Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ: Việt Nam hướng tới bình đẳng giới, tiến bộ

Những người có trình độ học vấn cao có tỷ lệ bị bạo lực cũng thấp hơn và điều này cho thấy trình độ học vấn có ý nghĩa rất quan trọng, giúp phụ nữ tự tin hơn, mạnh mẽ và độc lập hơn trong cuộc sống.

Phụ nữ cần lên tiếng khi bị bạo lực 

Theo Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019, cứ ba phụ nữ thì có gần hai phụ nữ (gần 63%), bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời và gần 32% phụ nữ bị bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua).

Trong đó, phụ nữ khuyết tật bị các hình thức bạo lực do chồng gây ra cao hơn so với phụ nữ không bị khuyết tật.

So với Báo cáo năm 2010, tỷ lệ phụ nữ bị các dạng bạo lực đã giảm nhẹ. Thay đổi tích cực diễn ra rõ nét ở nhóm phụ nữ trẻ tuổi, họ không cam chịu và mạnh mẽ hơn trong đấu tranh với bạo lực.

Đáng chú ý, những người có trình độ học vấn cao có tỷ lệ bị bạo lực cũng thấp hơn và điều này cho thấy trình độ học vấn có ý nghĩa rất quan trọng, giúp phụ nữ tự tin hơn, mạnh mẽ và độc lập hơn trong cuộc sống.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, tình trạng bạo lực với phụ nữ vẫn được che giấu do định kiến giới còn khá phổ biến trong xã hội. Sự im lặng, kỳ thị của cộng đồng và “văn hóa đổ lỗi” là những rào cản khiến người bị bạo lực không dám lên tiếng và kìm hãm sự giúp đỡ.

Trẻ em cũng là nạn nhân, dễ gặp rủi ro hơn trong cuộc sống khi phải sống trong gia đình có xảy ra bạo lực.

Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cũng chỉ ra, một nửa số phụ nữ bị chồng bạo lực chưa bao giờ kể với bất kỳ ai. Hầu hết phụ nữ (90,4%) bị bạo lực thể xác và/hoặc tình dục do chồng gây ra không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền.

Bạo lực không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần của phụ nữ và trẻ em, ảnh hưởng đến kinh tế của gia đình mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Ước tính thiệt hại kinh tế do bạo lực gây ra cho nền kinh tế Việt Nam tương đương với 1,8% GDP.

Đẩy mạnh các giải pháp xóa bỏ bạo lực với phụ nữ

Việc ngăn chặn và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ là một yếu tố quan trọng để đảm bảo tất cả mọi người đều là một phần trong quá trình phát triển của xã hội.

Do đó, trong những năm qua, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai các giải pháp nhằm ngăn chặn và tiến tới giảm thiểu thực trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, nâng cao chất lượng công tác bình đẳng giới.

Đây được xem là nền tảng quan trọng thể hiện sự quan tâm, cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo an sinh xã hội với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Cụ thể, nhiều văn bản pháp luật quy định các biện pháp bảo vệ gia đình và phòng ngừa bạo lực gia đình đã được ban hành, như: Hiến pháp năm 1992, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020, Đề án phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030...

Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, ngăn chặn sự gia tăng của tình trạng này thông qua việc nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân và phát triển, tăng cường khả năng đáp ứng của các cơ sở cung cấp dịch vụ phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới 

Đó là mục tiêu chung của Chương trình Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chương trình đặt chỉ tiêu đến năm 2025 thiểu 50% người bị bạo lực trên cơ sở giới tìm kiếm sự trợ giúp từ cơ quan cung cấp dịch vụ;100% trường hợp có nhu cầu trợ giúp về bạo lực trên cơ sở giới được trợ giúp bằng các hình thức khác nhau.

Một trong những nhiệm vụ và giải pháp của Chương trình là truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới bằng các hình thức đa dạng, phù hợp với các nhóm đối tượng.

Cụ thể, tăng cường trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp, tổ chức và cá nhân trong phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; tổ chức các hoạt động truyền thông thường xuyên và chiến dịch truyền thông hướng tới các nhóm đối tượng phù hợp với mục tiêu vận động chính sách và vận động xã hội, tạo sự thay đổi nhận thức, thực hành về bình đẳng giới trong các tầng lớp nhân dân; chú trọng sự tham gia của những người có uy tín trong cộng đồng, nam giới, trẻ em trai, thanh niên nhằm tạo sự thay đổi trong xã hội; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Nhiệm vụ, giải pháp khác là duy trì, nhân rộng và nâng cao hiệu quả các mô hình, cơ sở cung cấp dịch vụ phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Cụ thể, duy trì, mở rộng các mô hình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; thực hiện thí điểm các mô hình hỗ trợ sinh kế và tự chủ về mặt tài chính cho các nhóm đối tượng phù hợp với tình hình thực tế; nhân rộng và nâng cao chất lượng các cơ sở cung cấp dịch vụ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; nghiên cứu, thí điểm triển khai Tổng đài điện thoại quốc gia hỗ trợ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Xây dựng cơ sở dữ liệu về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên phụ trách lĩnh vực liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới; huy động hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế trong phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Ngọc Dung


Tin liên quan