, điển hình như với hãng thuốc CAPSTAN.

Tên hãng thuốc lá được 'chế' thành bài thơ kinh điển: 'Cho Anh Phát Súng Tim Anh Nát/Nhưng Anh Tin Số Phận Anh Còn'  

Hãng thuốc CAPSTAN còn được lưu truyền khá nhiều phiên bản đọc xuôi - đọc ngược:

'Chiếc Áo Phong Sương Tình Anh Nặng - Nợ Ân Tình Sao Phụ Anh Chi?'

Hay một phiên bản 'khó đỡ' khác: 'Nhà Anh Thiếu Sữa Phải Ăn Cắp - Công An Phường Sẽ Tóm Anh Ngay'.

Quảng cáo thuốc lá cũng có thể thi vị lắm chứ! 
Hay có hãng lại chọn hình thức quảng cáo 'giật tít' như thế này 

Những lời quảng cáo mộc mạc, lắm khi đến 'hồn nhiên'

Bên cạnh những quảng cáo dùng hình ảnh ẩn dụ ấn tượng, nhiều quảng cáo khác dùng lối nói khoa trương, đi thẳng vào vấn đề.

Đơn giản và dễ hiểu: 'Dù kén mặc đến đâu cũng được vừa ý', vậy thì tội gì không thử ghé qua tiệm may này nhỉ? 

Từ ngày xưa đã có những tờ báo chuyên dành cho phụ nữ. Có tờ chọn lối quảng cáo thậm xưng nhưng đánh trúng tâm lý chị em: 'Chồng tôi mê gái chỉ vì tôi không đọc tờ Tuần báo Đàn bà'.

 

Tờ 'Phụ nữ Tân văn' lại dành cho một đối tượng khác - những người phụ nữ hướng đến lối sống độc lập, mang dáng dấp phong trào bình đẳng giới sơ khai. Vậy nên thông điệp cũng rất cá tính:

'Phấn son tô điểm sơn hà

Làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam'

 Trang bìa vừa nhấn mạnh thông điệp của tờ báo, vừa không quên quảng cáo cho 'nhà tài trợ' Nestle
'Phụ nữ Tân văn' với bài viết tuyên bố đầy mạnh mẽ về nữ quyền 

Cũng như bao tờ báo về phụ nữ khác, chủ đề làm đẹp luôn được quan tâm ưa chuộng hàng đầu. Chẳng thế mà có những quảng cáo 'giật gân' kiểu: 'Xấu đổi ra đẹp trong ba ngày'.

Tờ báo niêm yết cả giá đăng quảng cáo cho các nhà kinh doanh liên hệ 
Những quảng cáo xưa thường có thông điệp 'thẳng tưng': 'Hiệu con Voi, tốt hơn các hiệu khác, xưa nay đã nức tiếng' 
Tất cả mọi thứ bán được đều quảng cáo được, kể cả thuốc trị... hôi nách. Mà còn phải quảng cáo thật thơ mộng nữa kia! 
Có lẽ các nhà quảng cáo đại tài ngày nay cũng phải ngả mũ trước tác phẩm quảng cáo đặt ở vị trí không thể 'chuẩn chỉnh' hơn: Quảng cáo quan tài trên... xe điện 
Hoàng Ngọc Vũ/giadinhmoi.vn