Chiến dịch truyền thông 'He Can' thúc đẩy bình đẳng giới: Đàn ông có thể

Thông qua chiến dịch 'He Can', các chuyên gia mong muốn thảo luận về các quan niệm xã hội đang giới hạn vai trò của nam và nữ trong gia đình và phát triển kinh tế.

Ai chịu trách nhiệm chính trong gia đình?

Tổ chức Sáng kiến Hỗ trợ Phụ nữ Khởi nghiệp và Kinh doanh (WISE) cho ra mắt chiến dịch “He Can”. Đây là một chiến dịch truyền thông nhằm thúc đẩy nhận thức xã hội về bình đẳng trong vai trò và khả năng của nam giới và nữ giới trong việc chăm sóc gia đình và phát triển kinh tế.

Chiến dịch truyền thông He Can nằm trong khuôn khổ chương trình Investing In Women-IW (Đầu tư vào Phụ nữ) - sáng kiến do Chính phủ Úc tài trợ với mục tiêu nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ tại khu vực Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam.

Thông qua chiến dịch He Can, chương trình mong muốn thúc đẩy thảo luận về các quan niệm xã hội đang giới hạn vai trò của nam và nữ trong gia đình và trong phát triển kinh tế.

  Lễ ra mắt chiến dịch truyền thông

Lễ ra mắt chiến dịch truyền thông

Những quan niệm đó như: phụ nữ là người chịu trách nhiệm chính trong việc chăm sóc con cái và gia đình hay “xây tổ ấm”; đàn ông là trụ cột, đóng vai trò chính trong việc phát triển kinh tế và lo toan cho gia đình hay “xây nhà”; một số công việc nhất định chỉ dành riêng cho nam hoặc chỉ dành riêng cho nữ, dẫn tới sự phân biệt về công việc; và phụ nữ đảm nhiệm tốt hơn các vai trò hỗ trợ còn nam giới làm tốt hơn trong vai trò lãnh đạo.

Chiến dịch He Can được thực hiện trong vòng hai năm với rất nhiều các hoạt động khác nhau để thu hút sự tham gia của thế hệ Millennials (những người sinh từ năm 1980 đến năm 2000) tại các khu vực đô thị. Đây là nhóm người mà nghiên cứu của IW cho thấy đang có những thay đổi tích cực từ các quan niệm giới truyền thống hướng tới mức độ bình đẳng giới cao hơn.

Chiến dịch này sẽ khuyến khích sự tham gia của họ thông qua việc nhìn nhận lại các quan niệm về giới trong các thành ngữ, tục ngữ và các tác phẩm nghệ thuật; xây dựng hình tượng nam giới, nữ giới hiện đại và khuyến khích đối thoại trên phương tiện truyền thông và mạng xã hội với những người có tầm ảnh hưởng.

Nhìn nhận lại các định kiến xã hội về giới

Bà Từ Thu Hiền, CEO của WISE chia sẻ: “Với chiến dịch He Can, chúng tôi mong muốn mỗi người trong xã hội sẽ cùng nhìn nhận lại các định kiến xã hội về giới theo một góc nhìn cân bằng hơn đối với cả hai giới.

Như chúng ta đã thấy, những định kiến về giới trong xã hội hiện nay có những tác động tiêu cực lên cả nam giới và nữ. Chính vì thế, thay đổi quan niệm xã hội về vai trò, cũng như trách nhiệm của nam giới và nữ giới sẽ đem lại lợi ích cho cả hai phía và cho toàn xã hội.”

  Các diễn giả tham gia chương trình

Các diễn giả tham gia chương trình

Hưởng ứng lễ ra mắt chiến dịch, bà Robyn Mudie, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho rằng, bình đẳng giới là nền tảng quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh kinh doanh, xây dựng một xã hội bình đẳng, thúc đẩy tăng trưởng toàn diện.

Tuy nhiên sự phát triển toàn cầu đang bị kìm hãm bởi những quan niệm, thái độ, thực hành xã hội hạn chế sự tham gia của phụ nữ vào nền kinh tế và của nam giới trong gia đình.

Thông qua việc hỗ trợ nhóm Millenials thành thị trong vai trò những người sáng tạo và tiên phong, chiến dịch "He Can" mà WISE thực hiện sẽ giúp tạo ra sự thay đổi hướng tới thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc, trong gia đình, xã hội.

Việt Nam thực hiện tốt các chương trình về bình đẳng giới

Theo Báo cáo Phát triển Con người toàn cầu năm 2020, Chỉ số phát triển con người (Human Development Index - HDI) năm 2019 là 0,704, đưa Việt Nam vào nhóm phát triển con người cao và xếp thứ 117 trong số 189 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Từ năm 1990 - 2019, giá trị HDI của Việt Nam đã tăng gần 46%, nằm trong số các nước có tốc độ tăng HDI cao nhất trên thế giới. Cũng trong giai đoạn này, GNI bình quân đầu người của Việt Nam tăng hơn 370 phần trăm.

Đáng chú ý là tiến bộ Phát triển con người của Việt Nam đã đạt được với mức độ bất bình đẳng vừa phải và ổn định. Mức giảm giá trị HDI của Việt Nam do bất bình đẳng vào năm 2019 là 16,5%, giảm thu nhập do bất bình đẳng là 19,1% và hệ số GINI ở mức 35,7 - là một trong những mức thấp nhất trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.

Khi xem xét HDI có tính đến bất bình đẳng, Việt Nam ở mức cao hơn 10 bậc so với xếp hạng HDI vào năm 2019.

Việt Nam đạt được mức Phát triển con người cao là một thành tựu đáng ghi nhận và cũng tạo cơ hội cho sự phát triển tốt hơn và nhanh hơn trong giai đoạn tới.

Chiến dịch truyền thông 'He Can' thúc đẩy bình đẳng giới: Đàn ông có thể 2

"Định kiến về đàn ông vẫn thập diện mai phục từ khi đàn ông mới lọt lòng cho đến khi xuống lỗ. Rằng vừa sinh ra chúng đã phải gánh trên vai đủ thứ đòi hỏi. Như đàn ông phải can đảm, phải mạnh mẽ, không được khóc nhè, bị bạn gái giật đồ chơi thì không được giật lại, không được khóc về mách mẹ, không được đánh lại khi bạn gái đánh… Muốn lấy được vợ thì phải có nhà có công ăn việc làm đàng hoàng (mẹ chồng chết hoặc mẹ chồng câm điếc có khi thành điểm cộng ưu tiên). Lấy vợ về phải hơn vợ một cái đầu, thu nhập phải cao hơn vợ không thì vợ nó coi thường cho.

Ngay trong cách chúng ta nói với nhau thường ngày, cái câu “Đàn ông mà…” là cái câu định kiến đến nổ con ngươi. Đàn ông mà lắm lời, đàn ông mà lên mạng than thở, đàn ông mà nói xấu vợ, đàn ông mà không kiếm ra tiền nuôi vợ… Liệu có phải vì đàn ông chịu quá nhiều định kiến nên nhiều ông tức mình cóc thèm làm đàn ông nữa chuyển sang làm thằng đánh vợ, thằng rượu chè, thằng khốn nạn, thằng sở khanh…?

HE CAN- Anh ấy làm được là nhờ chính các chị em luôn ủng hộ, khuyến khích, động viên và tin tưởng".

(Nhà văn Hoàng Anh Tú)

Thu Hương

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính